Phi hành đoàn khinh khí cầu L-8 mất tích bí ẩn
Khinh khí cầu L-8 của Mỹ. Ảnh: US Navy |
6h sáng ngày 16/8/1942, khinh khí cầu L-8 của hải quân Mỹ cất cánh từ căn cứ trên đảo Treasure Island, vịnh San Francisco để tuần tra chống ngầm dọc bờ biển California. Phi hành đoàn khi ấy gồm trung úy phi công Ernest DeWitt Cody và thiếu úy Charles E. Adams, theo WATM.
Sau một tiếng rưỡi bay tuần tra, trung úy Cody dùng bộ đàm báo cáo phát hiện thứ gì đó có thể là vết dầu loang trên mặt biển và sẽ đến đó kiểm tra. Ba giờ sau, khinh khí cầu đến bờ nam San Francisco, cách lộ trình bay dự kiến gần 13 km.
Tuy nhiên, khinh khí cầu bất ngờ va vào vách đá trên bãi biển Oceam Beach khiến một trong hai quả bom chống ngầm bung khỏi giá treo và rơi xuống đất. Sau đó, khinh khí cầu tiếp tục bay sâu vào đất liền và rơi xuống thành phố Daly.
Khi các nhân viên cứu hộ đến hiện trường, họ rất ngạc nhiên khi phát hiện các cánh cửa cabin bên dưới khinh khí cầu đều để mở và không có ai trong đó. Trung úy Cody và thiếu úy Adams được xác định mất tích trong khi làm nhiệm vụ.
Một số giả thuyết được đưa ra về sự mất tích bí ẩn của hai sĩ quan này, chẳng hạn như một người ra ngoài để sửa chữa khí cầu trong khi người kia hỗ trợ và cả hai đều bị rơi xuống biển, hoặc họ phát hiện ra một tàu ngầm Nhật Bản, hạ xuống thấp để điều tra và bị bắt giữ.
Căn phòng hổ phách
Được coi là "kỳ quan thứ 8 của thế giới", Căn phòng hổ phách là kho báu thất lạc ẩn chứa nhiều bí mật nhất trong lịch sử.
Năm 1701, nó được Vua Phổ Friedrich ra lệnh chế tác. Căn phòng này rộng 3,35 mét vuông, gồm các bức tường lớn bên trong chứa vài tấn hổ phách nguy nga, các tấm gương dát vàng lớn, và bốn tấm khảm phong cách Florentine tráng lệ. Được sắp xếp thành ba lớp, căn phòng chứa nhiều trang sức quý, và các tủ kính trưng bày một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Phổ và Nga giá trị nhất.
Căn phòng hổ phách được coi như kỳ quan thứ 8 của thế giới. Ảnh minh họa: Goldmajor |
Năm 1716, con trai vua Friedrich I quyết định tặng Căn phòng hổ phách cho Sa hoàng Peter đại đế của Nga để xây dựng liên minh Nga - Thổ. Sau đó, nó được chuyển đến cung điện Catherine, gần St. Petersburg. Năm 1941, phát xít Đức tràn vào Leningrad, tháo rời Căn phòng hổ phách trong vòng 36 giờ và đem về trưng bày ở lâu đài Konigsberg.
Tuy nhiên, tháng 4/1945, kho báu này bỗng dưng biến mất. Có người cho rằng nó bị phá hủy khi lâu đài Konigberg bị ném bom, tuy nhiên, những người khác lại tin nó vẫn nguyên vẹn và đang được giấu dưới lòng đất.
Kẻ phản bội Jean Moulin và Anne Frank
Jean Moulin, một thành viên cấp cao và là biểu tượng của phong trào kháng chiến Pháp, bị bắt giữ ngày 21/6/1943 sau khi có người báo cho lực lượng cảnh sát mật Gestapo của Đức rằng có một cuộc họp của các lãnh đạo kháng chiến sẽ diễn ra ở Caluire, Pháp. Có người cho rằng mật vụ Gestapo đã bám theo một thành viên của phong trào kháng chiến và xông vào cuộc họp để bắt giữ Moulin và các lãnh đạo kháng chiến cấp cao khác.
Tuy nhiên, cho tới nay, không ai biết kẻ đã phản bội Jean Moulin. Một số người cho rằng đó là Rene Hardy, một thành viên kháng chiến mới gia nhập, tuy nhiên Hardy đã được tuyên vô tội trong hai lần xét xử. Số khác cho rằng đó có thể là Raymon Aubrac, một lãnh đạo kháng chiến khác, hoặc chính người vợ của Moulin đã phản bội chồng.
Một nạn nhân bị chỉ điểm khác là Anne Frank, một bé gái 15 tuổi, người sau này trở thành một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất trong cuộc thảm sát Holocaust khi cuốn "Nhật ký của cô gái trẻ" được cô bé viết trong hai năm cùng gia đình lẩn trốn phát xít Đức, đã chạm tới trái tim nhiều người.
Sáng 4/8/1944, gia đình cô và những người che giấu họ bị phát xít Đức bắt và đưa tới nhiều trại tị nạn khác nhau, sau khi bị một kẻ chỉ điểm cung cấp nơi ẩn náu. Sau khi chuyển tới trại tị nạn, cả gia đình Anne đều thiệt mạng trừ cha cô. Cho đến nay, vẫn không ai biết danh tính kẻ chỉ điểm phản bội gia đình Frank. Một số người tin rằng đó là Miep Braams, kẻ có bạn gái là một thành viên kháng chiến Hà Lan, nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Chuyến bay tới Scotland của phó tướng Hitler
Rudolf Hess (phải), phó tướng của Hitler. Ảnh : AP |
Ngày 10/5/1941, Rodolf Hess, phó tướng của Hitler, một mình lái máy bay đến Scotland nhưng không hạ cánh mà nhảy dù trên không và bị dân quân địa phương bắt ngay khi vừa tiếp đất.
Tiếp xúc với một chỉ huy không quân hoàng gia Anh, Hess nói lý do chuyến bay tới Scotland của mình là nhằm thu xếp các cuộc đàm phán hòa bình với công tước Hamilton.
Tuy nhiên, hành động khó hiểu này của Hess đã khiến nhiều sử gia và nhà nghiên cứu cảm thấy bối rối. Dù Karlheinz Pinsch, phụ tá của Hess, mô tả trong cuốn hồi ký của mình rằng sau khi biết tin, Adolf Hitler tỏ ra bình tĩnh và hành động như thể ông ta đã biết trước điều này, nhiều người vẫn nghi ngờ về khả năng Hess thực hiện kế hoạch theo chỉ đạo của ông trùm phát xít.
Một bí ẩn nữa là cái chết của Hess. Sau khi Thế Chiến II kết thúc, Hess bị tòa án tội phạm chiến tranh tuyên án chung thân và thụ án tại nhà tù Spandau. Theo tuyên bố chính thức, Hess tự treo cổ tự tử bằng dây điện trong tù ngày 17/8/1987 ở tuổi 93.
Tuy nhiên, rất nhiều thuyết âm mưu phát sinh như vì sao ông ta tự sát ở tuổi 93 sau khi bị giam giữ trong 46 năm. Một số người tin rằng ông bị cơ quan tình báo bí mật của Anh thủ tiêu để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin về hành vi sai trái của Anh trong chiến tranh. Sử gia Peter Padfield cho biết có một lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy trên người ông ta được viết năm 1969 khi ông được đưa vào viện.