Lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở các tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ.
Cứ vào khung giờ cao điểm, loa phát thanh của Ban Quản lý Chợ TP Hà Tĩnh lại liên tục phát đi những cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy nổ trong khu vực chợ.
Lực lượng chức năng cũng đến tận nơi tuần tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống cháy nổ; bố trí lực lượng trực cả ngày lẫn đêm… Thế nhưng, sự lo lắng về cháy nổ của Ban Quản lý là một chuyện, ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tiểu thương lại là chuyện khác.
Hệ thống điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nếu không được quản lý chặt.
Nhiều hộ kinh doanh vẫn luôn coi lối đi giữa các quầy hàng là nơi cơi nới để hàng hoá thay vì xem đó là lối thoát thân nếu xảy ra cháy nổ. Thậm chí, rất nhiều hộp chữa cháy (đựng cuộn vòi chữa cháy, van góc và lăng phun chữa cháy), bình chữa cháy xách tay bị che khuất dưới các gian hàng cố định.
Nguy hiểm và đáng lo ngại hơn, một số hộ kinh doanh còn câu móc điện bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh tận dụng hộp chữa cháy để treo đồ.
Theo ghi nhận, các gian hàng vàng mã, quần áo, giày dép… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao khi khu vực này chứa nhiều hàng hóa thuộc loại dễ cháy nhưng tình trạng lấn chiếm, cơi nới hành lang lại diễn ra phổ biến nhất.
Chị Hoàng Thị H. - một tiểu thương chuyên kinh doanh quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh lý giải: “Số lượng hàng hoá nhiều trong khi ki-ốt lại khá nhỏ nên tôi phải tận dụng cả lối đi và khu vực đặt bình chữa cháy để bày hàng. Dù biết điều này là sai quy định nhưng nếu không cơi nới thì chúng tôi sẽ không biết để hàng ở đâu”.
Chợ TP Hà Tĩnh là một trong những khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hoá lớn trên địa bàn tỉnh.
Được biết, chợ TP Hà Tĩnh là một trong những khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hoá lớn trên địa bàn tỉnh. Chợ có khoảng 2.000 ki-ốt kinh doanh đủ các loại hàng hóa từ quần áo, dày dép, nông sản, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, vàng mã…
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của chợ xây dựng khá lâu, nhiều khu vực kinh doanh bị xuống cấp, quá tải... Điều này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nếu không có phương án, kế hoạch PCCC bài bản.
Hộp chữa cháy nằm khuất sau những giá treo quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế đã có nhiều vụ cháy xảy ra ở các chợ xuất phát từ ý thức chủ quan, lơ là của tiểu thương và thiệt hại là vô cùng lớn. Tại chợ TP Hà Tĩnh, dù chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, đặc biệt là cho các hộ kinh doanh ký cam kết tuân thủ các quy định an toàn PCCC nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình, thường xuyên vi phạm PCCC.
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể những hộp chữa cháy trong chợ bị mắc kẹt dưới các gian hàng hoặc không thể đóng mở để có phương án khắc phục sớm nhất. Tăng tần suất tuần tra, giám sát và tuyên truyền để bà con tiểu thương nâng cao ý thức PCCC tại quầy hàng của mình. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mạnh tay xử lí các hộ kinh doanh cố tình vi phạm".
Cũng theo ông Long, Ban Quản lý chợ đã cử thêm lực lượng nhắc nhở các tiểu thương kê lại hàng hóa, cẩn thận trong dùng điện và ngăn chặn hành động đốt vàng mã, thắp hương. Đồng thời, tiến hành bảo dưỡng hệ thống điện và hệ thống PCCC của chợ, mua sắm thêm trang thiết bị, thay thế một số đồng hồ điện xuống cấp…
Hộp chữa cháy, bình chữa cháy tại chợ Hội (Cẩm Xuyên) nằm khuất sau hàng quần áo.
Không chỉ tại chợ TP Hà Tĩnh mà ở một số chợ trung tâm tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, công tác PCCC vẫn còn nhiều bất cập. Tại chợ Hội (Cẩm Xuyên), tình trạng tiểu thương vi phạm các quy định về PCCC tại khu vực kinh doanh diễn ra hằng ngày. Nhiều khu vực bày bán hàng hóa lấn chiếm cả lối đi lại, các thiết bị PCCC cũng bị che khuất bởi vô số mặt hàng.
Chị Hoàng Thị Bích (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Khi đến mua hàng tại đây, ngoài 2 hộp đựng thiết bị PCCC ở trung tâm chợ thì rất khó để thấy các hộp thiết bị ở những địa điểm mua bán xung quanh. Ban Quản lý và tiểu thương trong chợ cần nâng cao ý thức PCCC tại chợ để bảo vệ tài sản của mình và những người xung quanh".
Công tác PCCC tại chợ Hội vẫn còn nhiều mối lo.
Các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống ở Hà Tĩnh không nên chủ quan, lơ là trong PCCN ở bất cứ thời điểm nào. Bởi, nếu xảy ra sự cố, việc chữa cháy ở khu vực này hết sức khó khăn.
Để công tác PCCC tại các chợ được đảm bảo rất cần sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, ban quản lý chợ trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt răn đe. Đặc biệt, các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức thực hiện nghiêm các quy định về PCCC nhằm đảm bảo sự an toàn về người và tài sản, nhất là trong mùa nắng nóng.