Các thi sỹ ở vùng bãi ngang Thạch Hà, từ trái qua: Hồ Văn Hùng, Trương Ngọc Ánh, Phạm Quỳnh Như, Lưu Văn Minh, Trương Minh Hưởng.
Một ngày đầu đông đầy nắng và gió, tôi cùng các anh đi dọc cầu Cửa Sót, Nam Giới - Quỳnh Viên, Đỉnh Bàn… để thêm một lần thu vào tầm mắt vẻ đẹp non nước, đồng đất quê hương đã cho các anh biết bao kỷ niệm trong trẻo thời ấu thơ và giờ đây đang chắp cánh cho những vần thơ bay lên.
Vùng quê lam lũ, cát trắng khô cằn ngày nào nay đang mở ra bức tranh tươi mới, đẹp đẽ khi cầu Cửa Sót như chiếc lược khổng lồ vắt qua sông, chuyên chở no ấm, niềm vui. Dưới chân cầu, bức tranh NTM hiện ra đủ sắc màu. Trước mặt là Nam Giới, Minh Sơn sừng sững một bức tường thành. Chuyện đời, chuyện quê, chuyện thơ cứ thế sôi nổi dọc đường và nhất là bên bến đò Nam Tiến, xã Đỉnh Bàn, nơi có ngôi nhà tuổi thơ của anh Lưu Văn Minh.
Người nhiều tuổi nhất là Phạm Quỳnh Như (SN 1947). Lâu nay, giới văn nghệ sĩ Hà Tĩnh vẫn quen gọi anh là Quỳnh Như. Mái tóc bạc, nụ cười hiền là hình ảnh điển hình của thi sỹ quê Thạch Trị. Anh từng tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải, công tác ở Xí nghiệp Công trình 1, Bộ Giao thông vận tải. Chàng kỹ sư cầu đường bén duyên cùng thơ đã tròn 40 năm.
Thi sỹ Quỳnh Như (thứ 3 từ trái sang) cùng các bạn thơ bên biển quê hương.
Anh đã có 4 tập thơ được xuất bản, trong đó có 2 tập được giải thưởng Văn học Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh. CLB thơ Quỳnh Viên huyện Thạch Hà do Quỳnh Như làm Chủ nhiệm với 40 thành viên. CLB đã lập “Nhóm bút Quỳnh Viên” sáng tác hàng chục năm nay. Đây là nhóm bút do cụ Hoàng Minh Khoa ở Thạch Khê lúc sinh thời làm chủ bút, sáng tác nhiều thể loại, đã từng xuất bản 8 tập thơ. Quỳnh Như hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Thạch Hà. Thơ anh đậm chất đồng quê, thấm đẫm phong vị quê hương và bao nhọc nhằn của người mẹ:
Ngày thu vén cánh đồng mẹ lần hầu bao
Nhấm nháp nỗi buồn vui năm tháng
Gánh lúa trên vai - gánh hai đầu úng hạn
Hạt cốm nở trắng ký ức con
(Mùa gặt)
Sinh ra và lớn lên trong ngôi làng Nam Tiến, xã Đỉnh Bàn, sát chân sóng sông Rào Cái, Trương Ngọc Ánh và Lưu Văn Minh đều chung tuổi thơ lội rào, đục hàu, bắt cá, chung cái đói dắt deo, những buổi chạy bộ đến trường và thời thanh niên sôi nổi. Ngọc Ánh (SN 1958) hơn Lưu Minh 4 tuổi nhưng cùng chung trường cấp một, cấp hai.
Thi sỹ Lưu Minh bên biển quê hương.
Đến nay, Lưu Minh vẫn thuộc lòng những câu thơ của đàn anh thời niên thiếu. Sau khi rời quân ngũ, Ngọc Ánh vào học Trường Đại học Sư phạm Vinh, trở thành thầy giáo dạy Lịch sử, rồi về Bảo tàng Hà Tĩnh; Lưu Minh học ngành ngân hàng, trở thành Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh.
Nợ duyên với thơ, với nghề viết, Ngọc Ánh về làm biên tập viên chương trình Văn nghệ Đài PT-TH Hà Tĩnh. Anh đã xuất bản 2 tập thơ. Lưu Minh dù không theo nghiệp thơ văn nhưng chung một bến đò, một dòng sông, một không gian sóng nước và tình yêu quê hương tha thiết, thơ đã đến với anh, như tiếng lòng không thể không cất lên. Hai người bạn láng giềng vì thế càng thêm khăng khít.
Thi sỹ Trương Ngọc Ánh.
