8h sáng, có mặt tại khu điều trị và chăm sóc chuyên biệt của Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, các “o chăm nuôi” đều tất bật với công việc của mình. Dọn phòng cho các đối tượng tâm thần kinh, thay bỉm cho những cụ già bị liệt, rồi giặt giũ...
"O chăm nuôi” là tên gọi trìu mến dành cho nữ cán bộ tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Tại phòng số 5, chị Hòa và chị Thảo đang chăm chú, cẩn thận múc từng ca nước, nhẹ nhàng gội đầu cho một bệnh nhân tai biến - thương binh Hoàng Sỹ Quế (quê ở TX Hồng Lĩnh). 4 năm nằm liệt giường, cũng chừng ấy thời gian ông luôn được các chị tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc như vậy.
Ông Quế nói: “Khéo léo, nhẹ nhàng mà không cáu gắt, chỉ có các o mới làm được điều đó”.
Với nhiều trường hợp khác, phần lớn họ đều là các đối tượng yếu thế, những mảnh đời cơ nhỡ, lang thang, những người bị tâm thần, không nơi nương tựa… Mỗi lần tiếp xúc là đủ chuyện để nói. Vui họ cũng nói, buồn họ cũng chửi mà cáu giận thì các ông bà lại càng la ó. Thế nhưng, ngày nào cũng thế, các chị đều cần mẫn, tận tụy, dồn tâm sức vào công việc mà mình đảm nhận. Niềm vui của họ đó là sự sạch sẽ của từng phòng ở, sự thoải mái trên từng gương mặt và hơn hết là sự cải thiện về sức khỏe cho mỗi người đã tự nguyện xem trung tâm là mái nhà của họ.
“Các o chăm nuôi” luôn cần mẫn, tận tụy với công việc.
Chị Lê Thị Hải Hoàn - cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, chia sẻ: “Họ cũng như ông bà mình, nhưng không chồng, không vợ, không con cái nên khó tính cũng phải thôi. Nhiều cụ sống với chúng tôi mười mấy năm, quen hết tính rồi… thương lắm. Mà có thương mình mới làm được”.
Còn Nguyễn Thị Thảo - một cán bộ rất trẻ, mới 27 tuổi nhưng đã có 6 năm công tác ở đây, nói thêm: “Ngày mô mà các cụ hợp tác, đồng hành để mình hoàn thành nhiệm vụ là thấy vui vẻ và thoải mái trong lòng”.
Ông Đậu Xuân Hòa – người thân mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Phố thì phấn khởi: “Chúng tôi là họ hàng xa với mẹ, thỉnh thoảng vô thăm, thấy cụ vẫn luôn tỉnh táo, khỏe mạnh, phấn khởi. Cụ hợp với các o lắm, đón về quê chơi ít ngày là lại đòi vô trung tâm. Rứa mới biết các o đáng quý lắm…”.
17 năm qua, hàng ngàn lượt người điều dưỡng mỗi năm, hàng trăm người được nuôi dưỡng, chăm sóc, ngày nào cũng 3 bữa ăn với chế độ đặc biệt theo từng đối tượng. Ngày nào cũng có đến vài chục đối tượng chuyên biệt phải chăm sóc đặc biệt tới tận từng khâu nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân tối thiểu. Những con số này, quả thực là không đơn giản với số chị em chăm sóc trực tiếp chưa đến vài chục người.
Theo bà Ngô Thị Tâm Tình - Phó Giám đốc trung tâm: “Các cụ ở đây chủ yếu hoàn cảnh đặc biệt, thế nhưng, bao nhiêu năm sống ở đây, trung bình tuổi thọ các cụ đến 78 tuổi. Nhiều người đến thăm vẫn gọi chúng tôi là những hộ lý cao cấp, hộ lý đặc biệt bởi rất nhiều người nằm liệt nhiều năm trời nhưng gần như không bị lở loét, hoại tử. Tất cả cũng đều từ sự tận tụy của anh chị em ở đây. Sạch hằng ngày chứ không phải sạch một buổi, chăm cả đời chứ không phải một vài bữa ăn, điều đó xuất phát từ cái tâm. Đó là chưa nói, nhiều cụ gắn bó cả đời ở đây, lúc tạ thế không người thân, anh em, trung tâm lại chung tay lo liệu. Từ khâm liệm đến tang ma rồi giỗ tết, hương khói để các cụ không thấy lạnh lẽo”.
Chia tay các chị, những người biết cho yêu thương để nhận lại những thương yêu, tự đáy lòng mình, sao tôi thấy cuộc đời này còn nhiều điều đẹp đẽ và đáng quý đến thế!