Sinh ra ở Milan, Ý, trong một gia đình có truyền thống hội họa, Giuseppe Arcimboldo (1527-1593) sớm theo đuổi con đường mỹ thuật và trở thành một họa sĩ vẽ tranh chân dung có tiếng trong giới thượng lưu Milan thời bấy giờ. Thời này chưa có nhiếp ảnh nên giới nhà giàu lưu giữ chân dung của mình qua từng giai đoạn bằng cách đặt họa sĩ vẽ tranh chân dung.
Bức “Người làm vườn”, vẽ năm 1590.
Giuseppe là một họa sĩ trẻ rất được yêu thích trong giới thượng lưu Milan, ông thành danh từ năm ngoài 30 tuổi. Thời này, họa sĩ nào càng vẽ khéo, biết che bớt cái xấu, tô đậm cái đẹp trong ngoại hình người đặt tranh sẽ càng được ưa chuộng và đặt vẽ nhiều. Không ít họa sĩ có được đời sống vương giả nhờ việc thường xuyên qua lại phục vụ nhu cầu vẽ chân dung của giới nhà giàu.
Riêng Giuseppe, sau khi đã có được danh tiếng, ông bắt đầu “chơi ngông”, chuyển sang một dạng tranh chân dung kỳ lạ chưa từng thấy, đem lại cho những nhà bảo trợ giàu có của ông một niềm vui thích đặc biệt, khi họ vốn đã quá quen thuộc với những bức chân dung “xu nịnh”.
Giuseppe đã sáng tạo ra một dòng tranh chân dung kỳ lạ, trong đó, các nhân vật xuất hiện trong tranh được tạo nên hoàn toàn từ các loại rau củ quả. Ở đó, người xem tranh có thể nhìn thấy rõ từng món nông sản nếu “soi” kỹ, nhưng khi nhìn toàn thể bức tranh, lại thấy hiện lên một chân dung có những nét nhận dạng với biểu cảm, cá tính riêng rõ rệt.
Những bức chân dung đầu tiên được Giuseppe thực hiện theo phong cách này là vào năm 1569 với hai bộ tranh tứ bình. Một bộ có tên “Bốn mùa” với những bức chân dung được tạo nên từ các thức nông sản phổ biến trong mỗi mùa. Bộ còn lại có tên “Bốn nguyên tố” (gồm đất, nước, lửa, khí) được tạo nên từ các loài sinh vật.
Những bức chân dung của Giuseppe đã ngay lập tức được yêu thích không chỉ bởi tính độc đáo, sự chính xác, tỉ mỉ, mà còn bởi trí tuệ và sự hài hước được vị danh họa thể hiện qua từng tác phẩm.
Những bức chân dung này còn được Giuseppe diễn giải theo một hướng rất được lòng những nhân vật thượng lưu, quý tộc, đó là sự thống trị của các gia đình mang dòng dõi hoàng gia đối với tất cả đất đai, sông ngòi, biển cả mà họ cai quản.
Sau khi Giuseppe Arcimboldo qua đời, những tác phẩm của ông bị phân tán và lưu lạc suốt hàng thế kỷ, mãi cho đến đầu thế kỷ 20, khi những tác phẩm này được phát hiện trở lại và nhận được những đánh giá xứng tầm, tên tuổi vị danh họa mới có được vị trí xứng đáng trong nền hội họa Ý.
Lúc này, hậu thế xem Giuseppe Arcimboldo là một nhân vật truyền cảm hứng cho trường phái Siêu thực trong hội họa đầu thế kỷ 20.
Chiêm ngưỡng những bức chân dung có một không hai của danh họa Ý Giuseppe Arcimboldo:
Bức “Vertumnus - Rudolf II”, vẽ năm 1590, khắc họa vua Rudolf II của Đế quốc La Mã Thần thánh (1552-1612). Tác phẩm lấy cảm hứng từ vị thần La Mã cổ đại Vertumnus cai quản các mùa và các khu vườn.
Bức “Mùa xuân”, vẽ năm 1573, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn mùa”.
Bức “Mùa hè”, vẽ năm 1563, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn mùa”.
Bức “Mùa thu”, vẽ năm 1573, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn mùa”.
Bức “Mùa đông”, vẽ năm 1563, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn mùa”.
Bức “Đất”, vẽ năm 1570, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn nguyên tố”.
Bức “Lửa”, vẽ năm 1566, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn nguyên tố”.
Bức “Nước”, vẽ năm 1566, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn nguyên tố”.
Bức “Khí”, vẽ năm 1566, nằm trong bộ tranh tứ bình “Bốn nguyên tố”.
Bức “Người làm vườn”, vẽ năm 1590.
Bức “Người đầu bếp”, vẽ năm 1570. Bức chân dung được tạo nên từ những chú lợn sữa đặt trong đĩa, khi xoay ngược bức tranh, người ta sẽ nhìn ra chân dung “Người đầu bếp”.
Bức “Hoa cỏ”, vẽ năm 1591.
Bức “Hình đầu đảo ngược với rổ hoa quả”, vẽ năm 1590, đòi hỏi người xem phải xoay ngược tác phẩm 180o để có thể nhìn ra hình đầu nhân vật.
Bức “Người quản lý thư viện”, vẽ năm 1566.
Bức “Bốn mùa trong một hình đầu”, vẽ năm 1590.