Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù công việc của đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở tại Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, vất vả, số tiền trợ cấp hằng tháng không nhiều nhưng họ vẫn ngày ngày lặng thầm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản cho người dân.

20 năm quen với việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, bà Võ Thị Sáu (SN 1962) ở tổ dân phố Linh Tiến, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) đã quá thấu hiểu nỗi vất vả của cộng tác viên (CTV) dân số ở khu vực thành phố.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Từng ngõ ngách, từng con đường của tổ dân phố Linh Tiến đều có bóng dáng của bà Sáu.

Bà Sáu chia sẻ: “Ở khu vực thành phố, dân cư đông đúc, địa bàn rộng, dân cư liên tục biến động nên công tác dân số gặp không ít khó khăn. Việc tuyên truyền đã vất vả lại còn khó khăn hơn khi người dân không mấy hợp tác. Nhiều khi, tôi đến vận động hay điều tra dân số họ còn tránh mặt, không chịu gặp gỡ, tiếp xúc. Đôi lúc, để vận động được một gia đình thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tôi phải đi nhiều lần mới có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng họ”.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Bà Sáu đã có 20 năm gắn bó với công tác dân số.

Với bà Sáu, làm công tác dân số giống như người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi hàng tháng liên tục phải có những số liệu cập nhật về những biến động dân số tại địa bàn. Dẫu vậy, 20 năm qua, bà Sáu vẫn không quản ngại ngày đêm để bám sát địa bàn, tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện tốt công tác dân số.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số” được nhận vào năm 2018 luôn được bà Sáu trân trọng.

“Mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của Nhân dân trong tổ dân phố về dân số - kế hoạch hóa gia đình dần được cải thiện, từ đó, chất lượng cuộc sống cũng ngày càng được nâng lên. "Khi nhận thức, suy nghĩ của người dân về việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình thay đổi, tôi rất vui mừng. Đó chính là thành quả đẹp đẽ nhất trong hành trình thầm lặng của chúng tôi” - bà Sáu chia sẻ.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Bà Dũng thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động dân số.

Cũng có thâm niên gắn bó với công tác dân số, bà Trần Thị Dũng (SN 1959) - CTV dân số ở tổ dân phố Yên Thọ, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đã “thấm” những vui, buồn của công việc này.

Gắn bó với công tác dân số trong 25 năm qua, bà Dũng đã trải qua rất nhiều cảm xúc cùng công việc. Thị trấn Thiên Cầm là địa bàn vùng biển, thời điểm trước, nhận thức của người dân chưa tốt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn rất cao nhưng lại không chịu tiếp nhận các kiến thức về DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, những năm đầu làm công tác dân số, do chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức cũng như kỹ năng nên bà gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Ở tuổi 64, bà Dũng vẫn cần mẫn gắn bó với công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bà Dũng cho biết: “Hiện nay, tổ dân phố Yên Thọ có 160 hộ với 600 nhân khẩu, trong đó có 250 người là nữ. Để công tác dân số có hiệu quả, những năm qua, tôi phải đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện KHHGĐ. Đến nay, người dân đã hiểu và tự giác thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nhờ đó, tỉ lệ sinh con thứ 3, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em… trên địa bàn đã giảm rõ rệt”.

Với bà Dũng, công việc làm CTV dân số chẳng khác nào “chăm con mọn” bởi những công việc không tên và chẳng kể giờ giấc. Và dù phụ cấp ít ỏi (chỉ khoảng 150.000 đồng/tháng) nhưng bao năm qua bà vẫn kiên trì với công việc này.

Bà Dũng bày tỏ: "Làm công tác dân số hàng chục năm, tôi cũng như nhiều người gắn bó công việc này đều có lý tưởng của mình, chúng tôi không bỏ việc vì vất vả hay thu nhập thấp. Dẫu vậy, tôi vẫn mong rằng, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn tới các CTV dân số, chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn trong thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chung”.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Dù địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn nhưng chị Hồng Thái vẫn tận tụy với công việc.

Cùng thực hiện nhiệm vụ chung nhưng những người phụ trách dân số ở cấp phường, xã, thị trấn lại có những niềm vui, nỗi vất vả, khó khăn riêng. Chị Đào Thị Hồng Thái (SN 1973) - hộ sinh kiêm cán bộ chuyên trách dân số xã Quang Diệm (Hương Sơn) đã có gần 4 năm vui buồn khi trở thành CTV dân số ở địa phương.

Xã Quang Diệm là địa bàn miền núi, có diện tích rộng hơn, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. CTV dân số ở các thôn hầu như năm nào cũng có thay mới và chưa được đào tạo, chuyên môn còn hạn chế nên công tác dân số thời gian đầu khi xã mới sáp nhập còn muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và tâm huyết, chị Thái đã góp phần đưa xã Quang Diệm trở thành đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác dân số ở huyện Hương Sơn.

Những “con ong” cần mẫn của ngành Dân số Hà Tĩnh

Một buổi giao ban công tác dân số của chị Thái và các CTV.

Chị Thái chia sẻ: “Nếu không thực sự tâm huyết thì rất khó để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từng có những lúc, tôi chùn bước bởi khối lượng công việc nhiều mà lại còn gặp phải nhiều “cái nhìn” thiếu thiện cảm, thiếu hợp tác, thế nhưng khi nghĩ đến việc rất nhiều chị em cần giúp đỡ, cần được trang bị kiến thức, tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa".

Hà Tĩnh hiện có 1.937 cộng tác viên dân số và 216 người phụ trách dân số cấp xã, phường, thị trấn, 100% là nữ. Thời gian qua, đội ngũ này đã hoạt động tích cực để đưa các chính sách DS - KHHGĐ đến với người dân. Họ chính là những “cánh tay nối dài” với biết bao cống hiến thầm lặng cho ngành dân số Hà Tĩnh.

Đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính quyền các cấp có số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Dẫu còn nhiều vất vả nhưng đội ngũ những người làm dân số ở cơ sở đã vượt qua khó khăn, kiên trì thực hiện tốt công việc. Để công tác dân số ngày càng đạt kết quả cao, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng… để đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tốt trình độ, vai trò của mình.

Ông Nguyễn Trung Kiên
Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ dân số (Chi cục DS - KHHGĐ Hà Tĩnh)

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.