Những điều cần biết về biến thể mới ở Nam Phi đang khiến thế giới lo ngại

Các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với chủng virus SARS-CoV-2 gốc được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). 

Những điều cần biết về biến thể mới ở Nam Phi đang khiến thế giới lo ngại

Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm vaccine ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), hôm 30/8, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi (NICD) đã đưa ra cảnh báo về C.1.2 và cho biết biến thể này đã được phát hiện ở tất cả các tỉnh trong cả nước, nhưng với tỉ lệ tương đối thấp.

Cảnh báo cho biết biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 5, trên phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, Delta vẫn là biến thể lây lan chủ yếu ở Nam Phi và trên thế giới.

Biến thể C.1.2 đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì dù có tỉ lệ lây nhiễm thấp, nhưng nó sở hữu các đột biến trong bộ gien tương tự như những đột biến được phát hiện trong các biến chủng đáng lo ngại khác, như Delta, cũng như một số đột biến bổ sung.

C.1.2 có đáng lo ngại?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa liệt kê C.1.2 là biến thế đáng lo ngại hay biến thể đáng quan tâm. Hiện NICD vẫn tiếp tục theo dõi mức độ lây lan của C.1.2 và xác định cách thức hoạt động của biến thể này. Các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm đánh giá tác động các đột biến của biến thể C.1.2 với khả năng lây nhiễm và khả năng kháng vaccine.

Cho đến nay, biến thể này vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí của WHO để đủ điều kiện trở thành “biến thể đáng quan tâm” hoặc “biến thể đáng lo ngại”.

Biến thể đáng lo ngại - chẳng hạn như Delta - là những biến thể có khả năng lây truyền, độc lực hoặc thay đổi triệu chứng bệnh lâm sàng ở mức cao. Những biến thể này cũng có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Biến thể đáng quan tâm là những biến thể được chứng minh có khả năng lây lan tạo ra nhiều ổ dịch trong cộng đồng và đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, nhưng không nhất thiết được chứng minh là có độc lực cao hoặc dễ lây lan hơn.

Tại sao chuyên gia đưa ra cảnh báo với biến thể C.1.2?

Tiến sĩ Megan Steain, nhà virus học và giảng viên miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Sydney, cho biết cần đưa ra cảnh báo với biến thể C.1.2 là do biến thể này chứa nhiều đột biến đặc biệt.

Những điều cần biết về biến thể mới ở Nam Phi đang khiến thế giới lo ngại

Chủng C.1.2 có tỉ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm. Ảnh: Reuters

“C.1.2 chứa khá nhiều đột biến đặc biệt mà chúng tôi từng thấy trong các biến thể đáng lo ngại hoặc đáng quan tâm khác. Bất cứ khi nào phát hiện những đột biến này, chúng tôi cần theo dõi xem chúng sẽ hoạt động như thế nào, chúng có ảnh hưởng đến việc né phản ứng miễn dịch hay lây lan nhanh hơn hay không”, Tiến sĩ Steain nói và cho biết việc thực hiện nghiên cứu này trong phòng thí nghiệm sẽ mất khá nhiều thời gian.

Ngoài ra, biến thể này chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. C.1.2 có tỉ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xoá mã gien di truyền bên trong protein gai – phương tiện để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người – khiến nó trở nên khó đánh bại hơn.

C.1.2 có khả năng biến mất hay không?

Câu trả lời là có. Các biến thể COVID-19 luôn xuất hiện và nhiều biến thể trong số đó có khả năng biến mất trước khi lây lan rộng rãi. Nhiều biến thể virus có khả năng sống sót rất mong manh.

“C.1.2 sẽ rất khó có thể cạnh tranh với Delta trong giai đoạn này,” bà Steain khẳng định. “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang ở thời điểm mà biến thể này có thể biến mất, tỉ lệ lây lan rộng rãi thực sự rất thấp”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi đã chứng kiến điều này với biến thể Beta và các biến thể đáng quan tâm khác. Thậm chí các biến thể đó ở những khu vực có cơ hội lây lan khá tốt, nhưng sau đó, chúng đã không thể sống sót theo thời gian và bị lấn át bởi các biến thể đáng quan tâm khác có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Và vì vậy về cơ bản chúng chỉ biến mất . Điều đó cũng có thể dễ dàng xảy ra với C.1.2”.

Biến thể C.1.2 có khả năng kháng vaccine không?

Những điều cần biết về biến thể mới ở Nam Phi đang khiến thế giới lo ngại

Một nhân viên y tế tiêm vaccine Johnson&Johnson cho một phụ nữ ở Houghton, Johannesburg, Nam Phi hôm 20/8. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Steain cho biết các nhà khoa học có thể đưa ra phỏng đoán khoa học dựa trên một số đột biến có trong biến thể C.1.2. Những đột biến này tương tự các đột biến ở biến chủng khác như Beta, Delta.

“Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ kháng thể trong huyết thanh sẽ không vô hiệu hóa được chủng virus này cũng như ngăn ngừa các biến chủng ban đầu. Nhưng cho đến khi hoàn thành những thử nghiệm, điều này thực sự vẫn chỉ là suy đoán. Chúng tôi phải lưu ý rằng cho đến nay vaccine đang hoạt động rất tốt về mặt ngăn ngừa mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong khi nhiễm các biến thể COVID-19”, bà nhấn mạnh và cho rằng chúng ta không cần quá hoảng sợ.

Trong khi đó, NICD cho biết các nhà khoa học đang thận trọng nghiên cứu về những tác động của biến thể C.1.2, đồng thời tiến hành thu thập thêm dữ liệu để tìm hiểu về chủng virus này.

“Dựa trên hiểu biết của chúng tôi về các đột biến trong biến thể này, chúng tôi nghi ngờ C.1.2 có thể né được một phần phản ứng miễn dịch. Dù vậy, vaccine vẫn sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao ngăn ngừa việc nhập viện và tử vong”, viện nghiên cứu cho biết.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.