Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

(Baohatinh.vn) - Cần mẫn và thầm lặng, hàng chục năm nay, những cán bộ, nhân viên tại Ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) luôn dành hết mọi tâm huyết, trách nhiệm chăm sóc nơi an nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).

Quần thể Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ được chia làm 2 phần: khu mộ và khu lưu niệm với tổng diện tích hơn 5 ha.

Ở khu mộ, ngoài phần mộ của Tổng Bí thư Trần Phú, còn có 3 phần mộ của hai cụ thân sinh và em trai Tổng Bí thư. Tại khu lưu niệm có nhà trưng bày khang trang rộng gần 300 m2, lưu giữ và trưng bày hơn 100 tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú đã có từ năm 1977. Đến ngày 11/6/1992, nơi đây được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Mỗi năm, khu di tích đón hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tri ân.

Để giữ cho khuôn viên khu di tích luôn sạch đẹp và bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, ngày ngày, 8 cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích đều miệt mài với rất nhiều công việc. Từ vệ sinh cảnh quan, đến thuyết minh, hướng dẫn viên rồi nghiên cứu, bảo quản, thu thập, trưng bày tài liệu, hiện vật; đón tiếp các đoàn khách; quảng bá giá trị di tích…

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích triển khai nhiệm vụ đầu giờ mỗi ngày.

Gắn bó với khu di tích những ngày đầu, đến nay, anh Lê Doãn Thắng (SN 1975) - Trưởng Ban Quản lý khu di tích đã có 24 năm cống hiến tại đây, từ vai trò là kỹ thuật viên bảo tàng, đến cán bộ, lãnh đạo ban quản lý.

Anh Thắng chia sẻ: “Tôi bắt đầu công việc ở đây từ năm 1999, lúc đó hài cốt của Tổng Bí thư được di dời từ TP Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương Tùng Ảnh. Những ngày đầu cơ sở vật chất không có, mới chỉ có khu mộ, đường vào mộ chỉ là lối đi tắt qua vườn nhà dân và cũng chỉ có tôi cùng một người nữa làm nhiệm vụ trông coi, chăm sóc khu mộ và nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật của đồng chí Tổng Bí thư”.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Khi du khách đến dâng hương đông, anh Thắng (người đứng bên trái) trực tiếp tham gia dẫn lễ, thuyết minh khu di tích.

Không coi mình là người lãnh đạo, anh Lê Doãn Thắng cũng làm mọi việc như những người cán bộ khác trong ban từ vệ sinh cảnh quan đến thuyết minh, dẫn lễ khi có các đoàn khách và trực tiếp đi sưu tầm nhiều hiện vật, tài liệu.

Quãng thời gian hoạt động của Tổng Bí thư không quá dài, vì vậy, việc tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, hiện vật không hề dễ dàng. Mỗi nằm, anh Thắng đều cũng đồng nghiệp miệt mài đi đến nhiều vùng đất, tỉ mẩn tìm kiếm nguồn tư liệu về đồng chí Trần Phú trong các bảo tàng quốc gia… và đặc biệt là giữ mối liên hệ chặt chẽ với những người con cháu dòng họ Trần ở Tùng Ảnh.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Nhiều hiện vật, tư liệu giá trị được cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích nỗ lực sưu tầm, bảo quản tại nhà lưu niệm.

Nhờ vậy, nhiều hiện vật, tư liệu giá trị như: con dấu của Hội Hưng Nam; cuốn gia phả họ Trần Tùng Ảnh; rương gỗ đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925; hình ảnh đồng chí Nguyễn Doãn Nguyên - người giúp việc cho Tổng Bí thư giai đoạn cuối năm 1930 - tháng 4/1931… đã được tìm về trưng bày, kể thêm nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vinh quang của đồng chí Trần Phú.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Cán bộ, nhân viên chăm sóc cảnh quan khu di tích.

Cũng có vinh dự được làm việc tại Ban quản lý, gần 10 năm nay, mỗi ngày làm việc của anh Võ Như Quỳnh (SN 1985) - di sản viên đều bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc rất muộn. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ hay những ngày kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cố Tổng Bí thư, nhiệm vụ càng vất vả hơn.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Anh Quỳnh giới thiệu hiện vật tại nhà lưu niệm.

“Chúng tôi bắt đầu công việc từ hơn 6h sáng từ vệ sinh các phần mộ, cảnh quan, kiểm kê hiện vật… để đến 7h, mọi việc đã tươm tất và sẵn sàng đón du khách. Khi mới về làm việc ở đây, tôi cũng rất lúng túng và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với nhiệt huyết, trách nhiệm của các đồng nghiệp, tôi luôn học hỏi để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” - anh Quỳnh bộc bạch.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày ngày, cán bộ Ban quản lý Khu di tích lại chăm sóc phần mộ Tổng Bí thư Trần Phú.

Bên cạnh chăm sóc khu di tích, bảo tồn, bảo quản, mỗi cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích Tổng Bí thư luôn quan tâm phát huy giá trị địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Là một trong những người hướng dẫn viên tại khu di tích, chị Thái Thị Diệu Thuý (SN 1980) đã có gần 20 năm làm “người kể chuyện” về Tổng Bí thư. Với niềm tự hào, vinh dự là người con của quê hương Trần Phú, cùng những kiến thức tìm tòi, học hỏi và chất giọng địa phương nhẹ nhàng, những lời kể của chị Thuý về Tổng Bí thư đi vào lòng du khách và để lại nhiều ấn tượng sâu đậm.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Hướng dẫn viên Diệu Thuý giới thiệu với du khách về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư.

Chị Thuý cho biết: “Tùy vào từng nhóm đối tượng với lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau, tôi lựa chọn những câu chuyện và cách kể khác nhau để mang đến ý nghĩa, giá trị nhất. Tôi tâm niệm, mình phải luôn nỗ lực trau dồi, cố gắng để mỗi một lần du khách về với khu di tích Tổng Bí thư, ngoài tri ân vị tiền bối cách mạng họ sẽ hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp vinh quang của người, từ đó bồi đắp lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội”.

Những người thầm lặng ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú luôn dành hết mọi tâm huyết, không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị di tích vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Không thể kể hết những công việc, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên ở Ban quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú. Có dịp được đến và nhìn ngắm khu di tích rộng lớn luôn sạch sẽ, trang nghiêm trên đồi Quần Hội, mỗi người sẽ hiểu phần nào và thêm trân quý những công việc thầm lặng mà những người như anh Thắng, anh Quỳnh, chị Thuý đang làm.

Những ngày này, khi rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức đang nghỉ kỳ lễ dài ngày thì với những người cán bộ, nhân viên ở Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú vẫn trực và làm việc. Công việc đặc thù nên đối với họ, ngày nghỉ lễ, tết là rất hiếm hoi. Bằng tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào khi làm “người trợ lý” đặc biệt của Tổng Bí thư, họ vẫn dành tâm huyết, không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị di tích vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.