Chân dung 10 nữ liệt sỹ TNXP Tiểu đội 4, C552, Tổng đội TNXP 55. Ảnh: Tư liệu
Đồng Lộc tháng bảy này, vẫn cái nắng như nung của đất trời miền Trung cách đây 55 năm, nhưng bầu trời thì trong vắt, bình yên, cỏ cây hoa lá xanh tươi như vẫy chào những đồng đội thân thương của 10 liệt nữ trở về thăm lại chiến trường xưa. Hòa trong bước chân của rất nhiều cựu TNXP và người dân cả nước, bước chân của các cựu TNXP Tổng đội 55 từng thi gan với bom đạn địch trong những ngày đỏ lửa năm 1968, dường như chậm rãi hơn.
Bên hố bom, chứng tích nơi 10 cô gái hy sinh, anh Nguyễn Thanh Bính (SN 1945, bút danh Yến Thanh), nguyên cán bộ kỹ thuật của Tổng đội TNXP 55 giọng trầm xuống, kể: Hôm đó vào khoảng 14h ngày 24/7/1968, theo lệnh điều động của C trưởng Nguyễn Thế Linh, toàn đại đội ra mặt đường 15A làm nhiệm vụ sửa chữa mặt đường, san lấp hố bom để chuẩn bị có đoàn 40 xe chở xăng đi qua và làm hầm để đơn vị tối đi làm có chỗ trú ẩn. Bình thường TNXP làm nhiệm vụ ban đêm, nay việc cấp bách mới làm ngày.
Các nữ TNXP lấp hố bom làm đường cho xe ra tiền tuyến tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Tư liệu
Theo các anh chị TNXP Đại đội 552, lúc đó, các A làm rải rác ở các vị trí, riêng 10 người của A4 (Tiểu đội 4) làm ngay đúng vị trí hố bom bây giờ. 10 cô gái ra hiện trường đã nhanh chóng san đường, lấp hố bom, đào hầm. Kẻ đào, người xúc, nhanh chóng, khẩn trương. Bỗng có một tốp máy bay phản lực bay vượt qua trọng điểm. Tất cả chị em nhanh chóng nép mình vào hầm dã chiến dưới chân núi Trọ Voi. Lát sau, một chiếc máy bay quay lại, thả 1 quả bom, đất đá trùm lên cả đội hình. Đó là lúc 16h40’. Tốp TNXP của A5 đi sau và các A khác làm gần đó chạy ào đến gào thét, bộ đội, công nhân lái máy ủi cũng lao ra gọi tên từng người. Đến nơi, chỉ còn thấy hố bom sâu hoắm, một vài chiếc cuốc, xẻng văng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người.
Suốt chiều và đêm hôm đó, đồng đội đã đào bới, tìm thấy thi hài các chị ở 2 hầm, trong đó, 6 chị ở 1 hầm, chị Tần ngồi ngoài cùng đang trong tư thế quan sát máy bay, còn lại 3 chị ở 1 hầm. Các chị được đem về xóm Mai Long (xã Xuân Lộc) tắm rửa sạch sẽ. Tất cả còn nguyên vẹn như vừa đi vào giấc ngủ dài. Riêng chị Hồ Thị Cúc mãi đến 3 ngày sau mới tìm được trên đồi Trọ Voi. Đồng đội đã đặt các chị vào khu đồi Bãi Dịa ở xóm Mai Long với lòng xót thương vô hạn.
Nhà thơ Yến Thanh đọc bài thơ "Cúc ơi" do ông sáng tác sau 2 ngày chị Hồ Thị Cúc cùng 9 đồng đội hi sinh. Video: Khôi Nguyễn
Chỉ tay lên khu đồi Trọ Voi trước mặt, anh Thanh Bính nghẹn ngào: “Lúc đó tôi đang đóng quân ở Mỹ Lộc, nghe tin liền chạy xuống, 9 cô vẫn còn nguyên vẹn, hồng hào, 10 chiếc hòm được chuyển về xã Xuân Lộc, nơi các cô sống để làm thủ tục khâm liệm. Trong đêm, mọi việc được hoàn thành, chỉ còn Cúc chưa tìm được. Các A của Đại đội 552 và bộ đội đang tiếp tục tìm kiếm. Quá thương người em hiền lành, mẫu mực, tự dưng những dòng thơ trào dâng, tôi ra nơi góc vườn ở xã Xuân Lộc ngồi cầm bút viết bài “Cúc ơi!”. Đồng đội đào bới suốt 2 ngày 1 đêm mới tìm được. Cúc nằm trên đồi đó, dưới lớp đất đá, đầu vẫn đội nón, hai bàn tay bầm tím. Chuyện đã 55 năm mà tôi không thể nào quên, tưởng như mới hôm qua, hôm kia…”.
