Những người “gác cổng” văn bản

(Baohatinh.vn) - Tại Hà Tĩnh, công tác thẩm định văn bản ngày càng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đa số ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Nỗ lực này của Sở Tư pháp đã khẳng định vị trí, vai trò “người gác cổng” tin cậy, tham mưu đắc lực cho HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành văn bản QPPL.

Những người “gác cổng” văn bản

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII đã thông qua 21 nghị quyết về phát triển KT-XH.

Tại Kỳ họp thứ 14 diễn ra vào tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh thông qua 21 nghị quyết quan trọng mang ý nghĩa quyết định tới sự phát triển KT-XH. Là công chức trực tiếp thẩm định nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế giai đoạn 2023-2025, chị Nguyễn Kim Khánh (Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật) trao đổi: “Sau khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Sở Y tế đã kịp thời gửi hồ sơ để Sở Tư pháp tiến hành thẩm định. Trên cơ sở đó, chúng tôi xem xét, đánh giá đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật; sự phù hợp với các quy định; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản…”.

Không riêng cá nhân chị Khánh, đây cũng là công việc của 5 cán bộ còn lại trong Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật, đặc biệt, trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh. Các dự thảo nghị quyết thường do sở, ngành chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến góp ý rồi gửi hồ sơ để Sở Tư pháp thẩm định, cho ý kiến hoàn thiện, tổng hợp gửi UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

Phần lớn các dự thảo nghị quyết có nội dung rộng, đối tượng tác động lớn cùng tập trung thẩm định một lúc khiến quá trình triển khai của những người “gác cổng” gặp không ít vất vả. Không chỉ vậy, một số văn bản QPPL chưa tuân thủ đúng hình thức, trình tự, thủ tục quy định; số khác chưa chú trọng đến sự phù hợp của nội dung với ngôn ngữ…

Những người “gác cổng” văn bản

Trưởng phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật hướng dẫn chuyên viên về công tác thẩm định văn bản.

Bà Trần Thị Hải Giang - Trưởng phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật chia sẻ: “Để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả các văn bản QPPL, Sở Tư pháp luôn đồng hành với các sở, ngành liên quan góp ý, hoàn thiện ngay từ khâu bắt đầu soạn thảo. Qua đó, kịp thời phát hiện, chỉnh lý các nội dung chưa phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo văn bản khi được ban hành có tính khả thi, đúng quy định pháp luật, phục vụ hiệu quả quản lý Nhà nước”.

Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; xác định mục tiêu góp ý, thẩm định 100% các văn bản QPPL được đề nghị, đảm bảo đúng thời gian, chất lượng. Trên cơ sở đó, phòng đã tuân thủ chặt chẽ quy trình xử lý công việc qua các bước như thụ lý hồ sơ; phân loại theo các tiêu chí (góp ý, thẩm định; loại văn bản nghị quyết, quyết định, chỉ thị); phân công nhiệm vụ; theo dõi, giám sát thời gian, tiến độ thực hiện và chất lượng công việc, lưu trữ hồ sơ. Những người “gác cổng” cũng thường xuyên chú ý đến việc cập nhật thông tin dự thảo thuộc chương trình ban hành văn bản QPPL đã được HĐND, UBND tỉnh ban hành từ đầu năm.

Những người “gác cổng” văn bản

Phần lớn các dự thảo nghị quyết có nội dung rộng, đối tượng tác động lớn khiến quá trình triển khai của những người “gác cổng” gặp không ít vất vả.

Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định 36 dự thảo văn bản QPPL (trong đó có 15 nghị quyết, 21 quyết định, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: tài chính, đầu tư, nội vụ, tài nguyên - môi trường...); góp ý 78 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh. Sở Tư pháp cũng đã chủ động tham gia ngay từ đầu cùng với cơ quan chủ trì trong quá trình xây dựng dự thảo, thông qua việc góp ý bằng văn bản hoặc tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất ý kiến.

Theo đánh giá, công tác thẩm định của Sở Tư pháp được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ về thời gian luật định; nội dung thẩm định đúng quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương. Các văn bản thẩm định đều có phân tích, đánh giá và đưa ra căn cứ, viện dẫn. Nhiều báo cáo thẩm định có chất lượng cao với các nhận xét, đánh giá vừa mang tính tư vấn, vừa có tính phản biện và hướng đề xuất chỉnh sửa cụ thể để giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện.

Những người “gác cổng” văn bản

Tại Hà Tĩnh, công tác thẩm định văn bản ngày càng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Công tác thẩm định văn bản QPPL đang dần đi vào nền nếp, đảm bảo các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh được ban hành đúng tiến độ, đạt chất lượng và khả thi, góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các chính sách phát triển KT-XH. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản; chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác thẩm định”.

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.