Huy động được 851.380 tỷ đồng cho nông thôn mới
Báo cáo Kết quả giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt |
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới tạo được diện mạo tốt, nhất là ở vùng sâu vùng xa, tạo sự ổn định về đời sống chính trị, nâng cao đời sống và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Bên cạnh đó cũng cần ghi nhận sự cố gắng của những xã đang phấn đấu trở thành nông thôn mới, những nơi mới chỉ phấn đấu được vài tiêu chí.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Việt, các tiêu chí đề ra còn máy móc, dập khuôn, vô hình chung làm nhiều vùng sâu vùng xa nhụt chí, nhìn vào tiêu chí không dám làm. Do đó cần nghiên cứu chỉnh sửa tiêu chí.
“Tôi thấy có nóng vội, phong trào và chạy theo thành tích. Để có 19 tiêu chí nhằm được công nhận nông thôn mới thì nóng vội, làm cho được. Tư tưởng đội ngũ cán bộ ở dưới nặng về xin tiền chứ chưa nghĩ cách tìm ra giải pháp hiệu quả, chất lượng mà tiêu ít tiền” – ông Võ Trọng Việt nói.
Bày tỏ “chạy theo xây dựng nông thôn mới thì rất là gay”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhấn mạnh, với một đất nước có đến 70% dân sống ở nông thôn thì xây dựng nông thôn mới là cần thiết, nhưng cần có tư duy mới và cái đích cuối cùng là cuộc sống phải được nâng cao.
“Tuy nhiên, tôi thấy bộc lộ một số vấn đề như quan hệ sản xuất là yếu tố quan tọng để sản xuất bền vững thì lại chưa có nền tảng. Có mâu thuẫn là chúng ta tập trung cho hạ tầng nhưng quy hoạch lại chưa tốt, mà lãng phí lớn nhất của ta là lãng phí quy hoạch, xây xong bỏ đó, đường xây không ai đi” – ông Tuý băn khoăn.
Không công nhận nếu có nợ đọng?
Báo cáo giám sát thẳng thắn nêu rõ, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Mặc dù, số nợ đọng này chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Từ phân tích trên, báo cáo giám sát kiến nghị rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn.
“Không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản” – Đoàn giám sát kiến nghị.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Xử lý dứt điểm nợ đọng trong 2017 là khó khả thi |
Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng yêu cầu “giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017” là khó khả thi. Với các tỉnh nghèo thì kiến nghị này càng khó thực hiện, khó giải quyết nợ một cách dứt điểm.
Dẫn số liệu cho thấy hầu hết các địa phương đều nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ là vấn đề nợ ít hay nợ nhiều, ông Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý: “Kiến nghị không xem xét công nhận là rất khó. Sau 1 năm không xử lý được nợ thì xem xét lại thế nào, có thu lại được không? Cái này hoàn toàn không khả thi, cần xem lại”.
Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh nêu quan điểm: “Số nợ trong tổng thể là không lớn nhưng phải xem khoản nợ nào là lành mạnh, nợ nào làm thất thoát, tiêu cực thì phải chấn chỉnh. Đáng lẽ sang năm đạt tiêu chuẩn mà năm nay vay tiền để đạt cũng không nên nặng nề. Nhiều địa phương nợ trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy không có nghĩa là làm thất thoát hay ăn của dân”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề: Nguồn lực ở đâu để giải quyết nợ đọng trong năm 2017? Việc xem xét công nhận hay rút lại công nhận cũng cũng không thực tế mà nên đánh giá, bình chọn thực chất, đúng thực tế.
“Xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, bền bỉ thì mới đạt, không nên nóng vội, huy động quá sức dân. Bài học là phải nêu cao trách nhiệm cấp uỷ, chính quyền cơ sở, bộ ngành; phát huy sức mạnh toàn dân; dân chủ để dân bàn, dân quyết. Huy động sức mạnh tổng hợp nhưng phải trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên vì nguồn lực có hạn” – ông Uông Chu Lưu nêu ý kiến.