Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm 2019 đến nay, trong việc điều tra, truy tố, xét xử 10 vụ trộm cắp ở Hà Tĩnh, có 7 vụ xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này còn nhiều khó khăn.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Sau khi trộm cắp tài sản, Bùi Văn Sinh (SN 1990, trú xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã bán lại 2 chiếc máy tính xách tay cho một cửa hàng công nghệ tại TP. Vinh, Nghệ An

Sáng 22/6/2020, tại hội trường xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh, bị cáo Bùi Văn Sinh (SN 1990, trú huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) khai nhận đã lấy trộm 3 chiếc điện thoại và 2 máy tính xách tay tại Bưu chính Viettel Hà Tĩnh (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh).

Sinh đã bán 2 chiếc máy tính xách tay cho một cửa hàng công nghệ nằm trên đường Nguyễn Du (TP Vinh, Nghệ An) với giá hơn 1,9 triệu đồng. Theo lời khai của bị cáo, sau khi nghe người bán trình bày máy tính thuộc sở hữu của mình nhưng không có nhu cầu sử dụng, chủ cửa hàng đã đồng ý mua lại.

Trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu như trộm cắp, cướp giật… yếu tố mua lại tài sản trộm cắp không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, tại các phiên xử, tình tiết “do người mua không biết nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có nên cơ quan điều tra không đề cập hình thức xử lý là phù hợp” luôn được kiểm sát viên nêu trong cáo trạng.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Lê Hữu Thắng (SN 1975, trú TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Trần Văn Chiến (SN 1972, trú xã Phúc Trạch, Hương Khê) trộm cắp tài sản là tiền, vàng, ngoại tệ rồi tới 1 tiệm vàng ở TP Hà Tĩnh để bán lại với giá 32 triệu đồng. TAND huyện Thạch Hà đã tuyên phạt Trần Văn Chiến và Lê Hữu Thắng tổng số 64 tháng tù về hành vi nói trên (ảnh chụp ngày 14/5/2020).

Ông Nguyễn Thành Nhân - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà phân tích: “Việc xử lý hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 250, Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt lên đến 10 năm tù. Tuy nhiên, tại khoản 1 điều này quy định, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người mua biết rõ tài sản tiêu thụ do phạm tội mà có. Nếu không, việc tiêu thụ chỉ là một giao dịch dân sự thông thường và sau khi chứng minh được đó là tài sản phạm tội mà có, giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu; đồng thời các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận”.

Trên thực tế, việc chứng minh người mua có tội trong trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có rất khó khăn. Quá trình điều tra, người mua luôn tìm cách phủ nhận mình không biết về nguồn gốc tài sản, trong khi cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để làm rõ.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Với hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, Phạm Văn Thành (SN 1996, trú tại thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị TAND thành phố Hà Tĩnh tuyên phạt 39 tháng tù giam vào ngày 15/1/2020.

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu cho hay: “Từ kẽ hở của pháp luật, rất nhiều giao dịch mua bán tài sản không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra bình thường. Với những tài sản có giá trị lớn, theo quy định của pháp luật, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc, nhưng với những tài sản như vàng bạc, túi xách... cơ quan chức năng khó có căn cứ để quy kết người mua.

Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước; ảnh hưởng tới quá trình điều tra, phát hiện tội phạm mà còn tạo điều kiện cho những người khác dễ dàng đi vào con đường phạm tội”.

Tỷ lệ nhóm tội xâm phạm sở hữu, gồm trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản chiếm khoảng 50% trong tổng cơ cấu tội phạm. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng có mối quan hệ mật thiết với nhóm tội này nhưng vấn đề xử lý hiện vẫn chưa tương xứng.

Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng kẻ gian tiêu thụ tài sản trộm cắp được, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng bằng biện pháp hành chính, hóa đơn, thuế…; siết chặt quản lý việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản; có biện pháp cứng rắn với những người bán hàng không rõ nguồn gốc ở vỉa hè, đường phố.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhằm đảm bảo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tố tụng; gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm”, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.