Tình yêu thương của cán bộ, nhân viên là niềm động viên lớn đối với những thương binh điều trị tại trung tâm.
Xuyên màn đêm, xuyên quá khứ
Chiến tranh với sự tàn khốc khôn tả đã lùi xa. Nhưng, ký ức chiến tranh lại trở thành ẩn ức và nỗi ám ảnh hàng ngày của người lính. Ánh mắt linh hoạt, cử chỉ nhanh nhẹn, phong thái của chiến sĩ lái xe chiến trường năm xưa hiện về khá rõ trong thao tác của bác Phạm Quang Tửu (SN 1952, quê ở xã Hương Minh, Vũ Quang). Ông vừa kể cho tôi những điều nhớ, điều quên về trận chiến ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Sài Gòn với những trận “chết đi sống lại”.
Ông kể chuyện và hát, múa sôi nổi. Ánh mắt ông nhiều lúc sáng quắc tựa như đang ngồi trước buồng lái, tay trong điệu bộ cầm vô-lăng lắc trái, rẽ phải. “Để lên dốc thì” - ông hát - “đi thông đường để những chuyến xe qua”. “Nếu mà muốn thông đường” – ông lại hát - “Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu năm nào. Nào tay cuốc, tay mai ta đào…”.
Không may mắn như ông Tửu (tâm thần phân liệt thể đơn thuần) dầu ký ức của ông Tửu giờ cũng mông lung, những người khác cùng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh đã bị bom đạn, chất độc của chiến tranh làm biến dạng tâm hồn. Vừa mở cổng trại, những ánh mắt vô hồn, ngơ ngác tập trung nhìn và hoảng sợ bỏ chạy khi thấy chúng tôi.
“Ánh mắt của người lớn, người già - những người đã từng một thời trai trẻ giờ thế này đây!” - tôi chua chát nghĩ về chiến tranh. Lúc tản ra, lúc xúm tụm, những thương binh vừa trêu đùa, vừa hát, có người nhìn vào khoảng không vô định. Tôi hiểu, ánh mắt cũng như tâm hồn họ, chẳng thể nào gọi về quá khứ oai hùng năm xưa được nữa!
Đôi mắt ám ảnh của người lính tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh.
Chiến tranh với di chứng trên thân thể đã mãi cướp đi đôi mắt có hồn của người lính, cướp đi những khát vọng thanh xuân. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để quan sát cách họ lấm lét nhìn, trốn qua song cửa sổ, cấu vào tường, ngồi sụp xuống mặt đất… Để rồi, rời trung tâm, tôi bị ám ảnh bởi đôi mắt tựa hình viên đạn của bác Nguyễn Xuân Việt (SN 1958, quê ở xã Thạch Long, Thạch Hà). Bác ngồi buông thõng, đôi mắt nhìn chăm chăm, trong mắt có hình các tia máu. Tôi hiểu, đôi mắt ấy đã thay vạn lời nói về nỗi căm giận chiến tranh và tội ác của kẻ thù.
Mẫn tiệp và hài hước trong nói chuyện, ông Đào Xuân Tình (SN 1952, quê ở xã Thạch Đài, Thạch Hà) và bà Cao Thị Hải (SN 1952, quê ở huyện Đức Thọ) là cặp vợ chồng hiếm có trên thế gian.
Hạnh phúc đời thường của ông Đào Xuân Tình và bà Cao Thị Hải là thông điệp có ý nghĩa lớn về nghị lực và tình yêu thương.
Chiến tranh đã lấy đi của hai người những đôi mắt tinh anh, việc đi lại buộc phải dò bằng gậy và bằng cảm giác từ bàn chân, tay. Tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, vào giải phóng miền Nam rồi bị thương nặng khi chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, ông Tình không chỉ bị thương vùng đầu, hỏng đôi mắt mà còn bị cụt cánh tay trái.
Cũng chịu tổn thương như chồng, bà Cao Thị Hải khi phục vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã bị bom đạn Mỹ lấy đi đôi mắt và găm vào phía trước cổ, vùng đầu những mảnh đạn khiến giọng nói rất khó khăn. Vượt qua những nỗi đau đớn thân thể, bằng niềm lạc quan và nghị lực phi thường, năm 1980, hai ông bà đã cùng nhau xây tổ ấm tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng. Cùng nhau làm việc, cải thiện thu nhập, chăm lo đời sống, hai ông bà cũng đã vun đắp thêm niềm hạnh phúc khi lần lượt 3 đứa con chào đời. Giờ đây, 3 người con (2 trai, 1 gái) đã lập gia đình, có việc làm ổn định, trong đó có người con trai là bác sỹ chăm sóc thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh. “Tui như thế này thì chịu, sinh con đẻ cái một tay bà ấy cả” - ông Tình cười mãn nguyện nói về vợ. “Nói vậy chứ! Giờ nghĩ lại thời chiến tranh và cả quá trình vợ chồng sinh sống, nuôi dạy con thấy sợ lắm!” - ông Tình bộc bạch.
