Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từng phải vào viện cấp cứu vì những căn bệnh liên quan đến thuốc lá nhưng sau khi được chữa trị kịp thời, nghe lời khuyên của bác sỹ, nhiều người hút thuốc lâu năm ở Hà Tĩnh đã từ bỏ thói quen để sống khỏe mạnh.

Từng chịu hậu quả nặng nề khi mang các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, thậm chí có lúc suýt mất mạng do hút thuốc lá lâu năm, nhiều người dân ở các địa phương Hà Tĩnh đã từ bỏ thói quen xấu này.

Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

Phim chụp X-quang phổi của người hút thuốc lâu năm (những đốm trắng biểu hiện cho phổi bị tổn thương).

Đã 6 năm trôi qua nhưng ông P.B.N (64 tuổi, ở thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc, Can Lộc) vẫn còn nhớ rõ ký ức hãi hùng những ngày nằm trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh.

Ông P.B.N kể: “Dịp tháng 10/2015, tôi có triệu chứng đau đầu, ho liên tục, tức ngực khó thở, cứ nghĩ cảm cúm thông thường nên định đi mua thuốc uống. Không ngờ, bệnh tiến triển nhanh đến mức chỉ sau một đêm, sáng ra tôi rơi vào trạng thái bất tỉnh, phải đi cấp cứu”.

Thời điểm đó, tại BVĐK tỉnh, ông N. được gắn máy thở và nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu 3 ngày. Các bác sỹ chẩn đoán, ông bị cảm cúm biến chứng do phổi bị tổn thương nặng gây tắc nghẽn. Nguyên nhân là do ông đã hút thuốc lá trong thời gian dài. Bệnh lý của ông N. nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

6 năm nay, ông P.B.N. sống khỏe mạnh hơn nhờ từ bỏ thuốc lá. (Trong ảnh: Ông N. giúp con đưa đón cháu tới trường mỗi ngày)

Ông P.B.N. từng là một công nhân làm ở một xí nghiệp gạch ngói tại Can Lộc. Ông bắt đầu hút thuốc từ năm 20 tuổi. Thời điểm trước xẩy ra trận ốm, trung bình ông hút 1,5 gói thuốc trong một ngày. Việc hút thuốc nhiều khiến cơ thể ông gầy yếu và thường xuyên mệt mỏi, tuy nhiên, vì thói quen lâu năm, ông không bỏ được.

Sau khi được các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh tận tình cứu chữa và khuyên nhủ, ông N. đã từ bỏ thuốc lá. Cũng từ đó đến nay, sức khỏe ông được cải thiện rõ rệt, tăng cân, hết các trận ốm vặt. Qua kiểm tra sức khỏe định kỳ gần đây, phổi ông đã hồi phục hoàn toàn.

Ông N. chia sẻ: “Gần 40 năm hút thuốc lá, cũng có nghe các khuyến cáo về tác hại nhưng tôi không từ bỏ vì từng nghĩ sống chết có số. Sau trận ốm năm 2016, tôi mới thấy rõ những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của mình. Mặt khác, trong gia đình còn có các cháu nhỏ, việc từ bỏ thuốc lá là điều đúng đắn mà tôi đã làm được”.

Tương tự ông N, ông P.B.B. (70 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) cũng từng bị căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Hai năm nay, nhờ bỏ hút thuốc, sức khỏe ông B. đã dần được cải thiện.

Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

Ông P.B.B. và 2 tấm phim X-quang chụp phổi của ông khi còn hút thuốc lá (bên trái - phổi bị tổn thương nặng) và gần đây sau khi cai thuốc lá (bên phải - phổi đã dần hồi phục) .

Anh P.B.T. (con trai ông B.) cho biết: “Bố tôi có thâm niên hút thuốc lá gần 50 năm. Mặc dù ông bị bệnh COPD hành hạ nhiều năm nhưng con cái khuyên nhủ ông vẫn không bỏ hút. Mùa đông 3 năm trước, bệnh trở nặng, có lúc ông không thở được phải nhập viện cấp cứu. Kết quả chụp X - quang phổi, bác sỹ cho biết, phổi của bố tôi bị tổn thương nghiêm trọng, nếu tiếp tục hút thuốc bệnh sẽ khó chữa, nguy cơ tử vong cao”.

Sau cơn thập tử nhất sinh ấy, ông B. mới bắt đầu từ bỏ thói quen hút thuốc. Chia sẻ về quá trình cai nghiện thuốc lá của mình, ông B cho biết: “Theo lời khuyên của bác sỹ, điều đầu tiên là tôi thay đổi lối sinh hoạt và làm việc, chuyển thời gian thường hút thuốc sang làm việc khác. Ví dụ như: trước đây, tôi hay thức khuya nên thường hút nhiều, nay tôi sắp xếp thời gian đi ngủ sớm; thay vì buổi sáng thức dậy, ăn cơm xong, tôi ngồi hút thuốc rồi mới ra đồng thì nay, tôi dậy sớm hơn đi tập thể dục rồi về ăn cơm xong là ra đồng ngay... Cứ như thế, sau 1 - 2 tháng, tôi bắt đầu bớt hút và cai hẳn”.

Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

Ông P.B.B từ bỏ thói quen cũ và tìm kiếm công việc để làm nhằm quên cơn thèm thuốc ở giai đoạn đầu khi quyết tâm cai thuốc lá.

Nhờ bỏ hút thuốc lá, hai năm qua, sức khỏe của ông P.B.B. dần được cải thiện. Đặc biệt, ông không còn phải nhập viện bởi căn bệnh COPD mỗi khi mùa đông đến nữa.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà cho biết: "Hằng năm, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh nhân mắc các ca bệnh nặng có nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, như: viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi hay các bệnh liên quan tim mạch...

Trong đó, các ca bệnh COPD có nguyên nhân do bệnh nhân hút thuốc lá lâu năm chiếm 80 - 90%. Đây cũng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới hiện nay. Để tránh mắc căn bệnh này, hoặc đã mắc phải có cơ hội chữa trị kịp thời, cách tốt nhất là bệnh nhận phải từ bỏ hút thuốc lá”.

Những người vượt qua “cửa tử”, đoạn tuyệt với thuốc lá ở Hà Tĩnh

Người hút thuốc lá tuổi thọ bị giảm so với người không hút. Ảnh: Internet

Hút thuốc lá không chỉ gây ra hại cho người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh qua con đường hút thuốc thụ động. Việc từ bỏ thuốc lá để tạo môi trường trong lành nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng không chỉ là việc nên làm mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đó là lời cảnh báo, vận động của các bác sỹ đối với những người nghiện thuốc lá, tuy nhiên không phải ai cũng đủ nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm để từ bỏ thuốc lá.

Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, chiếm hơn 18% dân số. Đây là một con số đáng báo động, cần sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp, các ngành và ý chí của mỗi một cá nhân nghiện thuốc.

Tin liên quan:

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.
Yoga chệch chuẩn

Yoga chệch chuẩn

Mỗi người tập luyện yoga cần tìm hiểu, tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, quy tắc đảm bảo ANTT nơi công cộng để hình ảnh vốn rất đẹp đẽ của yoga không bị méo mó.
Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Việc ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp hỗ trợ não bộ, tim mạch, hệ miễn dịch, làn da khỏe mạnh... Và tư thế bạn ngủ cũng rất quan trọng. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe?