Tuổi thơ hồn nhiên là đề tài bất tận của âm nhạc. Ảnh Internet
Ưu ái với thiếu nhi
Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (1935-1998), tác giả ca khúc thiếu nhi “Cho con” từng gọi nhạc sĩ Phong Nhã (1924-2020) là “vua nhạc thiếu nhi”.
Năm 1950, khi Trung ương Đoàn cử nhạc sĩ Phong Nhã đến đơn vị thiếu sinh quân ở Bắc Kạn để dạy thêm cho các em thiếu nhi, ông đã sáng tác nên ca khúc “Cùng nhau ta đi lên”.
Lời bài hát như lời thúc giục: “Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên đi lên/ Cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ/ Lời thề ta ghi sâu mãi mãi trong tim không phai/ Quyết xứng danh thiếu niên anh dũng nước nhà/ Tiến quyết tiến hướng Quốc kỳ thắm tươi/ Anh em ta yêu Tổ quốc suốt đời/ Cùng yêu Nhân dân yêu chuộng lao động tăng gia/ Thi đua học hành ngày một tiến xa…”.
Sau này, Ban Thanh vận Trung ương đã duyệt, lấy bài hát này làm Đội ca.
Nhạc sỹ Phong Nhã đàn hát cùng thiếu nhi lúc sinh thời. Ảnh Internet
Ngoài ca khúc “Cùng nhau ta đi lên”, nhạc sĩ Phong Nhã còn có những ca khúc: “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Em yêu Đội nhi đồng”, “Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh”, “Đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Đoàn tàu mang tên Đội”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”...
Đặc biệt, ca khúc nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất của ông là ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”. Ra đời từ năm 1945, bài hát đã trở thành ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều thế hệ thiếu nhi hát vang: “… Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…/ Ngày ngày chúng cháu ước mong/ Mong sao Bác sống muôn đời để dìu dắt nhi đồng thành người/ Và kiến thiết nước nhà bằng người...”.
Tình yêu thương Bác Hồ dành cho thiếu nhi Việt Nam cũng là đề bài bất tận trong đời sống âm nhạc. Ảnh Internet
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (SN 1930) có hơn 200 bài hát dành cho thiếu nhi như: “Chú voi con ở bản Đôn”, “Chiếc đèn ông sao”, “Cánh én tuổi thơ”, “Trường cháu là trường mầm non”... Lời bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” thật vui nhộn: “… Chú voi con thật là khôn/ Quen thiếu nhi khắp vùng bản Đôn/ Đầu gật gù, lúc lắc chiếc vòi/ Khéo đung đưa theo nhịp chiêng vui…”. Còn lời bài hát “Cánh én tuổi thơ” thật dễ thương: “… Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ/ Những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ/ Em ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mây/ Để ngàn chim hót để đàn én bay…”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) từng học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn tại tỉnh Bình Định (1962-1964). Sau khi mãn khóa, ông lên B’Lao (nay là TP Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng) dạy học tại trường sơ học Bảo An trong 3 năm (1964-1967). Chăm sóc, dạy dỗ một bầy trẻ thơ nên những sáng tác dành cho thiếu nhi của ông luôn vui nhộn, hồn nhiên, trong sáng nhưng đong đầy sự yêu thương.
Bởi thế, nhạc sĩ tài danh này có một “kho báu” những bài hát hay dành cho thiếu nhi. Đó là các bài: “Mẹ đi vắng”, “Em sẽ là hoa hồng nhỏ”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Tiếng ve gọi hè”, “Mùa hè đến”, “Như một hòn bi xanh”, “Vì bé ngoan”, “Ai ngoài cánh cửa”, “Ông tiên vui”, “Tết suối hồng”, “Mừng sinh nhật”, “Em đến cùng mùa xuân”, “Đời sống không già vì có chúng em”...
