Những nội dung nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tập trung vào các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật.

nhung noi dung noi bat trong phien chat van bo truong tu phap

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nội dung chất vấn làm rõ các giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Nâng cao chất lượng đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Các Chương trình năm 2017, 2018 (đã được Quốc hội thông qua) và Chương trình năm 2019 (Tờ trình của Chính phủ số 43/TTr-CP, ngày 28/2/2018). Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phần lớn các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất được Quốc hội chấp thuận và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 718 văn bản, trong đó có 93 đề nghị và dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Mặc dù số lượng dự thảo văn bản lớn, nhiều văn bản có nội dung mới, phức tạp, nhưng Bộ Tư pháp đã cố gắng để bảo đảm tiến độ thẩm định. Đặc biệt, trong một số trường hợp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tập trung nguồn lực, rút ngắn thời gian thẩm định, như thẩm định các đề nghị xây dựng các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch; thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án lùi, rút khỏi Chương trình). Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật; có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đáng chú ý, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Ngoài ra, chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản...

Bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh

Để bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong đó tập trung thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi.

Các bộ, ngành cần đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản. Đối với các bộ, ngành có dự án phải xin lùi, rút trong thời gian qua thì cần rà soát, xác định rõ thứ tự ưu tiên để cân đối, bảo đảm phù hợp với nguồn lực, khả năng thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hóa bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực, chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

nhung noi dung noi bat trong phien chat van bo truong tu phap

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đến nay đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 9 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, số lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện, như chùm 50 nghị định quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; các văn bản quy định chi tiết một số luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và 1/1/2018 (Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Trợ giúp pháp lý...).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tính đến ngày 12/3/2018 còn nợ 22 văn bản quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua, một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản. Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

nhung noi dung noi bat trong phien chat van bo truong tu phap

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết. Các cơ quan cần dự kiến, đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Các bộ, ngành cần định kỳ và kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục; tiếp tục công khai tình hình soạn thảo, trình văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.