Nhọc nhằn mưu sinh...

Dân gian có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, câu nói ấy dường như không đúng với phụ nữ vùng ven đô, bãi ngang khi không ít người trong số họ lại là trụ cột gia đình, vất vả kiếm sống bằng những nghề khá nặng nhọc như: bốc đá, phụ hồ, cửu vạn... Thậm chí, nhiều chị em phải đánh đổi hạnh phúc gia đình khi phải vất vả mưu sinh xa quê.

Phụ nữ vắng nhà...

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đi biền biệt, chị Đặng Thị Xuân (xóm 7, xã Thạch Bàn, Thạch Hà) một mình nuôi 4 con thơ. Không kể nắng mưa, hầu như ngày nào người phụ nữ này cũng ra mỏ đá ở xã Thạch Hải để làm nghề bốc đá. Theo chị Xuân, công việc bốc đá vất vả, tưởng chỉ dành riêng cho đàn ông lực lưỡng nhưng đó lại là nghề mưu sinh chính của hầu hết phụ nữ quê chị. Chị Xuân chia sẻ: “Không có việc làm nên nhiều chị em đi bốc đá, lúc cao điểm, cả xã có đến hơn 50 chị. Thế nhưng, công việc ít nên nhiều người tranh giành nhau, vất vả lắm”.

Ở một góc chợ Hà Tĩnh, hàng trăm phụ nữ không ngủ đang cần mẫn với cuộc mưu sinh
Ở một góc chợ Hà Tĩnh, hàng trăm phụ nữ không ngủ đang cần mẫn với cuộc mưu sinh

Không riêng chị Xuân mà phần lớn lao động nữ vùng bãi ngang xã Thạch Bàn đều phải vất vả mưu sinh bằng những nghề nặng nhọc như: bốc đá, làm phụ hồ, cửu vạn… Chị Nguyễn Thị Bình (xóm 8, xã Thạch Bàn) tâm sự: “Biết rằng, trời chỉ ban cho mỗi người một đôi chân, nhưng tôi ước những lao động nghèo như mình có thêm một đôi chân nữa. Khổ mấy tôi vẫn có thể chịu được, chỉ mong có thêm thu nhập để các con không bị đứt bữa”.

Chỉ vào chiếc chân bị gãy trong một lần đi bốc đá thuê của mình, chị Bình không khỏi đau đớn. Nhưng nỗi đau đớn, xót xa của chị không phải vì thể xác mà bởi nỗi lo miếng cơm cho 5 đứa con đang tuổi ăn học chưa biết nhìn vào đâu. Bởi vậy, dù vết thương chưa lành, chị vẫn phải tập tễnh, lê lết đến các mỏ đá mưu sinh.

Chị Bình tâm sự: “Bình quân thu nhập từ nghề này chỉ xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hôm nào nhiều xe chở thì cũng được vài trăm, ít chỉ có vài chục, còn không thì chẳng được đồng nào. Thế nhưng, vẫn còn hơn không có việc để làm. Chúng tôi chỉ lo sau này người ta sắm máy bốc xếp thì không biết sống bằng nghề gì”.

Cũng theo chị Bình, tuy nặng nhọc, nhưng không phải ai cũng kiếm được việc làm, bởi nguồn lao động dư thừa trong khi lượng công việc không đủ. Chính vì vậy, người dân 2 xã Thạch Bàn, Thạch Hải phải thỏa thuận chia theo thời gian để làm.

Không riêng gì lao động nữ vùng bãi ngang, phụ nữ vùng ven đô các xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), Hộ Độ (Lộc Hà)… cũng phải chật vật mưu sinh do thiếu đất sản xuất và không có việc làm ổn định. Chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm muối, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, diêm dân Hộ Độ lần lượt bỏ nghề, kéo nhau đi làm thuê, làm mướn. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Hộ Độ đều sắm xe cút-kít, cuốc, xẻng lên TP Hà Tĩnh để tìm việc, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là đến các công trường xây dựng xin làm thuê theo giờ hoặc khoán.

