Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Quản lý, sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đúng mục đích, hiệu quả, Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tạo dựng nhiều mô hình kinh tế, giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống để tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở sản xuất tăm tre đặt tại trụ sở của hội ở thị trấn Cẩm Xuyên hiện có 12 lao động là người mù, người khuyết tật làm việc. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 3 tấn tăm, cung cấp cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Cơ sở sản xuất tăm tre của Hội Người mù Cẩm Xuyên tạo việc làm cho nhiều hội viên.

Chủ tịch Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Hà cho biết: “Được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, lượng sản phẩm tiêu thụ hàng năm của hội cơ bản ổn định. Mỗi năm, nguồn thu từ tiêu thụ tăm tre khoảng trên 300 triệu đồng, giúp hội viên có thu nhập, hội có nguồn kinh phí để hoạt động”.

Ngoài mô hình sản xuất tăm tre, hội còn thành lập thêm cơ sở tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Nguồn thu từ tiêu thụ tăm tre giúp hội viên có thu nhập, hội có kinh phí hoạt động.

Bên cạnh thành lập các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho hội viên, hội còn giúp đỡ nhiều hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay từ quỹ để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đinh Viết Sỹ - thôn Bình Thọ, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) được biết đến là một người đàn ông có nghị lực phi thường. Ông không may mắn khi đôi mắt bị mù hoàn toàn nhưng bằng nghị lực, sự động viên về tinh thần và hỗ trợ vật chất của tổ chức hội, từ bàn tay trắng, ông Sỹ đã gây dựng nên cơ ngơi mà bao người mơ ước.

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Cán bộ Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên thường xuyên thăm hỏi, động viên ông Đinh Viết Sỹ (bên trái).

Từ năm 1994, bằng những đồng vốn vay đầu tiên của quỹ, ông Sỹ đã đầu tư chăn nuôi bò, gà, làm ruộng... Được hội tạo điều kiện đi học chữ Braille, tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, cùng với các kiến thức tự học, vợ chồng ông đã chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi, cây trồng.

Với số vốn vay xoay vòng, lãi suất thấp, ông tiếp tục đầu tư tái đàn, phát triển sản xuất hiệu quả. Có những thời điểm, ông nuôi 3 con bò, 14 con lợn, hàng trăm con bồ câu, gà vịt và làm 12 sào ruộng.

“Thu nhập bình quân hằng năm của gia đình tôi khoảng 130 triệu đồng; cuộc sống giờ khá giả hơn trước rất nhiều. Xây được căn nhà mới khang trang, nuôi con khôn lớn trưởng thành, tôi không còn tự ti mình là người khuyết tật nữa” - ông Sỹ chia sẻ.

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Bằng việc đầu tư chăn nuôi, làm ruộng, gia đình ông Sỹ có thu nhập ổn định, cuộc sống đổi thay.

Cũng không chịu đầu hàng số phận, ông Lê Hữu Hợi (thôn Mỹ Yên - xã Cẩm Mỹ) là một tấm gương sáng về ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ông Lê Hữu Hợi từng tham gia quân ngũ, do ảnh hưởng của chất độc ở chiến trường, khi trở về địa phương, đôi mắt của ông mờ dần rồi không còn nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, ông may mắn khi có sự chia sẻ, đồng hành của người vợ tảo tần.

Gia cảnh nghèo khó, lại đông con nên ông phải mò mẫm tự làm mọi việc và trăn trở tìm hướng làm ăn để thoát nghèo. Vợ chồng ông mạnh dạn vay mượn bạn bè, người quen để đầu tư nuôi 6 con bò cái. Nhờ học hỏi kỹ thuật chăm sóc, bò của gia đình ông phát triển tốt.

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Ông Lê Hữu Hợi dự định đầu tư phát triển đàn vật nuôi bằng số tiền vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên.

Với mong muốn tiếp tục phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững, ông Lê Hữu Hợi làm đơn xin vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên. Hiện nay, hội đã hoàn tất thủ tục cho ông, nguồn vốn đang trong quá trình chờ giải ngân. Ông Hợi chia sẻ: “Tôi được giải quyết cho vay 50 triệu đồng. Với số vốn này, gia đình tôi sẽ tiếp tục tái đàn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Trong 30 năm (1992 - 2022) thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế và giúp gần 1.000 lượt hội viên được tiếp cận nguồn vốn với số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn vay từ quỹ được phân bổ, hội còn linh hoạt huy động các nguồn lực khác để giúp gần 130 lượt hội viên vay; đào tạo nghề, tạo việc làm cho 340 người; làm mới, sửa chữa 21 ngôi nhà; tặng quà, khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt hội viên...

Nỗ lực giúp người mù ở Cẩm Xuyên tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế

Linh hoạt huy động nguồn kinh phí, Hội Người mù huyện thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Hà cho biết: “Với những nỗ lực của các cấp hội, cuộc sống của hội viên đã bớt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn 13,6% (trước thời điểm thành lập hội năm 1993 là 70%); nhiều hội viên đã làm được nhà ở kiên cố, công trình vệ sinh khép kín, chuồng trại chăn nuôi chắc chắn, gọn gàng, đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới; kinh tế khá giả, có điều kiện nuôi dạy con cái học hành thành đạt”.

Với những kết quả đã đạt được, Hội Người mù huyện Cẩm Xuyên nhiều năm được nhận bằng khen của Hội Người mù Việt Nam, giấy khen của Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh...

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.