Sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp
Liệt sỹ Phạm Quốc Chiến (1954 - 1972) là con trai cả trong một gia đình có 7 anh chị em ở xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn. Gia đình nghèo, đông con, ông lại là con cả nên mọi việc trong nhà đều phải cáng đáng giúp cha mẹ.
Dù rất thương cha mẹ và các em nhưng là một chàng trai có lý tưởng sống cao đẹp, tháng 1/1971, ông Chiến (khi đó mới 17 tuổi) đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong khoác ba-lô lên đường đi chiến đấu.
Bà Phạm Thị Trường (SN 1956) - em gái liệt sỹ Chiến, hiện trú tại thôn Lộc Phúc, xã Tân Dân (Đức Thọ) bùi ngùi nhớ lại: “Trước ngày lên đường nhập ngũ, anh tôi còn gắng lợp lại mái chuồng bò vì lo ở nhà, cha mẹ không làm được, các em thì còn nhỏ. Rồi anh ấy ra đi và gia đình chúng tôi không bao giờ được gặp lại nữa”.
Sau 6 tháng huấn luyện tân binh, ông Chiến được biên chế vào Đại đội 1 - Trung đoàn 9 - Sư đoàn 711 (Quân khu IV). Theo những thông tin được giải mật sau chiến tranh, đơn vị của ông đã thực hiện hàng chục trận đánh khốc liệt tại các chiến trường Quảng Trị, Quảng Nam vào những năm 1971 - 1972.
Trong mưa bom bão đạn, những lá thư chàng trai trẻ gửi về cho gia đình vẫn thấm đẫm niềm nhớ thương người thân, lý tưởng cách mạng cao đẹp và một niềm tin mãnh liệt vào ngày hòa bình. Như một thói quen, ông Chiến thường mở đầu trang thư với dòng chữ thân thuộc: “Thưa bà, cha mẹ kính mến! Các em thương nhớ! Con lại biên thư về cho gia đình lúc con đang đi làm nhiệm vụ...”.
Những câu chuyện trong điều kiện sống thiếu thốn, gian khổ ở chiến trường, những trận đánh khốc liệt, những hy sinh mất mát của đồng đội… đều được ông Chiến kể chi tiết cho bà nội, cha mẹ và các em.
Với bản lĩnh kiên cường, ý chí của một người lính Cụ Hồ, ông viết: “Cho dù khổ ải thế nào, cho dù chết đi chăng nữa, con cũng không làm hổ thẹn thanh danh nhà ta. Cha mẹ hãy tin ở con điều đó! Thà chết vinh còn hơn sống nhục, thà hy sinh cho Tổ quốc còn hơn làm một tên lính đào ngũ. Ở đây, chúng con thường căn dặn nhau như thế!”…
Rồi những cánh thư thưa dần. Ngày 18/7/1972, liệt sỹ Phạm Quốc Chiến anh dũng hy sinh trong một trận đánh tại chiến trường miền Nam. Thế nhưng, vì điều kiện chiến tranh khốc liệt, phải đến tháng 5/1974, gia đình mới nhận được tin báo tử về ông.
Bà Trường chia sẻ: “Anh tôi hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi - độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, nhiệt huyết nhất. Nỗi đau quá lớn khiến cha mẹ, chị em chúng tôi tưởng chừng gục ngã. Mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, cha mẹ tôi vẫn đau đáu nỗi lòng vì không biết anh nằm lại nơi đâu”.
Món quà tri ân tháng Bảy
52 năm kể từ ngày liệt sỹ Chiến hy sinh, gia đình đã nhiều lần tìm kiếm, nhờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng giúp đỡ nhưng đều không có thông tin chính xác về phần mộ của ông.
Chồng bà Trường - ông Dương Quỹ Đạo - nguyên Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH) dù về làm rể gia đình khi liệt sỹ Chiến đã hy sinh, nhưng qua những câu chuyện, những lá thư được cất giữ, ông luôn dành cho người anh vợ một tình cảm yêu mến, kính trọng đặc biệt.
Ông Đạo chia sẻ: “Sinh thời, cha mẹ vợ luôn tin tưởng và giao trọng trách cho tôi phải liên hệ tìm kiếm thông tin về phần mộ của anh Chiến. Trước lúc lâm chung, ông bà vẫn ngước nhìn lên bàn thờ không một tấm di ảnh, chỉ có tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của anh và chúng tôi hiểu nỗi đau đó. Nhiều năm qua, bằng các mối quan hệ công tác của mình, tôi đã rất nỗ lực kết nối nhưng đều không có kết quả”.
Day dứt khi chưa hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất, ngày 22/7/2024, trong không khí cả nước hướng về ngày lễ tri ân các anh hùng, liệt sỹ, ông Đạo đã đăng tải lên mạng xã hội facebook dòng tâm tư “Anh tôi đang ở đâu?” với mong muốn cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa thông tin, biết đâu sẽ có lời hồi đáp.
Không ngờ, chỉ sau một thời gian, ông Đạo nhận được cuộc gọi kết nối của một người bạn cũ, đang làm việc cho Chương trình Hòa giải hậu quả chiến tranh (thuộc một tổ chức phi chính phủ của Mỹ) đề nghị cung cấp đầy đủ thông tin của liệt sỹ.
Rất nhanh chóng, bằng những dữ liệu thu thập được, người bạn này đã cung cấp cho ông Đạo số điện thoại của ông Nguyễn Viết Đãi (trú tại TP Đà Nẵng) - một cựu chiến binh cùng trung đoàn với liệt sỹ Phạm Quốc Chiến. Ông Đãi từng tham gia và biết khá rõ về những trận đánh mà liệt sỹ Chiến cùng các đồng đội đã hy sinh.
Với sự hỗ trợ, kết nối tích cực của ông Đãi và một số cựu chiến binh khác, cùng với việc đối chiếu tư liệu lưu trữ, gia đình liệt sỹ Chiến đã được cung cấp những thông tin vô cùng quý giá: liệt sỹ Phạm Quốc Chiến hy sinh ngày 18/7/1972 tại thôn 3, xã Sơn Thượng (nay là xã Quế Thuận), huyện Quế Sơn (Quảng Nam), được chính quyền và người dân địa phương án táng tại đây.
Trong những ngày tháng 7 tri ân, thắp nén hương thơm lên bàn thờ, các thành viên trong gia đình của liệt sỹ Chiến đều cảm thấy ấm lòng. Gia đình đang sắp xếp để vào Quảng Nam liên hệ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các nhân chứng...
Ông Đạo chia sẻ: “Để biết chính xác phần mộ của liệt sỹ Phạm Quốc Chiến và đưa được anh ấy về quê hương hay không thì còn rất nhiều phần việc phía trước, nhưng những thông tin quý giá này đến với gia đình tôi sau 52 năm tìm kiếm, lại đúng vào dịp tháng 7 thì chẳng khác nào một món quà tri ân lớn lao. Gia đình tôi mong muốn các cấp, ngành tích cực hỗ trợ để chúng tôi sớm xác minh thông tin, đón anh về với quê hương, đất mẹ".