Hành trình tìm đến tri thức của nhiều học trò nghèo Hà Tĩnh luôn in đậm dấu ấn về những người thầy. Không chỉ truyền thụ tri thức, thầy cô còn là người lặng thầm đồng hành bên học trò với tình yêu thương và sự thấu cảm, là điểm tựa tinh thần giúp các em vượt qua khó khăn, vững vàng bước tới tương lai.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) tiếp tục khẳng định “thương hiệu” với những kết quả hơn cả mong đợi, trong đó có thành tích nổi trội của lớp 12A5 do cô Ngô Thị Thúy (giáo viên môn Lịch sử) làm chủ nhiệm.
Cô Ngô Thị Thúy - giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi luôn tận tụy với học sinh.
Chủ nhiệm một lớp học với 100% học sinh (HS) là con em gia đình thuần nông, nhiều em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo..., cô Thúy luôn thấu hiểu, sẻ chia và là điểm tựa tinh thần để các em yên tâm, vững vàng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Em Cù Huy Ước (SN 2005 - cựu HS lớp 12A5) là HS thuộc hộ nghèo ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà). Thương mẹ một mình tần tảo, Ước luôn chuyên tâm học hành nhưng cuộc đời lại quá nghiệt ngã với cậu học trò nghèo. Giữa năm lớp 12, một biến cố lớn ập đến khi mẹ Ước bị ung thư máu. Ước như rơi vào hố sâu tuyệt vọng bởi mẹ là điểm tựa duy nhất của cuộc đời em.
Bạn cùng lớp của Ước là Hà Thị Ý (xã Tùng Lộc, Can Lộc) cũng khó khăn không kém. Mẹ Ý một mình nuôi 4 con ăn học, gia cảnh nghèo túng; trong một buổi đi làm đồng, chị lên cơn động kinh rồi ra đi mãi mãi. Mẹ mất, Ý chỉ còn lại ông bà nội già yếu, mù lòa và 3 đứa em nheo nhóc. Ngoài việc học, Ý phải đảm nhận vai trò làm chủ gia đình.
Tình cảm ấm áp, tin yêu của cô Ngô Thị Thúy đã tiếp thêm động lực cho nhiều thế hệ học trò vươn lên, khẳng định mình trên con đường tìm kiếm tri thức.
Và như người mẹ thứ hai, cô Thúy đã ở bên các em trong thời điểm khó khăn nhất. Cùng với sự sẻ chia, an ủi và động viên tinh thần, cô và các đồng nghiệp đã tổ chức kêu gọi kinh phí hỗ trợ gia đình hai em. Nhờ đó, các em cũng bớt phần đau thương để tiếp tục sống và học tập với hy vọng thay đổi tương lai, số phận của mình.
Không phụ công ơn của thầy cô, trong kỳ thi HS giỏi tỉnh lớp 12, Ước đạt giải nhì môn Địa lý; còn Ý đạt giải ba môn Lịch sử, góp phần làm rạng rỡ thêm thành tích chung của nhà trường trong kỳ thi cấp tỉnh năm đó. Tiếp nối thành công, các em miệt mài ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và kết quả, Ước trở thành sinh viên (SV) Trường Đại học Sư phạm Huế với số điểm 28,5; Ý là tân SV Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng với 28,25 điểm.
Những khoảnh khắc hạnh phúc của cô và trò lớp 12A5.
Niềm vui càng thêm trọn vẹn khi 100% HS lớp 12A5 của cô Thúy chủ nhiệm đậu vào các trường đại học, trong đó 25/36 em đạt trên 27 điểm tổ hợp C00; lớp có điểm trung bình môn Lịch sử và Ngữ văn đạt 9,3 điểm - một kết quả chưa từng được ghi nhận ở các môn khoa học - xã hội của trường.
Cô Thúy chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm thầy cô phải là người bạn đồng hành cùng học trò, đặc biệt là những em gặp hoàn cảnh khó khăn; luôn khơi dậy ở các em niềm tin, sự nỗ lực để vượt qua chính mình, tự khẳng định bản thân trên con đường tìm kiếm tri thức. Dành niềm tin cho nhau và quyết tâm vượt khó thì dù bất cứ gian nan nào cũng có thể vượt qua”.
Giờ đây, khi đã là SV năm thứ 4 Trường Đại học Y dược Huế, Nguyễn Tiến Khanh (SN 2002 - cựu HS Trường THCS Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) vẫn không thôi nhớ về quãng thời gian khó khăn khi bơ vơ đứng giữa “ngã ba đường”, không biết chọn lối đi nào cho tương lai. Nhưng thật may mắn là trong thời điểm mang tính bước ngoặt đó, em đã gặp được người soi lối, mở đường.
Khanh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ốm đau thường xuyên. Ngoài thời gian lên lớp, em phải quán xuyến nhà cửa, phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Khanh tâm sự: “Khi các bạn bước vào giai đoạn ôn thi nước rút thì em không có điều kiện để theo học, thêm nữa bố mẹ ốm đau, nhà phải chạy ăn từng bữa khiến em nản chí nên đã quyết định nhận việc làm thêm. Công việc giúp em có thêm chi phí phụ giúp gia đình nhưng khiến sức khỏe giảm sút, tinh thần mỏi mệt, nhiều khi phải vắng học”.
Video: Thầy Thiện chia sẻ về phương pháp giáo dục.
Nhận thấy sự bất thường ở cậu học trò ngoan do mình làm chủ nhiệm, thầy Nguyễn Cao Thiện (giáo viên dạy Toán) đã tìm hiểu và chứng kiến những vất vả, cực nhọc của cuộc sống đè nặng lên đôi vai cậu học trò nhỏ bé. Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của một người “chèo đò”, thầy đã quyết định đồng hành cùng em trên hành trình tìm đến tương lai.
