Những ngày này, thầy cô giáo ở các trường học trên địa bàn Hương Sơn đang gấp rút thực hiện các hoạt động chỉnh trang trường lớp để đón chào năm học mới. Ở nhiều ngôi trường được bổ sung CSVC, những tốp thợ đang được tăng cường thêm nhân lực, chia ca kíp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình.
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn chia sẻ: “Là địa bàn vùng biên, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên với Hương Sơn, việc xây dựng CSVC trường lớp, tạo điều kiện ổn định việc dạy học luôn là khao khát của những người làm công tác giáo dục. Từ yêu cầu thực tiễn, những bước đi của ngành Giáo dục Hương Sơn đã được tiếp sức bởi sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của Nhân dân. Dù nguồn ngân sách còn hạn chế, cuộc sống của người dân miền núi còn khó khăn nhưng đầu tư cho giáo dục vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu”.
Theo đó, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, trung bình ngành Giáo dục Hương Sơn đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để củng cố CSVC trường lớp, trong đó đặc biệt quan tâm đến các trường học vùng biên. Chỉ tính riêng từ năm 2022 trở lại đây, các trường vùng biên của huyện đã được đầu tư xây dựng 160 phòng học, phòng chức năng với kinh phí gần 140 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương, nhà trường cũng đã tổ chức kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm và các nhà tài trợ để bổ sung trang thiết bị dạy học, mua sắm nội thất phòng học, phòng làm việc, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến nay, toàn huyện có 62/62 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 24 trường đạt chuẩn mức độ 2. Riêng các trường vùng biên có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đã không còn những nỗi lo lắng bất an của thầy trò mỗi khi mùa mưa bão đến. Sự quan tâm, dồn sức chăm lo cho giáo dục của người dân, của chính quyền địa phương và sự chỉ đạo chuyên môn sát sao của ngành là động lực để thầy cô giáo, HS vùng biên thêm phần cố gắng.
Thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng TH&THCS Sơn Hồng chia sẻ: “Đón năm học mới ở trường vùng biên chúng tôi là niềm vui lớn khi dãy nhà học mới và sân bóng đá với tổng đầu tư hơn 10 tỷ đồng sẽ được đưa vào sử dụng. Niềm vui càng được nhân lên bởi năm học qua, với tâm huyết và nỗ lực vượt bậc của đội ngũ giáo viên và học sinh, trường đã đạt được kết quả vượt bậc. Tỷ lệ đậu vào các trường công lập là 92%, trong đó điểm bình quân môn Ngữ văn là 8,75; môn Toán là 7,44 và môn Tiếng Anh là 6,01. Trường có 2 HS đạt giải quốc gia cuộc thi An toàn giao thông và 2 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh. Lần đầu tiên, trường có 1 HS đậu vào lớp chuyên Tin - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh”.
Sự quan tâm, kỳ vọng của địa phương, của các bậc phụ huynh và tinh thần ham học hỏi của HS đã tạo động lực, tiếp lửa để các thầy cô giáo không ngừng cố gắng. Từ những giáo viên cốt cán, những nhân tố đi đầu trong đổi mới giáo dục, phong trào tự học, tự bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao trình độ, năng lực... đã lan tỏa khắp 62 trường từ vùng trung tâm thị trấn đến vùng biên.
Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình trong công tác quản lý, trong dạy học, đổi mới giáo dục như: cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây; thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Sơn Hồng; thầy Lê Huy Chinh - giáo viên Trường Tiểu học Sơn Kim 2; thầy Nguyễn Văn Cường - giáo viên Trường TH&THCS Sơn Hồng… Và rất nhiều những tấm gương cán bộ, giáo viên tiêu biểu khác tại các trường học đang ngày đêm lặng thầm cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”.
Theo số liệu từ Phòng GD&ĐT huyện, năm học 2023-2024, toàn huyện có 95 HS đạt giải cấp tỉnh các môn văn hóa, trong đó có 9 giải nhất, 26 giải nhì, 42 giải ba và 18 giải khuyến khích. Trong số đó, nhiều trường học ở vùng biên đã có sự bứt phá về chất lượng mũi nhọn. Đó là các trường: THCS Sơn Kim với 12 HS giỏi tỉnh, THCS Sơn Tiến 8 em, THCS thị trấn Tây Sơn 14 em, THCS Sơn Tây có 18 em...
Bên cạnh sự đột phá về chất lượng mũi nhọn, chất lượng đại trà tiếp tục ổn định và phát huy, kết quả tuyển sinh năm học 2023-2024, Hương Sơn là 1 trong 5 đơn vị trên toàn tỉnh được Sở GD&ĐT tặng giấy khen.
Song song với các hoạt động bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đại trà, việc phát huy năng lực, phẩm chất người học cũng được khơi dậy trong mỗi giờ giảng bằng cách tăng cường sự tương tác của HS qua các hình thức dạy học mới.
Cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây cho biết: “Để phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS, thời gian qua chúng tôi đã tăng cường sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, làm chủ công nghệ thông tin và đưa công nghệ thông tin vào phục vụ các bài giảng. Cùng với đó, việc đa dạng hóa các sân chơi, hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống văn hóa, thành lập các câu lạc bộ năng khiếu: tiếng Anh, dân ca ví giặm, TDTT… không chỉ giúp HS rèn luyện kỹ năng mềm mà còn tạo môi trường thân thiện, hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui”.
Không khí năm học mới đã tràn ngập trên khắp các ngôi trường trên vùng biên giới với những sắc màu rực rỡ. Sự quan tâm, kỳ vọng của toàn xã hội, kết quả của năm học qua sẽ là động lực, là niềm tin để hơn 22.000 giáo viên, HS Hương Sơn vững tin bước vào năm học mới.