Vào dịp cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, đồng thời lau dọn bàn thờ và khu vực cúng lễ trong nhà với mong muốn đón tài lộc và cầu cho mọi sự hanh thông trong năm mới.
Vì bàn thờ là nơi thờ tự linh thiêng nên nhiều người rất cẩn trọng trong quá trình lau dọn. Chị Hồ Thu Hường (34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cứ đến dịp gần Tết, vợ chồng chị lại dành hẳn một ngày để dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt, chồng chị được giao nhiệm vụ lau dọn bàn thờ.
Bàn thờ luôn được gia chủ đặt ở nơi trang trọng trong nhà. (Ảnh minh họa: P. B. B).
Từ một vài ngày trước đó, chị Hường đã mua sẵn khăn mới và vài gói ngũ vị hương. Theo chị Hường, các loại thảo dược như đinh hương, hồi, quế, bạch đàn, gỗ vang có tính nóng nên phù hợp với việc giải trừ tà khí, bụi bặm, chống ẩm mốc, xua đuổi côn trùng. Mùi hương thảo mộc cũng đem lại cảm giác thanh tịnh nên chị đã mua về đun nước để lau bàn thờ.
Chị Nguyễn Thị Hà (Giao Thủy, Nam Định) cho biết chị thường nấu nước đun sôi để nguội để lau dọn bàn thờ. Đặc biệt, khi lau bài vị của tổ tiên, chị dùng nước ấm chứ tuyệt đối không dùng nước lạnh. Ngoài ra, chị luôn lựa chọn ngày, giờ đẹp để thực hiện công việc trang nghiêm này.
Cũng giống như chị Hà, nhiều người thường có thói quen lựa chọn ngày, giờ tốt để lau dọn bàn thờ với mong muốn gia đình sẽ được tổ tiên độ trì, có nhiều may mắn, thịnh vượng, tài lộc.
Bàn về thói quen này, chia sẻ với Dân trí , nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, theo kinh nghiệm thì lau dọn bàn thờ sau lễ cúng Táo quân là phù hợp nhất. Lễ cúng Táo quân thường diễn ra từ 17 đến 23 tháng Chạp, nên các gia đình có thể lau dọn bàn thờ khi đã cúng Táo quân.
Tùy thuộc vào điều kiện, công việc của mỗi gia đình mà sắp xếp thời gian lau dọn bàn thờ (tổ tiên, thần Phật) cho phù hợp, không nhất thiết phải chọn ngày, giờ đẹp.
Bàn thờ ngày Tết của một gia đình người Việt. (Ảnh: Nga Nguyen).
“Khi lau dọn bàn thờ, gia chủ nên tắm gội sạch sẽ, làm cho bản thân mình thanh tịnh. Phải lau dọn với lòng thành kính, phải làm việc thật chuyên tâm, không cười đùa hoặc nói năng, quát tháo bừa bãi”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần chuẩn bị khăn mềm, sạch, nước sạch, chậu riêng và nước pha ngũ vị hương, không nên dùng khăn, chổi đã qua sử dụng hoặc dùng cho các việc dọn dẹp hằng ngày vì chúng mang nhiều uế tạp, không đảm bảo sự tôn nghiêm.
Nên rút bớt chân hương (chỉ để lại 3, 5 hoặc 9 chân hương cũ), bỏ bớt tro trong bát hương, giữ lại lượng tro vừa đủ để cắm hương.
Nên dùng một tay nhẹ nhàng rút tỉa chân hương, tay còn lại giữ cố định bát hương để tránh làm xê dịch. Nếu muốn dịch chuyển bát hương ra khỏi bàn thờ để tiện lau dọn thì nên đánh dấu để tránh nhầm lẫn.
Cần dùng khăn sạch và ẩm, pha ngũ vị hương, rượu pha gừng giã nhỏ lau bát hương, bài vị. Sau khi lau sạch sẽ thì đặt bát hương về vị trí cũ. Bàn thờ sau khi lau dọn và trang trí xong phải gọn gàng ngăn nắp, trang nghiêm.
Nhiều người khi lau dọn bát hương thường thắc mắc có cần hành lễ, báo cáo tổ tiên, thần linh không.
Liên quan tới vấn đề này, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho hay, nếu lau dọn bàn thờ ngay sau lễ cúng Táo quân thì trước khi hạ lễ có thể khấn cáo thần linh và những vị được thờ tại bát hương, bàn thờ đó báo cáo về việc này. Nếu làm vào ngày khác thì nên có lễ trầu cau, rượu nước, mấy bông hoa… thắp hương xin phép.