Ôtô ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt với người trẻ. Những công việc liên quan đến kỹ thuật cơ bản về ôtô không còn là của riêng thợ sửa chữa hay những người làm nghề lái xe chuyên nghiệp. Để an toàn và tiện lợi di chuyển hàng ngày, mỗi tài xế nên tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản khi ôtô gặp sự cố.
Thay lốp xe là một trong những kỹ năng đơn giản nhất vì thuần cơ học, tuy nhiên cũng có những lưu ý an toàn để việc thay thế trọn vẹn. Dưới đây là những nguyên tắc như vậy. Độc giả click vào từng ô để xem giải thích chi tiết.
Chèn bánh, khóa cửa, bật đèn cảnh báo nguy hiểm
Khi thay lốp dự phòng, tài xế cần đỗ xe ở nơi bằng phẳng nhưng vẫn lưu ý chèn bánh để tránh xe không dịch chuyển khi thao tác.
Bật đèn cảnh báo hazard hoặc nếu có biển báo nguy hiểm thì đặt cách xa xe vài chục mét khi phải đỗ ngoài đường, thông báo cho các phương tiện chủ động giảm tốc độ và chú ý tay lái.
Cuối cùng, khóa hết các cửa xe vì khi chăm chú thay lốp, rất có thể kẻ gian lợi dụng lấy cắp đồ đạc trên xe.
Vị trí đặt kích nâng xe
Kích là dụng cụ để nâng xe lên cao giúp tháo bánh xe ra khỏi trục. Để có thể nâng, kích phải đặt trúng phần khung xe chắc chắn, nếu đặt vào phần vỏ xe bằng nhựa sẽ gây dập, vỡ vỏ mà không thể nâng xe.
Tháo ốc theo đường chéo
Quy tắc khi tháo, lắp ốc bánh xe là theo đường chéo tức kiểu cánh sao như trong ảnh trên, không xoay thứ tự theo kim đồng. Cách tháo hoặc lắp ốc theo đường chéo sẽ giúp bánh xe không bị lệch về một bên nào đó mà vào, ra đều đặn ở mọi hướng.
Nguyên tắc ốc - kích - ốc
Là nguyên tắc để giúp tháo lốp dễ nhất và lắp lốp chặt nhất. Theo đó, khi tháo lốp bị xịt hơi cần nới lỏng các ốc bánh xe, sau đó nâng kích rồi mới vặn ốc ra hoàn toàn.
Ngược lại khi lắp bánh dự phòng, vặn ốc tới khi thấy chặt, rồi hạ kích để bánh xe bám vững mặt đường sau đó mới vặn chặt hoàn toàn và rút kích.
Đặt lốp dưới gầm xe
Khi chưa tháo lốp xịt, đặt lốp dự phòng xuống dưới gầm xe, đề phòng trường hợp khi tháo bánh rồi kích gặp vấn đề, cả xe sẽ đổ xuống thì vẫn có bánh dự phòng đỡ.
Lốp dự phòng có tác dụng tương đương lốp chính?
Sai. Lốp dự phòng thường không có chất lượng tiêu chuẩn như lốp chính. Thông thường lốp này chỉ chạy được khoảng tốc độ tối đa 80 km/h. Vì thế, sau khi thay lốp dự phòng, tài xế nên tới xưởng sửa chữa ngay để vá lốp và lắp lốp chính trở lại.
Tất nhiên có một số xe thiết kế lốp dự phòng giống hệt lốp chính về kích thước, hình dáng và phẩm cấp, tuy nhiên cũng không nên để lốp này đi thay lốp chính. Bởi lẽ, lốp dự phòng không có độ mòn mặt lốp tương đồng, dễ gây những tác động không đều khi vào cua, phanh gấp đường trơn trượt.