- Thưa NSND Hồng Lựu, được biết, chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát dân ca ở Thanh Chương (Nghệ An), hẳn những người thân và bà con lối xóm đã để lại trong chị những dấu ấn sâu đậm về Ví, Giặm?
Khi còn nhỏ, tôi vừa được bà và mẹ hát ru, vừa được cha dạy hát ví. Cha sáng tác cho tôi những bài dân ca, những hoạt cảnh minh họa kế hoạch thực hiện phong trào “bắt bướm trừ sâu” ở tuổi học trò. Đến giờ, tôi vẫn không thể quên câu ví đầu tiên cha dạy: “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát”. Câu hát đó như là sự tái hiện không gian vùng quê của tôi. Quê tôi bên dòng sông Lam, chiều tối, thường nghe bà con, cô bác, các anh chị hát đối đáp từ bên này sông sang bên kia sông rất hay. Hằng đêm, dịp nghỉ hè, tôi thường đi hát đối đáp. Hồi ấy, làng tôi có rất nhiều người hát hay, hát chuẩn. Chính vì những lý do này mà xã ít khi mời văn công về biểu diễn. 4 tuổi, tôi đã đứng trên sân khấu, khi đó, đoàn văn công về biểu diễn cho đơn vị hậu cần đóng trên địa phương.
- Khi trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp, câu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên sân khấu liệu có khác với Ví, Giặm mà bố, mẹ, người thân đã hát ở quê hay không, thưa chị?
Không, không khác. Trong Hồng Lựu, hai yếu tố này bổ trợ nhau. Để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp phải học hỏi rất nhiều, nhất là từ các nghệ nhân và sách vở của các nhà nghiên cứu, các bản nhạc. Khi đi biểu diễn tại các vùng quê, tôi thường tìm đến các làng xóm để sưu tầm và nghe người dân hát. Số lượng người hát lúc đó rất nhiều. Nhiều người hát rất chuẩn, luyến láy, hay lắm. Đi nhiều nơi, tôi nghe nhiều người hát cùng một câu và tôi tiếp nhận những cách luyến láy đằm sâu, đến nơi, đến chốn. Bởi thế, chuyên nghiệp là chắt lọc cái tinh túy nhất của các nghệ nhân. Bản thân các nhà nghiên cứu cũng căn cứ vào nhiều người hát để ký âm thành một bản nhạc chung. Ở môi trường chuyên nghiệp, câu ví được chắt lọc nên đẹp hơn, vừa lược bỏ được những câu bị chênh hoặc thô, vừa rất thuận lợi để quảng bá. Từ đây, hàng năm, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ đã thực hiện 200- 220 buổi biểu diễn, rồi quảng bá trên kênh VTV1 Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh truyền hình địa phương…
- Thưa chị, khi môi trường diễn xướng của Ví, Giặm thay đổi, liệu tính chất của câu hát có thay đổi không?
Vừa có, vừa không. Có là ngày trước ông bà làm nghề thủ công, dệt vải, đời sống khó khăn nên hát cứ chậm, buồn. Ngày nay, đời sống kinh tế thị trường, người ta khó chấp nhận sự chậm rãi đó. Vì thế, những người trẻ tuổi thường hát nhanh hơn. Tất nhiên, phải đảm bảo đúng về luyến láy, trầm bổng. Điều này có liên quan đến môi trường, tâm trạng của con người trong môi trường ấy. Tức là cái này không thể thay đổi. Chẳng hạn: khi ru con thì khác với khi hát ghẹo, hát đò đưa sông Lam phải khác đò đưa sông La, hát khi thả thuyền bơi phải khác khi chèo thuyền nước ngược... Nói tóm lại, người Nghệ hát là để lắng lại chứ không phải để bay đi. Người hát phải hiểu tính chất từng công việc, khí chất con người, đặc điểm từng vùng quê thì mới hát được Ví, Giặm đúng và hay.
- Là người có nhiều đóng góp và trăn trở đối với Ví, Giặm, theo chị, chúng ta cần làm gì để phát huy giá trị của di sản trong cộng đồng?
Phát huy giá trị của di sản trong cộng đồng là công việc phải làm liên tục và mạnh mẽ. Trong hồ sơ trình UNESCO có mục “cam kết của chính quyền và cộng đồng”. Nếu chỉ chính quyền hoặc người dân thì không thể làm được. Vì thế, chính quyền phải có cơ chế để tạo cân bằng, kích thích phong trào phát triển, nhất là các CLB, nếu để tự phát sẽ không bền vững. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của nhà trường, bởi nhà trường là bảo tàng quý giá. Nên chăng, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cần sớm đưa Ví, Giặm vào trường học và phải coi là môn học chính thống như âm nhạc, chứ không nên chỉ coi là chương trình ngoại khóa. Tôi cũng mong, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ được hát ở bất cứ không gian, thời gian nào, trong hiếu hỉ, tâm linh, gặp gỡ, giao tiếp, trong sinh hoạt thường ngày… như nguồn gốc phát sinh nó. Tôi nghĩ, nếu khéo đẩy mạnh, khéo phát huy, việc này hoàn toàn có thể.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Chúc chị và gia đình sang năm mới hạnh phúc, bình an!