Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khó khăn của đất nước, quê hương, lớp lớp cán bộ, diễn viên của đoàn đã kề vai sát cánh, vượt qua gian khổ để cống hiến hết mình cho nghệ thuật, phục vụ nhân dân. Dòng chảy nghệ thuật mà bao thế hệ cán bộ, diễn viên đoàn văn công Hà Tĩnh tạo nên đã hòa chung vào “dòng sông nghệ thuật” của dải đất Hồng Lam. Ngay từ những bước đi đầu tiên đoàn đã ghi dấu trong lòng công chúng bằng những vở kịch, các tiết mục đầy tính nghệ thuật và đậm dấu ấn hơi thở cuộc sống. Những vở kịch nói như: “Chiếc cày ông Tư”, “Đêm gần sáng”, vở cải lương “Bến nước quê hương”, vở kịch hát thơ “Đốm lửa núi Hồng”, “Cô Tám”, các điệu múa “Tay chài vai súng”, “Rông chiêng”, “Chàm rông”, “Pu chăm xi”, “Lựu đạn gỗ” và nhiều nữa những tiết mục hát múa… đã khẳng định tài năng đa dạng của các tác giả cũng như cán bộ, diễn viên của đoàn. Đó chính là ông Nguyễn Vĩnh Toại (đoàn trưởng đầu tiên), cố tác giả Phan Lương Hảo, cố đạo diễn Văn Sung, cố biên đạo múa Vũ Minh Ngọc, cố nhạc trưởng Lệ Thúy, nhạc sỹ Lê Hàm, tác giả Thế Kỷ...và các nghệ sỹ liệt sỹ như: diễn viên Bùi Đức Hậu, nhạc công Trần Danh Lạc, nghệ sỹ múa Nguyễn Mạnh Tường… Trong thời kỳ chiến tranh, đội ngũ cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên của đoàn đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Họ chính là những chiến sỹ tiên phong, trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong những năm đánh Mỹ. Lớp lớp diễn viên, nghệ sỹ của đoàn đã lên đường ra trận, họ có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất đem tiếng hát át tiếng bom, đem tiếng hát vỗ về những nỗi đau chia biệt, động viên tinh thần của chiến sỹ. Và, trong từng loạt bom, đạn ác liệt của giặc Mỹ có những người đã hy sinh anh dũng, bỏ lại phía chân trời con đường nghệ thuật tươi xanh và những ước nguyện dở dang…
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh gặp gỡ tác giả kịch bản và diễn viên chính sau khi xem xong vở kịch hát dân ca” Mai Thúc Loan” của đoàn Văn công Hà Tĩnh |
Không chỉ hăng hái trong chiến tranh, hòa bình lập lại các tác giả, nghệ sỹ của đoàn Văn công Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng hòa nhập để nắm bắt cuộc sống và phục vụ nhân dân. Bằng những chương trình nghệ thuật đặc sắc, bước chân của người nghệ sỹ đã in dấu trên những miền quê, in dấu trong trái tim nhân dân. Hồi ấy, trang thiết bị vô cùng thô sơ, trang phục, đạo cụ nghèo nàn nhưng họ vẫn đi bằng nhiệt huyết, bằng niềm đam mê và trách nhiệm của người nghệ sỹ nhằm tuyên truyền cho nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng. Trong ký ức trẻ thơ của mình, tôi vẫn còn nhớ như in nhưng buổi nói chuyện của nghệ sỹ Xuân Năm về KHHGĐ. Bằng cách nói chuyện rất duyên bà đã mềm hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ở đâu có bà là ở đó có tiếng cười và sau tiếng cười ấy chính là hiệu quả tuyên truyền thấm nhuần trong ý thức mỗi người dân.
Thời gian thì vô thủy vô chung mà đời người có hạn. Những thế hệ cũ, người còn người mất, người đang sống ở quê hương, người bôn ba phương trời khác nhưng chính những năm tháng gian khổ đã khiến tên tuổi họ nằm lại mãi mãi trong nỗi nhớ về nhau, trong trí nhớ công chúng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh đã dàn dựng một chương trình ca múa nhạc đặc biệt, trong đó có sự tham gia của nhiều thế hệ diễn viên, ca sỹ. Từ những nẻo miền xa xôi của Tổ quốc, những nghệ sỹ lại hò hẹn nhau về trong nỗi xúc động sâu sắc. Nghệ sỹ Xuân Năm cho biết: “Có những người mấy mươi năm rồi mới được gặp lại nhau cháu ạ. Nhìn thấy nhau là nhớ lại những ngày đi diễn trong đói khổ, kỷ niệm cứ ùa về nghẹn ngào mà đầy thương nhớ và cô thấy mình hạnh phúc vì còn đang sống để có ngày gặp lại này”. Tôi biết nghệ sỹ Xuân Năm đang thầm nhắc đến những người đã khuất. Được hát, được diễn lại những vở kịch ngày trước là một niềm vui không hẹn trước với họ. NSƯT Phan Thị Minh cho biết: “vai cô Vải trong vở kịch “Mai Thúc Loan” đã giúp cô đoạt HCV hội diễn toàn quốc năm 1985, cô cũng đã diễn vai này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cảm xúc thì vẫn nguyên vẹn cho đến tận bây giờ”. Nếp thời gian đã in đậm trên da, tóc người nghệ sỹ những niềm đam mê vẫn riêng còn tươi trẻ trong tiếng hát lời ca, trong từng động tác múa của họ.
Tiết mục chào mừng Liên hoan dân ca khu vực bắc Miền Trung năm 2011 được đoàn Ca múa kịch dàn dựng công phu |
Trong suốt chiều dài lịch sử 50 qua, nhiều thế hệ nghệ sỹ đã cùng quê hương vượt lên những khó khăn, gian khổ giữ nguyên lời thế dân hiến tài năng, sức lực, trí tuệ, nhiệt huyết cho Đảng, cho dân. Ngày nay, những nghệ sỹ trẻ cũng đang tiếp bước truyền thống, không ngừng học hỏi, sáng tạo trong con đường nghệ thuật. Anh Quốc Quyền – Trưởng đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đời sống diễn viên, nghệ sỹ của đoàn chưa cao nhưng các nghệ sỹ đã lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư các thiết bị âm thanh, ánh sáng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của các chương trình nghệ thuật”.
50 năm với những hiệu quả trong việc tạo nên những giá trị nghệ thuật tiên tiến, lành mạnh và không ít thành công trong các hội diễn toàn quốc, đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh đã khẳng định được nét riêng của mình trong bầu trời nghệ thuật chung của cả nước. Sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và ngành văn hóa đang mở ra cho đoàn Ca múa nhạc những thời cơ mới, chắc chắn những nẻo đường vinh quang mới cũng đang chờ đợi bước chân của người nghệ sỹ.