Như bao tháng 7 khác, ngày giỗ 10 cô cũng là ngày hội tụ của C552. Dù bận việc gì, đồng đội cũng thu xếp về. Dáng người cao, mái tóc bạc màu thời gian, chị Lê Thị Hồng (SN 1949, nhà ở đường Cao Xuân Huy, TP Vinh, Nghệ An) - người của Tiểu đội 4, C552 hiện nay còn sống, nước mắt nhạt nhòa khi nhớ về những giây phút từ Quảng Bình trở về thì 10 đồng đội của chị hy sinh trước đó một ngày. “Tôi vào TNXP tháng 11/1967, được biên chế vào C552, làm đường thông xe ở xã Phú Lộc. Tháng 4/1968, chúng tôi chuyển về Ngã ba Đồng Lộc để bổ sung cho tuyến đường trọng điểm. Một tuần trước đó, tôi được lệnh của trên đi lấy gỗ ở Quảng Bình về để làm hầm trú ẩn, ngày 25/7 về đến Xuân Lộc, nơi C552 đóng quân thì nghe các bạn chạy ra gọi: “Hồng ơi! Các bạn hy sinh cả rồi, vẫn chưa tìm được Cúc”.
Các cựu TNXP, cựu công nhân giao thông dâng nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội cũ.
Tôi lặng người đau xót. Trở về nơi ở của các bạn, nhà cửa trống trênh, tôi cẩn thận gói ghém tư trang của từng người gửi về gia đình mà nước mắt không ngừng rơi vì thương bạn… Chúng tôi đã sống với nhau 8 tháng, từ lúc còn làm đường ở Phú Lộc, đến khi vào Ngã ba Đồng Lộc, chị em vui buồn có nhau, vậy mà nay kẻ mất người còn...”.
Đồng Lộc tháng bảy này, tất cả ký ức còn vẹn nguyên. Ngày 24/7 trở thành điểm hẹn, điểm đến không chỉ của đồng đội các chị mà của đông đảo Nhân dân Hà Tĩnh và cả nước. Khu mộ 10 cô hoa trắng phủ đầy, hương thơm lan tỏa trong nắng gió cỏ cây Đồng Lộc như nhắc nhớ về sự hy sinh cao đẹp của bao người con trai, con gái nơi đây để làm nên một Đồng Lộc anh hùng, Đồng Lộc bất tử.
Du khách muôn phương về dâng hương tại khu mộ 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc trong ngày 22/7/2023. Ảnh: Đình Nhất
Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân, Hà Thị Xanh, các chị mãi bất tử trong lòng Nhân dân và đất nước. Các chị và hàng trăm liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc mãi sống cùng hồn thiêng sông núi quê hương, trở thành đền đài trong lòng dân với sự ngưỡng vọng, biết ơn và tự hào. Những câu chuyện về các chị, thư từ, nhật ký, sổ ghi bài hát, quần áo, tư trang của các chị... 55 năm nay vẫn được bảo quản vẹn nguyên, nhắc nhở người còn sống hãy sống xứng đáng với sự hy sinh cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ. Những dòng thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ đã và sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ trên hành trình lập nghiệp. Và những vần thơ của chị Trần Thị Hường sẽ giúp thanh lọc tâm hồn biết bao người trẻ: “Khi tuổi trẻ ai chẳng dành những phút/ Những tâm hồn bay vút giữa không gian/ Để ngợi ca cuộc sống đẹp vô vàn/ Lòng vẫn thấy chân trời lan lan rộng...”.
Đồng Lộc tháng bảy này, mặc cho nắng gió miền Trung bỏng rát, những đoàn xe từ mọi miền Tổ quốc với những gương mặt đủ lứa tuổi, những giọng nói từ 3 miền vẫn hội tụ về đây. Sự hy sinh của 10 liệt nữ cùng chiến công của các lực lượng chiến đấu nơi đây mãi mãi có sức thu hút lạ kỳ với mọi trái tim, nâng bước hàng triệu bàn chân tìm về.
Toàn cảnh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ngày nay. Ảnh: Đình Nhất
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa chỉ du lịch tâm linh, soi sáng đến mai sau những giá trị vĩnh hằng, đúng như nhà thơ Huy Cận từng viết:
“Nghìn năm sau lịch sử mãi còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam...”.