Nữ "phù thủy” lừa đảo chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - 10 năm liên tục, bằng những lời hứa hão, Cao Thị Tâm (SN 1958, trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã 243 lần thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng. Người ta gọi Tâm là “phù thủy họ hứa”.

Nữ phù thủy” lừa đảo chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng

Đối tượng Cao Thị Tâm.

Cao Thị Tâm sinh ra trong 1 gia đình thuần nông tại vùng quê nghèo xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh. Học đến lớp 7, để có tiền “ăn sung mặc sướng” mà không phải “chân lấm tay bùn”, thị chọn “nghề” lừa đảo kiếm sống. Từ năm 1987 đến 2001, thị liên tiếp bị TAND quận Hoàn Kiếm, TAND thành phố Huế, TAND thành phố Vinh và TAND huyện Hương Sơn xử phạt tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tổng hình phạt là 11 năm 6 tháng tù.

Sau khi ra tù (năm 2004), Cao Thị Tâm không chịu làm ăn mà tiếp tục thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiêu xài cá nhân. Nhằm gây niềm tin cho người khác để thực hiện hành vi lừa đảo, Tâm đã thuê, mượn xe sang, ăn mặc đồ hiệu và thường xuyên đi lại, ăn tiêu ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng trong và ngoại tỉnh. Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2017, với “miếng mồi” gian dối: có mối quan hệ buôn bán, làm ăn, mua hàng nhập khẩu từ nước ngoài về; có các mỏ vàng, các lô vàng trắng… cần tiền để lo thủ tục, Cao Thị Tâm đã 243 lần thực hiện hành vi lừa đảo 22 người, chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng.

Nữ phù thủy” lừa đảo chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng

Cao Thị Tâm đến cơ quan công an đầu thú.

Tiếp cận với nội dung vụ án, tôi không thể hiểu được vì sao có nhiều người lại tự biến mình thành con mồi của Cao Thị Tâm với niềm tin đơn sơ, mù quáng đến như vậy. Chỉ bằng những mối quan hệ mơ hồ, chỉ nghe qua về những “dự án” do Tâm “vẽ” nên, nhiều người đã đưa tiền cho thị vay hết lần này đến lần khác.

Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Đ. trú tại phường Sông Trí, TX Kỳ Anh. Do có quen biết với mẹ của chị Đ., biết chị Đ. kinh doanh buôn bán có tiền nên vào đầu năm 2009, Tâm tung ra mồi nhử “có lượng hàng giá trị lớn đang nằm tại cảng Hải Phòng, cần huy động vốn để đem về”. Không chút nghi ngờ, chị Đ. đã cho Tâm vay 75 triệu đồng. Và bắt đầu từ đó, Tâm liên tiếp lừa đảo chị Đ. 32 lần, chiếm đoạt 1.782 triệu đồng.

“Bi hài” hơn, cũng từ mối quan hệ với chị Đ., Cao Thị Tâm đã rủ rê chồng chị Đ. là anh Lê Ngọc H. đi theo “làm ăn”. Theo anh H. thì trong suốt thời gian từ năm 2009 đến 2015, nhiều lần bà Tâm đưa anh đi Hải Phòng, TP Nha Trang với lý do là giải quyết các lô hàng từ nước ngoài gửi về cảng Hải Phòng và cảng Cam Ranh. Tuy các cuộc “làm việc” với “đối tác” đều không trực tiếp tham gia nhưng vì tin tưởng, anh H. đã 8 lần đưa cho Cao Thị Tâm vay 331 triệu đồng. Và, những đồng tiền đó “một đi không trở lại”.

Chị Lê Thị Đ. phân trần: "Bà Tâm như "phù thủy, có phép thuật. Gặp gỡ, tiếp xúc với ai bà đều mượn tiền và mượn được ngay. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại mù quáng, cả tin đến thế".

Nữ phù thủy” lừa đảo chiếm đoạt gần 17,4 tỷ đồng

Hiện tại, TAND tỉnh đang đưa vụ án ra xét xử.

Điều không thể lý giải của chị Đ. cũng là nỗi niềm chung của bà Nguyễn Thị H. (SN 1954, trú tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên) – người đã 76 lần đưa cho bà Tâm vay số tiền gần 2.114 triệu đồng. Khác với chị Đ. còn được Tâm trả đôi lần tiền vay để làm tin, bà H. chưa nhận được đồng vốn nào nhưng cứ lần lượt đưa tiền, khi ít thì vài ba triệu, khi nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng nói là, những người bị Tâm lừa đều có quan hệ với nhau, người này “bắc cầu” cho người khác mà gần 10 năm trời, không ai nhận ra hành vi lừa đảo của “phù thủy” này. Thậm chí, có 2 người thường xuyên được Tâm thuê chở đi các nơi để “gom tiền” cũng lần lượt trở thành con mồi của thị.

Mãi đến đầu năm 2018, khi một số người nhận ra hành vi lừa đảo của Cao Thị Tâm và làm đơn tố cáo, Tâm mới ra đầu thú. Rồi đây, bản án nghiêm khắc của pháp luật đang chờ Cao Thị Tâm với chuỗi hành trình tội lỗi của mình. Nhưng, thiệt hại của các nạn nhân thì biết đến lúc nào mới được hoàn trả.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.