Những điểm nhấn đáng chú ý của đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hoàn thành công tác nhân sự quan trọng, chất vấn, trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề và đưa ra được nhiều giải pháp khắc phục khó khăn,... là những điểm nhấn nổi bật của đợt 1, Kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Quang cảnh phiên họp chiều 8/6. (Nguồn: Vietnam+)
Quang cảnh phiên họp chiều 8/6. (Nguồn: Vietnam+)

Sau 18 ngày họp với nhiều nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã khép lại vào cuối chiều nay (8/6) với nhiều kết quả nổi bật; nội dung kỳ họp được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Điểm nhất nổi bật là việc Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; kiện toàn nhân sự Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026; và các phiên chất vấn, trả lời chất vấn đi thẳng vào các vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch.

Kiện toàn công tác nhân sự

Trong không khí dân chủ, trách nhiệm, những ngày làm việc đầu tiên đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự. Đây là một trong những nội dung được người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Sau 2 ngày họp, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao, sáng 22/5, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 Tô Lâm; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 Trần Thanh Mẫn.

Tại Hội trường Diên Hồng, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đã tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.”

Cũng trong đợt 1 của kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm; kiện toàn nhân sự Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Thanh; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Lương Tam Quang.

Ngoài ra, Quốc hội khóa XV cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh đối với đồng chí Lương Tam Quang, tân Bộ trưởng Bộ Công an.

Trả lời chất vấn thẳng thắn, không lòng vòng

Một trong những điểm nhấn tiếp theo của đợt 1, Kỳ họp thứ 7 được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm là các phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Trong từng lĩnh vực, 1 số nhóm vấn đề chính cũng đã được lựa chọn để đưa ra bàn thảo. Đơn cử như đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nội dung chất vấn tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Hay lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; lĩnh vực công thương tập trung vào nhiều vấn đề “nóng” như thuốc lá điện tử thế hệ mới, gian lận thương mại điện tử…

Tại các phiên chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận. Tư lệnh của 4 ngành liên quan đến các lĩnh vực trên cùng Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng đã giải đáp cơ bản các vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội nêu.

Tại các phiên chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Tại các phiên chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đợt 1 này rất thành công. Một là Quốc hội đã lựa chọn đưa ra những nhóm chất vấn hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Thứ hai, nội dung chất vấn đáp ứng được những vấn đề mà nhân dân và cử tri quan tâm.

Trong chất vấn, các đại biểu đã tập trung vào những nhóm ngành, nhóm nội dung được lựa chọn, đã đặt ra những câu hỏi rất thẳng thắn, cụ thể. Việc chuẩn bị trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm, thông qua việc chuẩn bị các cáo báo gửi cho các đại biểu Quốc hội trước đó cả tuần, thậm chí trước kỳ họp, trong kỳ họp đều cập nhật cụ thể.

24.06.08.ChuongTrinhXDPL.3.JPG
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tham gia tại Kỳ họp thứ 7.

Có bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu tiên trả lời nhưng cũng rất tự tin, như Chủ tịch Quốc hội nói là đã là "nắm chắc được vấn đề." Trong trả lời chất vấn quan trọng nhất là nắm chắc và cung cấp được những giải pháp cụ thể.

Đặc biệt, dù lần đầu tiên điều hành phiên chất vấn trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7, song bằng kinh nghiệm dày dặn của một nhà lãnh đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã cho thấy khả năng dẫn dắt, kết nối linh hoạt, hiệu quả giữa các đại biểu chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn. Chính điều này đã góp phần tạo nên dấu ấn thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

“Không lòng vòng, không chung chung, trả lời chất vấn đi thẳng trực diện vào vấn đề mà đại biểu quan tâm” là điều mà Chủ tịch Quốc hội luôn nhắc nhở các bộ trưởng để đảm bảo trả lời rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, hiệu quả.

Với một số nội dung chất vấn khó, phức tạp, cùng lúc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu phối hợp làm rõ, đi tới tận cùng, để giải trình được kỹ và tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng lập tức điều hướng khi vấn đề đại biểu nêu ra nằm ngoài phạm vi chất vấn, để phiên chất vấn đi đúng trọng tâm.

Thảo luận kỹ để hoàn thiện các dự thảo luật

Cùng với các nội dung trên, trong đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng đã họp các phiên toàn thể hội trường và tại tổ để cho ý kiến một cách kỹ lưỡng, sâu sắc về các dự án luật, các báo cáo giám sát, tình hình kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong đợt 1 của kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023."

Bằng kinh nghiệm công tác của mình ở các bộ, ngành, địa phương và từ thực tiễn, từ lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Các ý kiến tập trung phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết, đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả, hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế - xã hội.

Các vị đại biểu cũng đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 còn chưa kết thúc.

Đặc biệt, Quốc hội đã tập trung thảo làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự thảo luật quan trọng như: Luật Đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trong các phiên thảo luận, với tinh thần làm việc khẩn trương, không khí thảo luận sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đều phát biểu tập trung, cụ thể, sâu sắc, khách quan, toàn diện thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao và thiết thực cả về nội dung các điều khoản cụ thể và kỹ thuật lập pháp, với đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật.

Cũng tại đợt 1 của kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành; dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; thí điểm về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022...

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết ngay trong đợt 2, Kỳ họp thứ 7 bằng hình thức biểu quyết điện tử./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.