Bước vào mùa mưa, ôtô và các phương tiện di chuyển khác gặp không ít khó khăn khi vận hành so với điều kiện thời tiết khô ráo. Các vấn đề thường gặp khi sử dụng xe mùa mưa có thể kể đến như mất kiểm soát, động cơ bị tắt hay tầm nhìn bị giảm. Để hạn chế xảy ra các sự cố khi điều khiển xe vào mùa mưa, người điều khiển phương tiện nên thực hiện những biện pháp sau.
Tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước
Mặt đường trơn trượt sẽ khiến cho độ bám của lốp bị giảm đi khá nhiều, từ đó làm cho xe khó kiểm soát hơn, quãng đường phanh bị tăng lên và xe khó có thể điều khiển theo ý người lái. Để hạn chế những vấn đề trên, người điều khiển nên tăng khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước, giúp tăng thêm thời gian để xử lý tình huống cũng như hạn chế được việc đánh lái hay phanh đột ngột.
Nên giữ khoảng cách 4-5 giây với xe phía trước khi di chuyển trong mưa.
Thông thường, khoảng cách an toàn giữa 2 phương tiện là 3 giây, tuy nhiên con số này nên tăng lên thành 4-5 giây trong điều kiện thời tiết xấu. Cách xác định khoảng cách này khá đơn giản, chọn một điểm bất kỳ trên đường và bắt đầu đếm khi phương tiện phía trước vừa chạy ngang qua, nếu sau 4-5 giây mà xe của bạn đến điểm đó thì khoảng cách giữa 2 xe ở mức an toàn.
Ngoài ra, người lái cũng có thể thực hiện các mẹo sau để cải thiện độ bám đường cho lốp như chạy theo vệt bánh xe trước hay đánh lái nhẹ nhàng.
Bật đèn xe
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện phải bật đèn xe khi trong thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Bên cạnh việc tăng thêm tầm quan sát cho người lái, bật đèn xe cũng giúp các phương tiện khác nhận diện được bạn dễ dàng hơn.
Trong trường hợp trời mưa quá lớn, cần cân nhắc bật thêm đèn cảnh báo, hệ thống đèn này sẽ bật sáng 4 đèn báo rẽ trên xe. Màu vàng hổ phách của đèn báo rẽ có bước sóng nhạy với não người hơn các màu sắc khác.
Cân nhắc bật đèn cảnh báo khi di chuyển dưới thời tiết quá xấu.
Tránh đi vào các đoạn đường ngập sâu
Khi gặp các đoạn đường ngập, hầu hết người lái đều có tâm lý chạy nhanh để vượt qua. Hành động này có thể khiến cho chiếc xe bị mất lái do bánh xe trượt trên nước, tệ hơn là xe bị chết máy do nước lọt vào buồng đốt theo đường hút gió.
Để biết được xe có thể đi qua đoạn đường ngập đó hay không, người lái có thể quan sát mức ngập của xe phía trước. Nếu mực nước đến hốc bánh của các mẫu xe gầm cao như bán tải hay SUV thì các mẫu sedan không nên di chuyển vào.
Lái xe vào vùng ngập sâu có thể khiến cho động cơ bị thủy kích. Ảnh: Việt Hùng.
Rửa xe sau khi chạy dưới mưa
Các chất bẩn như đất, cát hay rác dễ bị bám vào xe khi chạy dưới mưa, đặc biệt là ở các vùng nước ngập. Việc rửa xe không đơn thuần giúp chiếc xe trông sạch sẽ hơn, nó còn giúp bảo vệ phương tiện khỏi các vấn đề như gỉ sét hay ăn mòn do chất bẩn và nước mưa bám vào.
Cần lưu ý, không nên rửa xe khi động cơ vừa hoạt động liên tục ở nhiệt độ cao, hành động này có thể gây ra hư hỏng do các chi tiết kim loại bị co giãn đột ngột.
Rửa xe sau khi di chuyển dưới mưa giúp bảo vệ xe khỏi gỉ sét hay ăn mòn.