Thơ Trương Ngọc Ánh vừa có chất sử thi, man mác, hoài cổ, vừa có dư âm sóng nước, màu trời, tiếng reo vui của lòng người với ngôn từ được trau chuốt kỹ lưỡng, đặc biệt là những bài thơ lục bát về quê hương, đất nước, về các danh nhân Hà Tĩnh, về vùng đất Nam Giới - Quỳnh Viên, Cồn Sò:
Vẫn nguyên dáng ngang trời trầm mặc
Nam Giới linh thiêng trong cõi hồn người
Vẫn còn bóng Chiêu Trưng Vũ mục
Gươm ném nghìn tầm dậy sóng trùng khơi
(Nam Giới)
Thơ Lưu Văn Minh nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc, như mạch nước ngầm, như tiếng sóng vỗ vào mạn đò trước nhà anh, miên man, không ngừng nghỉ. Hồn quê theo năm tháng không hề vơi cạn mà luôn thổn thức trong anh:
Tình quê đau đáu hồn lữ thứ
Chương Đài khắc khoải mộng Nam Kha
Tuyết sương mấy độ trăng suông lạnh
Thổn thức hồn quê lệ ướt nhà
Mơ được trở về nơi bến cũ
Trông vời con nước… gọi đò qua
(Tình quê)
Anh tâm sự: “Tôi tha thiết yêu mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên, từ gốc tre, mái nhà, dòng sông, bến đò… với bao kỷ niệm. Hình ảnh con đò xuất hiện trong thơ tôi là hình ảnh thực”.
Cùng đàm đạo thi ca bên bến đò chiều ấy còn có 2 gương mặt mới - những thi sỹ nông dân “chính hiệu”. Họ lớn lên từ vùng đất bãi ngang, thấm hết cái mặn mòi của sông nước và ngày ngày cần mẫn trải màu xanh lên những cánh đồng khô cằn. Đó là Trương Minh Hưởng (xã Đỉnh Bàn) và Hồ Văn Hùng (xã Thạch Lạc).
Thi sỹ Trương Minh Hưởng.
Đây là 2 cái tên mới xuất hiện trên báo địa phương vài ba năm nay. Vẻ chân mộc của các anh trong đời thường và tâm hồn hòa điệu cùng quê hương, đất nước, những câu thơ dù còn đôi chỗ vụng về nhưng rất hồn hậu, chân thật của các anh khiến tôi trân trọng. Hồ Văn Hùng chia sẻ: “Tôi sinh năm 1958, lớn lên, sau khi hết nghĩa vụ quân sự, tôi về làng làm nông dân. Yêu thơ, sau những ngày nhọc nhằn bươn chải, tôi lại cầm bút viết. Tôi học cùng lớp với Trương Ngọc Ánh, một lần tình cờ gặp lại, chia sẻ chuyện viết thơ, anh Ánh đã giúp tôi biên tập lại những bài thơ và gửi lên Báo Hà Tĩnh. Được báo đăng, tôi vô cùng phấn khởi, thêm động lực để sáng tác”. Rồi anh đọc cho mọi người nghe mấy câu trong bài “Đường quê”:
Trời thu dìu dặt sáo diều
Tiếng thu vọng với câu Kiều mẹ ru
Vườn ai xanh mướt như tơ
Lúa đồng xanh giữa đôi bờ trong veo
Thuyền ai xuôi nhẹ mái chèo
Nhà ai ngói mới vươn theo nắng hồng
Trương Minh Hưởng là người trẻ nhất trong hội tao đàn hôm ấy. Anh sinh năm 1970, từng là Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, nay là chủ hồ nuôi trồng thủy sản. Anh bắt đầu làm thơ từ năm 2020 nhưng đã có được “gia tài” 40 bài. Cảm xúc tức thời khiến anh viết rất nhanh, chủ yếu là thơ lục bát. Anh cũng được đàn anh Trương Ngọc Ánh góp ý và biên tập trước khi gửi báo, tạp chí. Bên bến đò thân thuộc, anh say sưa đọc những vần thơ của mình:
Bâng khuâng chạnh nhớ năm nào
Thao thức khi tiếng lao xao canh gà
Đường làng rộn tiếng người qua
Đò thương bến tiễn đi xa bao người
Mười năm bến vắng đò ơi!
Không còn đưa tiễn người người qua sông
(Nhớ bến đò xưa)
Đúng như Trương Minh Hưởng viết, bến đò Nam Tiến giờ chỉ còn là nơi lưu giữ ký ức, bởi cầu Cửa Sót đã sừng sững bắc qua sông. Nhưng tôi biết, con đò, dòng sông, những cánh đồng cát trắng ven biển ấy đã và mãi là cảm hứng cho họ viết nên những bài thơ.