Theo các nhà thiên văn học, siêu trăng sẽ tròn nhất và sáng nhất vào lúc 13h52 ngày 14/11 theo giờ GMT, tức là khoảng 20h52 cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Lúc này, quỹ đạo Mặt trăng và Trái đất sẽ lại gần nhau nhất kể từ tháng 1/1948. Theo đó, Mặt trăng trở thành siêu trăng - nó sẽ sáng, lớn hơn bao giờ hết trong vòng 70 năm trở lại đây. Với việc ở gần Trái đất hơn, hình dạng Mặt trăng khi được quan sát từ Trái đất sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với thông thường.
Cần phải hiểu, hiện tượng siêu trăng xảy ra do quỹ đạo hình quả trứng kỳ lạ của mặt trăng. Một phần của quỹ đạo này – được gọi là điểm cực cận – khi đó mặt trăng sẽ nằm ở gần Trái đất hơn 48.280km so với lúc ở điểm cực viễn.
Thời điểm Mặt trăng thẳng hàng với Mặt trời và Trái đất, nó sẽ gây ra 1 hiệu ứng gọi là hiện tượng syzygy - khi đó, Mặt trăng trông to hơn so với bình thường và còn được gọi là siêu trăng.
Mặt trăng lớn hơn bình thường xuất hiện sau biểu tượng chữ thập trên đỉnh một nhà thờ ở vùng Ryazan, Nga.
Mặc dù chúng ta sẽ đón tiếp một siêu trăng nữa vào tháng 12/2016 nhưng lần này là siêu trăng lớn nhất, bởi khoảng cách giữa chúng ta và vệ tinh tự nhiên này gần hơn cả. Vì thế, bạn đừng nên bỏ lỡ hiện tượng này bởi phải đến năm 2034, bạn mới được trông thấy một siêu trăng có kích cỡ tương tự.
Và để có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này một cách trọn vẹn nhất thì đây là những địa điểm mà bạn đừng nên bỏ qua.
1. Chỗ tối, tránh xa ánh sáng nhân tạo
Dù là ở bất cứ nơi nào thì chắc chắn bạn nên chọn cho mình 1 chỗ tối, tránh ánh sáng nhân tạo càng nhiều càng tốt.
Mắt bạn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng trắng trong khoảng 20 phút thì mới có thể hoàn toàn thích nghi và chiêm ngưỡng được toàn cảnh hiện tượng xảy ra.
2. Ngắm trăng trên một bãi biển dài
Cần nhấn mạnh rằng, khi quan sát siêu trăng, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào.
Và để có cơ hội toàn diện nhìn ngắm Mặt trăng dần trồi lên từ phía đường chân trời - bạn hãy chọn ngay cho mình một nơi trên bờ biển.
Rõ ràng tại đây, bạn sẽ không lo lắng về việc bị một tòa nhà cao hay ngọn núi nào che khuất mất tầm nhìn. Chỉ có bạn và biển cùng đón trăng - thật quá sức lãng mạn chứ!
3. Ngắm siêu trăng trên núi
Siêu mặt trăng trên núi Rangitumau, Masterton, New Zealand ngày 10/8/2014
Giống như biển, việc bạn nhìn ngắm Mặt trăng dần dần hiện lên phía sau rặng núi khổng lồ cũng không phải là một ý tưởng tồi phải không? Nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được
4. ... hay gần một cấu trúc mang tính biểu tượng lớn
Siêu trăng hiện lên cạnh trung tâm hội nghị Oregon, Portland, Oregon, Mỹ.
Để có được những bức hình "ảo tung chảo" thế này, chả có lý gì mà bạn không chọn một biểu tượng nổi tiếng và trổ tài chụp ảnh của mình.
Và một số lưu ý khi bạn chụp ảnh siêu trăng:
- Để chụp trực tiếp bằng smartphone, bạn nên đặt điện thoại lên một vị trí tựa chắc chắn hoặc trên một tripod, điều này sẽ giúp ảnh không bị rung do tay và có máy có thể chụp ở tốc độ rất thấp mà hình không bị nhòe nữa nha!
- Máy ảnh du lịch có lợi thế hơn so với điện thoại ở khả năng zoom quang học (từ 3x cho tới 60x tùy loại). Hãy thiết đặt ở chế độ chỉnh tay hoàn toàn hoặc bán tự động.
Nhớ nhé, đừng bỏ qua cơ hội ngắm siêu trăng thế kỷ này - thời điểm trăng tròn và sáng nhất vào lúc 13h52 ngày 14/11 theo giờ GMT, tức là khoảng 20h52 cùng ngày theo giờ Việt Nam.