Nhiều thế hệ đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã lớn lên trong những giai điệu trong sáng, hồn nhiên của các nhạc sỹ. Ảnh Internet
Đặc biệt, các thế hệ đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã hát vang ca khúc “Khăn quàng thắp sáng bình minh” của ông: “... Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh/ Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng/ Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam”.
Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1983) là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam với 300 ca khúc thiếu nhi. Trong đó, có ca khúc “Gia đình nhỏ hạnh phúc to” được cả phụ huynh và các bé yêu thích.
Bởi lời bài hát này thật chan chứa tình yêu thương: “Một nụ cười bé, cha vui cả ngày/ Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm/ Thầm cầu mong cho, con sẽ an lành/ Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương/ Một vòng tay lớn, ôm con vào lòng/ Một bàn chân to, cho con tập đi/ Dù ngày mai khi, con lớn nên người/ Nhưng với cha mẹ, vẫn mãi bé thơ/ À ơi à ơi, con ngủ cho ngoan/ Giấc mơ sẽ mang, đầy lời mẹ ru/ À ơi à ơi, mãi mãi chúng ta/ Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to”.
Thúc giục tình đoàn kết thiếu nhi thế giới
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) có ca khúc “Thiếu nhi thế giới liên hoan” được các em thiếu nhi yêu mến. Những ca từ bài hát như thúc giục tình đoàn kết của thiếu nhi thế giới: “… Vui liên hoan thiếu nhi thế giới/ Ta ca hát vang lên niềm vui/ Ca vang lên vang lên tay nắm tay qua biển núi/ Trông tương lai tươi sáng tiến lên theo nhịp đời/ Vang khúc ca yêu đời…”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục (SN 1933) có bài hát “Trái đất này là của chúng mình” đã đi vào tuổi thơ của bao nhiêu người với ca từ ý nghĩa, thể hiện mong ước về một thế giới hoà bình tươi đẹp của trẻ em: “… Trái đất này là của chúng mình/ Vàng trắng đen tuy khác màu da/ Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý/ Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm/ Màu hoa nào - Cũng quý cũng thơm!/ Màu da nào - Cũng quý cũng thơm!...”.
Nhiều hình tượng trong các bài hát cũng trở thành đề tài của hội họa (bức tranh mô phỏng bài hát Trái đất này là của chúng mình). Ảnh Internet
“Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai” là ca khúc do nhạc sĩ Lê Mây (SN 1942) sáng tác dựa trên lời thơ của tác giả Phùng Ngọc Hưng. Lời bài hát là một lời thúc giục thế giới hãy quan tâm hơn đến thiếu nhi: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngay mai/ Đó là vần thơ, cũng là câu hát/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngay mai/ Xin được nhắc ngàn lần hơn thế/ Trái đất chưa im tiếng bom rơi/ Xin điệp khúc triệu lần hơn thế!/ Bao trẻ em còn đói rách trên đời/ Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười/ Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười”.
Hằng năm, bài hát đều vang lên trong tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (1933 - 2019) đã sáng tác nên bài hát “Hành khúc dưới ngọn cờ hòa bình” và được chọn làm bài ca chính thức của Liên hoan Thiếu nhi quốc tế “Ngọn cờ hòa bình” lần đầu tiên tại Bulgaria năm 1979 với thiếu nhi từ 79 quốc gia tham gia.
Đoàn thiếu nhi Việt Nam tham gia Liên hoan Thiếu nhi quốc tế “Ngọn cờ hòa bình” lần đầu tiên tại Bulgaria năm 1979. Ảnh tư liệu intrernet
Liên hoan được bảo trợ bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Sáng kiến này dự định chỉ tổ chức một lần, nhưng với phản ứng tích cực của quốc tế nên UNESCO đã quyết định các cuộc gặp gỡ sẽ được tiến hành 3 năm một lần. Năm 1987, Liên hợp quốc công bố Liên hoan “Ngọn cờ hòa bình” với danh hiệu “Sứ giả của hòa bình”.