Những thông điệp từ cuộc tập trận quy mô lớn Vostok 2022 ở Nga

Bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, Nga vẫn điều hàng chục nghìn binh sĩ về phía Đông để tham gia cuộc tập trận Vostok 2022. Đây được coi là một tín hiệu rõ ràng cho phương Tây.

Những thông điệp từ cuộc tập trận quy mô lớn Vostok 2022 ở Nga

Tàu chiến của Hải quân Nga. Ảnh: RIA Novosti

Sau nhiều tuần chuẩn bị, Nga đã khởi động cuộc tập trận Vostok 2022. Trong vài ngày tới, lực lượng không quân, lính dù và các đơn vị khác sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu trên hàng chục thao trường huấn luyện quân sự ở Nga, thông qua các cuộc tập trận được tổ chức ở Siberia, vùng Viễn Đông, Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản.

Trong khi Moskva giữ bí mật về số lượng quân chính xác, khoảng 50.000 binh sĩ, 140 máy bay và 60 tàu chiến được cho là sẽ tham gia Vostok 2022. Các cuộc tập trận năm nay có quy mô nhỏ hơn năm 2018, nơi Moskva đã cử khoảng 300.000 binh sĩ tham gia các cuộc tập trận, con số cao nhất từng được huy động kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nhiều quốc gia khác cũng tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn tại Nga, thu hút sự chú ý rộng rãi của quốc tế. Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 1/9, thông điệp rất rõ ràng từ cuộc tập trận năm nay: Nga muốn báo hiệu với phương Tây rằng họ vẫn có các đồng minh và đối tác mạnh mẽ để tổ chức các cuộc tập trận lớn bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, Trung Quốc là đối tác mạnh nhất của Nga tại cuộc tập trận Vostok 2022. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã không khiến Bắc Kinh rút khỏi cuộc tập trận năm nay khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei cho biết: “Việc quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị và thiết thực với quân đội các nước tham gia, nâng cao mức độ phối hợp chiến lược và tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa an ninh khác nhau”.

Đầu tuần này, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu triển khai lực lượng đến Primorsky Krai, thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Đây không phải là cuộc tập trận đầu tiên của Nga và Trung Quốc kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Vào tháng 5, Nga và Trung Quốc đã cử máy bay ném bom tập trận chung quanh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với Ấn Độ, tham gia cuộc tập trận Vostok 2022 được coi là một hành động cân bằng của New Delhi. Giống như Trung Quốc, nước này đã tránh phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Trong khi Ấn Độ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nước này cũng duy trì hợp tác chặt chẽ với Nga. Chẳng hạn, Ấn Độ đã mua một lượng lớn dầu của Nga kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng tham gia hợp tác quân sự với Mỹ. Vừa mới đây, binh lính Ấn Độ và lính đặc nhiệm Mỹ đã cùng nhau huấn luyện gần biên giới Trung Quốc.

Vài tuần trước, các hãng truyền thông Ấn Độ bắt đầu đưa tin về quân đội Ấn Độ dự kiến tham gia Vostok 2022. Cả hai quốc gia, Nga và Ấn Độ, đều có lịch sử hợp tác quân sự và mua bán vũ khí lâu dài. Có tin đồn cho rằng Ấn Độ có thể muốn mua một máy bay ném bom tầm xa siêu thanh của Nga.

Mặc dù vậy, đóng góp của Ấn Độ cho Vostok 2022 sẽ bị hạn chế. Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng không quá 75 binh sĩ Ấn Độ có thể tham gia cuộc tập trận. Năm ngoái, Ấn Độ đã điều động lực lượng tới cuộc tập trận Zapad của Nga ở phía Tây nước này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết không quá 250 binh sĩ từ một lữ đoàn cơ giới hóa sẽ tham gia cuộc tập trận Vostok.

Ngoài ra, tham gia cuộc tập trận năm nay tại Nga còn có Tajikistan và Mông Cổ. Xét cho cùng, cả hai quốc gia đều duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Moskva và phụ thuộc vào Nga về mặt kinh tế. Sự tham gia của Mông Cổ cũng có thể xuất phát từ mong muốn thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng khác là Trung Quốc.

Bên cạnh biểu tượng chính trị về sự tham gia của họ, Tajikistan và Mông Cổ cũng muốn đánh giá chất lượng vũ khí và sức mạnh quân sự của Nga trên thực tế.

Theo baotintuc

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.