Lắng nghe từng suy nghĩ, nỗi trăn trở của cậu học trò nghèo, thầy Thiện ôn tồn phân tích cho Khanh hiểu, chỉ có con đường học tập mới giúp em thay đổi được cuộc đời mình. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, thầy kèm cặp, hỗ trợ Khanh ôn luyện và động viên em thi vào ngành y - ngành học mà em mơ ước từ thuở bé. Mùa thi năm đó, thầy Thiện như vỡ òa niềm vui khi nhận tin tập thể lớp đạt kết quả cao, trong đó, Nguyễn Tiến Khanh đã trở thành SV Trường Đại học Y dược Huế.
Cậu học trò nghèo Nguyễn Tiến Khanh giờ đã trở thành sinh viên ngành y, nỗ lực để viết tiếp ước mơ trở thành bác sỹ như thầy Thiện hằng mong ước..
Thuộc thế hệ giáo viên 9X, thầy Nguyễn Cao Thiện không chỉ vững vàng chuyên môn, từng được tôn vinh “Giáo viên trẻ tiêu biểu toàn tỉnh”, mà còn là người để lại nhiều dấu ấn trên hành trình mở cánh cửa tương lai của nhiều học trò nghèo. Được biết, thầy cũng là cựu HS Trường THPT Cẩm Bình. Cậu học trò xuất sắc ngày trước đã trở về mái trường thân yêu, đứng bên cạnh thầy cô giáo của mình với vai trò là đồng nghiệp, tháng ngày nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cùng nhà trường, cộng đồng dìu dắt và bồi đắp tri thức, trí tuệ cho các thế hệ học trò, đưa ngôi trường THPT mang tên xã anh hùng Cẩm Bình vững vàng tiến bước và chiếm lĩnh những mốc son mới.
Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, thầy Nguyễn cao Thiện đã trở thành người soi lối, mở đường để học trò vững vàng hành trang vào đời.
Thầy giáo Nguyễn Kỳ Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình cho biết: “Với chuyên môn giỏi, tâm huyết, trách nhiệm với học trò, thầy Nguyễn Cao Thiện luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó như dìu dắt, hỗ trợ HS nghèo; rèn giũa, uốn nắn HS yếu kém. Thầy là tấm gương sáng về tinh thần tự học, trau dồi tri thức và nhiệt huyết với nghề. Những gì thầy đã và đang cống hiến chính là niềm tự hào, hạnh phúc của chúng tôi về người học trò cũ của mình”.
Với lòng biết ơn, sự trân quý công lao dạy dỗ, “soi lối, mở đường” của thầy Thiện cũng như các thầy cô nơi mái trường yêu dấu, SV Nguyễn Tiến Khanh cùng một số HS Trường THPT Cẩm Bình kể lại câu chuyện của mình trong video clip “Viết tiếp một giấc mơ”. Tác phẩm được gửi tham gia cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Câu chuyện có thật với những hình ảnh chân thực, những chi tiết xúc động về tình nghĩa thầy trò đã làm lay động trái tim nhiều người và vượt qua hàng nghìn tác phẩm dự thi để giành giải nhì toàn quốc.
Video clip “Viết tiếp một giấc mơ”.
Nguyễn Tiến Khanh chia sẻ: “Tác phẩm “Viết tiếp một giấc mơ” là tình cảm chân thành, lời tri ân sâu sắc của em và các bạn đối với công ơn của thầy Nguyễn Cao Thiện nói riêng, các thầy cô giáo Trường THPT Cẩm Bình nói chung - những người đã dìu dắt, nâng đỡ, định hướng cho cuộc đời em. Nếu không có các thầy cô, chắc chắn em khó có thể viết tiếp giấc mơ trở thành bác sỹ như hôm nay”.
Thầy Nguyễn Cao Thiện chụp ảnh cùng thành viên nhóm tác giả Trường THPT Cẩm Bình giành giải nhì tại cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”.
Dù đã là cựu HS nhưng Khanh và các bạn học vẫn thường xuyên giữ liên lạc với người thầy giáo cũ. Mỗi dịp về quê hay có niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong học tập, người đầu tiên các em tìm đến để chia sẻ vẫn là thầy Thiện. “Đó chính là niềm hạnh phúc không có gì sánh được của một giáo viên” - thầy Nguyễn Cao Thiện tự hào chia sẻ.
Cũng như Nguyễn Tiến Khanh, khi đã toại nguyện được ước mơ đến với giảng đường đại học, các bạn Cù Huy Ước, Hà Thị Ý... không thể quên những ân tình mà mình nhận được từ thầy cô trong thời điểm khó khăn nhất. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Hà Thị Ý cho biết: “Hiện tại, em đang theo học ngành sư phạm tiểu học, ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh của bản thân. Sau này, khi trở thành giáo viên, chắc chắn em cũng sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng học trò, đặc biệt là học trò nghèo như cô Thúy và các thầy cô đã giúp đỡ em”.
Thầy Nguyễn Cao Thiện và cậu học trò Nguyễn Tiến Khanh.
Có một câu danh ngôn rằng: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy HS đang trưởng thành, lớn lên”. Rất nhiều những học trò nghèo như Nguyễn Tiến Khanh, Cù Huy Ước hay Hà Thị Ý đã và đang vững hành trang cả về tri thức, kỹ năng và tâm hồn để bước vào tương lai, để viết tiếp câu chuyện niềm hạnh phúc của những “người lái đò” thầm lặng.
(còn nữa).
BÀI, ẢNH, VIDEO: NHÓM P.V
THIẾT KẾ: CÔNG NGỌC