Xã Hộ Độ có hơn 1.777 hội viên phụ nữ thì 60% trong số đó làm nghề cửu vạn hay làm thuê ở các vùng khác. Đó là chưa kể những người đi làm thuê trong Nam, ngoài Bắc và cả ở nước Lào. Dù chuyển sang nghề khác, nhưng cuộc sống của họ vẫn hết sức khó khăn do thu nhập không ổn định, việc làm lúc có lúc không. Chị Liên (xóm Yên Thọ) tâm sự: “Đi làm cửu vạn, bữa có việc, cuối ngày có dăm bảy chục nghìn về mua gạo, mua rau, nuôi con ăn học. Bữa không có việc thì lại về nhà với 2 bàn tay không. Đã thế, công việc lại nặng nhọc và đối mặt với nhiều nguy hiểm”.

Chị Quách Thị Nhàn - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hộ Độ cho biết: Năm 2007, chúng tôi đã tổ chức dạy nghề khâu bóng cho chị em nhưng do giá thành thấp nên nghề khâu bóng không duy trì được. Chúng tôi cũng đã triển khai dự án làm muối sạch nhưng do giá muối bất ổn nên diêm dân không mấy mặn mà. Năm 2013, Huyện hội mở lớp dịch vụ gia đình. Ban đầu, chị em tham gia nhiệt tình lắm, nhưng khi biết hội viên phải tự liên hệ việc làm thì họ “rút lui” dần nên không thể duy trì.

... và những hệ lụy

Năm nào cũng vậy, khi vụ muối kết thúc (tháng 7 âl), chị Hương (xóm 8, xã Thạch Bàn) lại thu xếp công việc gia đình, vay mượn tiền để vào Tây Nguyên hái cà phê. Chị Hương cho biết: “Ở nhà không có việc làm nên phải đi xa kiếm kế sinh nhai. Dù biết là mẹ đi vắng thì 4 đứa con ở nhà sẽ không ai chăm sóc nhưng cũng phải đi, không đi thì càng khổ”.

Lao động nữ làm việc tại các mỏ đá - môi trường hết sức nguy hiểm nhưng hầu như không được trang bị bảo hộ lao động và đóng nộp BHXH.
Lao động nữ làm việc tại các mỏ đá - môi trường hết sức nguy hiểm nhưng hầu như không được trang bị bảo hộ lao động và đóng nộp BHXH.

Cũng theo chị Hương, ở xã Thạch Bàn, lao động nữ vào miền Nam tìm kiếm cơ hội việc làm chiếm gần 50%. Chị Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Hội Phụ nữ đang tích cực tìm những hướng đi mới để tạo việc làm cho chị em. Dù biết ai cũng nghèo nhưng đã 55-60 tuổi vẫn phải lao động nặng nhọc, làm ăn xa quê thì thật khổ cho lao động nữ”.

Một trong những hướng đi tìm việc làm đối với lao động nữ vùng nông thôn đã và đang mang lại hiệu quả đó là xuất khẩu lao động (XKLĐ). XKLĐ giải quyết được thực trạng thiếu việc làm ở vùng nông thôn, mở ra cơ hội đổi đời cho người dân nghèo nhưng kéo theo đó là biết bao hệ lụy. Chị H. (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) trở về sau chuyến xuất ngoại Ả Rập phải đau lòng chứng kiến cảnh anh P. (chồng chị) “cặp bồ” với người phụ nữ cùng xóm (có chồng đi XKLĐ) rồi ly hôn chị.

Chị Dương Thị Đào - Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Đạm cho hay: “Các gia đình ly hôn, thường xuyên bất hòa phần lớn rơi vào các chị em đi XKLĐ. Xã Cổ Đạm có 480 chị em đi XKLĐ (chiếm khoảng 25% tổng số trường hợp đi XKLĐ của toàn xã). Trong đó, có 5 trường hợp đi XKLĐ trở về thì ly hôn, 6 trường hợp gia đình trục trặc, thường xuyên bất hòa”.

Không thể phủ nhận thực tế, XKLĐ đã giúp người dân các vùng bãi ngang thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhưng hệ lụy sau những chuyến xuất ngoại vẫn là điều khiến người ta phải trăn trở. Các gia đình có vợ, mẹ vắng nhà thường có nguy cơ tan vỡ cao hơn, con cái thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ cũng dễ hư hỏng. Và bài toán đào tạo nghề, GQVL cho lao động nữ các vùng ven đô, bãi ngang nói riêng, lao động nữ vùng nông thôn nói chung vẫn đang là nỗi trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là hội LHPN các cấp.

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.