Các trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh làm nhiệm vụ bào chữa cho Trần Huy Hoàng (SN 1998, trú phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh) và đồng bọn bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử về tội Giết người diễn ra vào ngày 14/2/2020.
Hơn 1 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại hoàn cảnh của bị cáo Đ.A.T (SN 2001, trú tại TX Hồng Lĩnh, bị truy tố về tội trộm cắp tài sản), anh Nguyễn Quốc Tuấn (hiện là Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) vẫn nhớ mãi...
Quá trình tìm hiểu vụ án, anh Tuấn thấy hành vi phạm tội của bị cáo vị thành niên xuất phát một phần từ hoàn cảnh khá éo le. T. không có cha, mẹ bị bệnh và không ở nhà. T. lớn lên dưới sự bao bọc của bà ngoại đã nhiều tuổi.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Đ.A.T bị xử phạt mức án 7 tháng tù giam về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, nhận thấy bản án chưa phù hợp với chính sách khoan hồng của Nhà nước dành cho người chưa thành niên; trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn gia đình kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cho T. được hưởng án treo.
Để bà ngoại T. có thể vào TP Hà Tĩnh dự phiên xử cùng cháu, anh Tuấn đã hỗ trợ bà tiền xăng xe, bồi dưỡng sức khỏe để bà có cơ hội làm người đại diện cho cháu trước pháp luật. May mắn thay, những nguyện vọng của gia đình T. và anh Tuấn được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận, 6 tháng tù treo là mức án cuối cùng được đưa ra.
Bằng tình cảm, trách nhiệm, trợ giúp viên pháp lý Đinh Thị Hiền quyết cùng gia đình N.C.T tìm lại cho N.C.T những quyền lợi được pháp luật bảo vệ, giúp bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Đối với trợ giúp viên pháp lý Đinh Thị Hiền - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, vụ án N.C.T. (SN 2001, thường trú tại TX Hồng Lĩnh) - đối tượng bị các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử về tội “Giết người” để lại trong lòng chị nhiều nỗi niềm trăn trở nhất.
Quá trình tham gia tố tụng, gia đình bị hại nhiều lần yêu cầu phía bị cáo bồi thường thiệt hại và việc bồi thường phải được tiến hành ngay mới đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy vậy, dù đã vất vả ngược xuôi vay mượn để con được hưởng tình tiết khoan hồng của pháp luật, nhưng số tiền bồi thường vẫn quá sức đối với gia đình bị cáo. Chứng kiến cảnh đôi mắt trũng sâu của mẹ bị cáo do mất ngủ trong thời gian dài, sự tuyệt vọng trên khuôn mặt người bố và cả nỗi sợ hãi, dằn vặt của T., chị Hiền không thể để gia đình bị cáo bỏ cuộc.
Trong mỗi phiên xử, trợ giúp viên pháp lý là chỗ dựa tinh thần cho các bị cáo chưa thành niên, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn...
Sau nhiều đêm suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng và dù cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng chị Hiền vẫn đứng ra vay mượn, quyên góp số tiền 5 triệu đồng để T. bồi thường cho bị hại.
Tại phiên xử, gia đình bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho T. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bên liên quan, tòa án đã tuyên phạt N.C.T mức án 26 tháng tù giam.
Bằng lập luận chặt chẽ và đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, sự có mặt của trợ giúp viên pháp lý góp phần giúp phán quyết của HĐXX “thấu tình đạt lý”.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện những trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh ngày ngày vẫn lặng thầm thực hiện.
Tấm lòng nhân ái của các trợ giúp viên pháp lý đã giúp đối tượng nhận ra được lỗi lầm để sống tốt hơn, cải tạo tốt sớm làm lại cuộc đời.