Em Nguyễn Thị Oanh (thôn Ích Mỹ, Ích Hậu, Lộc Hà)
Thay đổi sau 2 tháng “thử” làm công nhân
Oanh là con thứ 3 trong một gia đình nông dân có 4 người con ở thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu. Từ nhỏ, Oanh đã học giỏi toàn diện các môn học. Tuy nhiên, cô bé lại rất ham chơi, thích tự do khám phá thiên nhiên và các hoạt động ngoại khóa vì thế Oanh từ chối vào các đội tuyển thi học sinh giỏi. Oanh còn nói với bố mẹ, con học vừa đủ để tốt nghiệp 12 rồi sẽ đi làm công nhân..
Và Oanh đi làm công nhân thật. Đó là hè năm Oanh học xong lớp 10. Cô bé bướng bỉnh một mình vào TP Hồ Chí Minh xin làm công nhân ở một xí nghiệp may.
Oanh kể: “Em đã tưởng đi làm công nhân là cứ việc đến nhà máy đứng dây chuyền rất nhàn nhã như trên tivi rồi cuối tháng nhận lương 7 - 8 triệu. Nhưng không, đứng 8 tiếng 1 ngày rồi tăng ca thêm 2 - 3 tiếng.
2 ngày đầu em còn trụ được đến ngày thứ 3 chân em sưng phồng lên, làm xong về đến nhà là nằm bệt xuống giường, tay chân mình mẩy tê cứng, ê ẩm... Lúc đó, em bắt đầu nghĩ đến những lời khuyên của thầy cô, nghĩ đến hai chị gái của mình phải nghỉ học để đi làm, và em đã khóc...”.
Oanh khoe với bố và ông nội kết quả điểm thi của mình trên mạng.
Năm đó, 2 chị gái sinh đôi của Oanh là Hà My và Mỹ Duyên đều trúng tuyển vào đại học với số điểm khá cao nhưng gia đình khó khăn nên không thể đi học. Cả hai đã quyết định đi làm thực tập sinh lao động ở Nhật Bản.
Oanh nói: “Lúc em đang làm công nhân, các chị gọi điện nhắn tin bảo em về học. Vì hoàn cảnh, hai chị không thực hiện được ước mơ học đại học nhưng em thì không. Em phải thay các chị thực hiện ước mơ. Các chị sẽ cố gắng để em được đi học...”
Dù vậy, với bản tính cứng cỏi, Oanh vẫn quyết tâm “trụ” với công việc làm công nhân trong xí nghiệp may mặc suốt 2 tháng hè để tự kiếm tiền trở về.
Sự nỗ lực của Oanh đã được đền đáp.
Quyết tâm thực hiện ước mơ dang dở của hai người chị
Trải nghiệm làm công nhân đáng nhớ cùng sự động viên của hai chị gái khiến Oanh thay đổi suy nghĩ. Bước vào năm học lớp 11, Oanh bắt đầu khởi động lại việc học ngày, học đêm, bằng 200% khả năng của mình.
Em chủ động tham dự vòng loại chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý và trở thành 1 trong 4 thành viên đội tuyển HSG chính thức của khối 11 của trường tham dự kỳ thi HSG tỉnh. Kết quả, Oanh đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2018 - 2019. Năm lớp 12, em tiếp tục giữ vững thành tích trên.
Không chỉ đầu tư cho môn học có năng khiếu, Oanh miệt mài với tất cả các môn học. Đặc biệt là 2 môn khác trong khối C: Văn, Sử.
Bà nội Oanh mừng rơi nước mắt khi biết cháu đạt điểm cao trong kỳ thi THPT.
Cụ Nguyễn Văn Cách (77 tuổi) - ông nội Oanh chia sẻ: “Thấy cháu nó học ngày rồi học đêm, xanh xao gầy yếu, tôi lo lắm. Nhiều lúc, tôi bảo: học vừa thôi cháu, không ốm thì khổ. Nhưng nó chỉ cười động viên lại tôi...”.
Bố mẹ Oanh ngoài việc chăm 6 sào lúa, còn tất bật làm thêm. Anh Nguyễn Văn Tình (45 tuổi) - bố Oanh làm nghề khoan giếng thủ công, chị Nguyễn Thị Dung (44 tuổi) - mẹ Oanh, mỗi ngày chạy chợ từ 3h sáng lên tận Hương Sơn bán cá. Ông bà nội là người thường xuyên gần gũi, chăm lo cho 2 chị em Oanh (em trai Oanh đang học lớp 8).
Kỳ thi THPT diễn ra, bố mẹ bận việc, bà nội dậy từ 4h sáng để nấu cho Oanh ăn, ông nội đội nắng đi bộ 4 cây số sang điểm thi để động viên tiếp sức cho cháu... Hình ảnh đó khiến Oanh nhớ mãi.
Mặc dù, sau khi thi xong đối chiếu đáp án, Oanh tin mình sẽ đạt điểm cao nhưng em vẫn hồi hộp không dám nói với ai.
Oanh kể: “23 h đêm ngày 27/8, em ôm điện thoại đếm ngược thời gian nhưng rồi lại thiếp đi lúc nào không biết. Khi em giật mình tỉnh dậy nhìn điện thoại thì đã 4h sáng. Tin nhắn, cuộc gọi nhỡ của hai chị hiển thị đầy cả màn hình. Em vội vàng vào mạng tra điểm và thực sự vỡ òa khi biết điểm thi của mình. Em nhắn tin cho hai chị, tưởng mai chị trả lời ai ngờ vừa nhắn xong chị Duyên đã nhắn tin chúc mừng. Lúc đó, em chỉ ước giá như các chị ở gần, mình sẽ chạy đến ôm chầm lấy hai chị và hét lên: Em làm được rồi...”
Phấn khởi khi con đạt điểm cao, anh Nguyễn Văn Tình (bố Oanh) có thêm động lực để làm việc.
Chia sẻ về bí quyết để được đạt điểm cao ở tất cả các môn, Oanh cho biết, khi xác định cho mình quyết tâm phải học bằng được, em không ngại bất cứ điều gì. Em chăm chú tất cả các bài giảng, không giấu dốt, hễ gặp khó ở đâu là em nhờ thầy cô, bạn bè chỉ cho tường tận. Ngoài ra, môn Văn và Sử thì em đọc nhiều, còn môn Điạ em thuộc luôn cả sách giáo khoa, Atlat.
Để luyện thi, em đến các nhà anh chị thi đạt điểm cao năm trước xin sách vở họ, ghi chép để tìm phương pháp học. Em biết ơn các thầy cô dạy khối C vì ai cũng nhiệt tình hết mức với chúng em.
Em Nguyễn Thị Oanh và thầy giáo dạy văn Phạm Duy Diễn trong lễ trưởng thành khối 12 năm học vừa qua. Ảnh: NVCC
Thầy Phạm Duy Diễn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi và là giáo viên dạy Văn 3 năm của Oanh, cho biết: “Nghề giáo viên hạnh phúc nhất là có được học sinh không ngại khó sẵn sàng đi đến tận cùng để chinh phục kiến thức. Oanh là một học sinh như thế”.
Giờ đây, khi trở thành thí sinh có số điểm khối C cao nhất Hà Tĩnh, giảng đường đại học đang rộng mở chờ đón Oanh. Em tự hứa sẽ viết tiếp ước mơ còn dang dở của hai người chị gái.
Nữ đảng viên trẻ vừa mới được kết nạp (cuối tháng 7/2020) mong muốn sẽ trở thành một nhà ngoại giao hoặc nhà hoạt động xã hội khi đăng ký vào khoa Đông Phương học, Trường Đại học KH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.