Những ánh mắt, niềm tin
“Chiến tranh cũng đã hơn 40 năm, mình sống thế này cũng quen rồi. Mọi việc cũng đã đâu vào đấy” - phong cách điềm đạm, lời nói nhẹ nhàng và lạc quan của bác Trần Quốc Tế - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Trinh sát thời chống Mỹ (quê ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh) mang đến cho chúng tôi những niềm vui thật lạ. Với ánh mắt hiền từ và nụ cười rất tươi, ngồi trên xe lăn, bác Tế kể về những trận chiến với một niềm tin thật đẹp vào ngày mai.
“Tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Đến khi tham gia chiến tranh khu vực Tây Nam thì bị thương trên đất Campuchia vào tháng 3/1979, đứt 3 đốt sống. Từ thắt lưng trở xuống bị mất cảm giác, giờ con lấy dao chặt cũng không biết đau. Nói xin lỗi con chứ, khi đi vệ sinh, mình phải nằm trên giường rất thận trọng, tỷ mẫn, khó khăn” - vẫn điềm đạm, bác Tế bộc bạch.
Phút tâm tình
“Bác Tế là người tiêu biểu, nhiều khóa tham gia cấp ủy Đảng cơ quan” - anh Phạm Ngọc Lân - Phó Trưởng phòng Hành chính của trung tâm, tự hào giới thiệu. “Còn phòng bên cạnh này” - anh Lân dẫn tôi đi - “là bác Đặng Đình Hồng quê ở Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Bác Hồng rất gương mẫu, sống hòa đồng với đồng chí, đồng đội. Bác vừa được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, hiện là Ủy viên BCH Hội CCB, Chủ tịch Thường trực Hội đồng thương binh”. Vui vẻ tiếp khách, dùng cây sào bật quạt điện và chỉ về phía dàn nhạc, bác Hồng vui vẻ: “Hồi đó bị thương nặng nên cũng rất mặc cảm, vì thế, bác không lập gia đình. Bác thích đọc báo, nghe đài, nghe ca nhạc” .
Cùng với phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, tại các trung tâm thương binh ở Nghi Phong, những ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thương của cán bộ chăm sóc thương binh đã làm lay động trái tim nhiều người. Dáng thấp nhỏ, khuôn mặt hiền hậu, chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1971) nghiêng vai, lắc đầu, ánh mắt toát lên niềm vui cười nói với bác Toàn, xoa bóp đầu cho bác Phú, nắm chặt tay dỗ bác Tuyết tựa như cô giáo mầm non dỗ trẻ. Cảm nhận được tình thương, những bệnh nhân tâm thần kinh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh nhìn chị cười, những nụ cười khổ sở, những lời nói ú ớ. Từ chị, tôi thấy tỏa ra cả một biển trời yêu thương, những đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ và thấy rộng hơn công tác chăm sóc thương binh khắp mọi miền.
Chị Thủy kể: “Tổ chị có 6 người, chăm sóc 35 bác. Vất vả lắm em à, nhất là trong chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh vì các bác thương tật đến 81%. Nhưng, ai cũng thương các bác lắm! Chị nói thật lòng, các bác còn đến hôm nay để các chị chăm sóc cũng là niềm hạnh phúc cho các chị. Chị có chồng làm ở trung tâm nên chồng rất hiểu, chia sẻ”. Ông Phạm Thành Trụ - Giám đốc trung tâm cho hay: “Những năm qua, trung tâm thường xuyên nhận được tình cảm, sự quan tâm của các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, nhân chuyến đưa các bác đi thăm Lăng Bác, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ 20 triệu đồng”.
Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn. Có những tâm hồn đã bị hủy hoại vì chiến tranh, nhưng cũng có vô vàn tâm hồn từ chiến tranh mà định hình những giá trị riêng của người lính và con người Việt Nam. Tất cả họ, trực tiếp và gián tiếp đã làm nên lịch sử; hơn thế, đã khắc vào tâm khảm thế hệ tiếp theo các giá trị nhân văn, coi trọng truyền thống dân tộc. Chính từ đó, mạch nguồn tri ân cứ chảy mãi, vun đắp thêm triết lý muôn đời: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Hiện nay, tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh có 100 thương binh, bệnh binh nuôi dưỡng tập trung, trong đó, Hà Tĩnh có 22 người. Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng, Hà Tĩnh có hơn 30 người trong tổng số 69 thương binh, bệnh binh hạng nặng. |