Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh.
“Từ những ngày còn học tiểu học, tôi đã ấn tượng về cô giáo chủ nhiệm lớp 5. Hình ảnh cô với những cử chỉ ân cần, ấm áp dành cho những học trò nghèo vùng ven biển Nghi Xuân ngày ấy luôn được tôi giữ gìn mãi trong ký ức. Cũng từ đó, tình yêu nghề giáo đã được gieo mầm, để khi lớn lên, tôi đã quyết tâm lựa chọn nghề cao quý này”, cô Nga chia sẻ.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh năm 1993, cô giáo trẻ Trần Thị Thủy Nga được phân công về giảng dạy tại vùng khó khăn ven biển ở quê nhà Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong thời gian 9 năm, cô đã lần lượt gắn bó với học sinh ở các trường tiểu học: Xuân Song, Cổ Đạm, Xuân Viên. Những ngày tháng khó khăn vừa duy trì dạy học chính khóa cho học sinh, vừa cùng với các đồng nghiệp thực hiện công tác phổ cập xóa mùa chữ cho người dân vùng ven biển đã giúp cô giáo trẻ tích lũy cho mình nhiều bài học quý giá.
Tấm gương của đồng nghiệp đi trước, niềm say mê học tập của học trò đã trở thành động lực, mục tiêu phấn đấu cho cô giáo trẻ trên con đường dạy chữ, rèn người. Năm 1995, lần đầu tiên tham gia cuộc thi giáo viên giỏi huyện, cô đã giành thủ khoa và trong suốt 9 năm liên tiếp (từ 1998-2006) cô liên tục được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh, trong đó năm 1999 đạt giải “Viên phấn hồng”.
Từ sự tham mưu của ngành Giáo dục, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, học sinh TP Hà Tĩnh được phát triển các kỹ năng qua nhiều hoạt động ngoại khóa.
Năm 2001, cô được điều chuyển về Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) theo diện thu hút giáo viên giỏi tỉnh. Dù khó khăn nhưng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường là điều kiện để cô giáo trẻ rèn luyện, trưởng thành hơn về mọi mặt. Với sự tín nhiệm của đồng nghiệp, của cấp trên, từ năm 2005 - 2010 cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Nài.
Cương vị mới với nhiều trọng trách nhưng dù ở bất cứ vị trí nào thì niềm say mê, tâm huyết, cống hiến hết mình cho công việc vẫn luôn là hành trang quý giá đối với cô Nga trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những cố gắng của bản thân, sự đồng tình ủng hộ của đồng nghiệp là yếu tố quan trọng để nữ cán bộ quản lý để lại dấu ấn tại những mái trường nơi mình từng công tác. Đó là việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi thành phố, giỏi tỉnh, là danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, trường chuẩn quốc gia...
Việc đổi mới phương pháp của giáo viên giúp học sinh TP Hà Tĩnh hào hứng hơn trong mỗi giờ học.
Năm 2012 đến nay, ở cương vị Phó Trưởng phòng, Trưởng Phòng GD&ĐT, cô Nga đã cùng tập thể lãnh đạo phòng tích cực tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh các giải pháp chiến lược để phát triển GD&ĐT. Theo đó, TP Hà Tĩnh đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 đề án phát triển giáo dục.
Để các nghị quyết, đề án đi vào thực tiễn, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện, Phòng GD&ĐT đã xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá, đổi mới căn bản toàn diện và phát triển giáo dục.
Với sự huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục trung bình mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng, diện mạo trường lớp ở TP Hà Tĩnh đã ngày càng đổi mới. Đến nay, thành phố có 37/39 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 27 trường chuẩn mức độ 2. Việc củng cố và nâng cao chất lượng mũi nhọn được thực hiện trên nền tảng phát triển giáo dục toàn diện. Việc xây dựng trường học hạnh phúc cũng đã tạo môi trường lý tưởng để học sinh rèn luyện phát triển các kỹ năng, kiến thức, thể lực...
Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Từ sự quan tâm của thành phố về cơ sở vật chất, sự chỉ đạo của phòng giáo dục, đặc biệt là những giải pháp của lãnh đạo phòng GD&ĐT, cơ sở vật chất của trường chúng tôi đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy học, vui chơi cho học sinh. Cùng với việc đổi mới trong giảng dạy, trường còn tập trung xây dựng môi trường xanh, thân thiện, hạnh phúc để mỗi ngày đến trường của các cháu thực sự là một ngày vui”.
Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc đã tạo môi trường lý tưởng cho học sinh TP Hà Tĩnh học tập, vui chơi.
Bên cạnh sự nỗ lực tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ và những trăn trở trong thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục, cô Nga cũng là một trong những điển hình về nghiên cứu khoa học.
Gần 30 năm gắn bó với ngành, cô đã có 20 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở và cấp tỉnh. Trong đó 2 sáng kiến: “Chỉ đạo các trường tiểu học TP Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa có hiệu quả năm 2018" và “Quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo quan điểm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trong các trường tiểu học thành phố Hà Tĩnh năm 2020” được công nhận sáng kiến cấp tỉnh và được áp dụng rộng rãi ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh.
Niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo của nữ trưởng phòng đã lan tỏa đến cán bộ giáo viên các trường học. Theo đó, trung bình mỗi năm, thành phố có từ 150 – 185 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở và cấp tỉnh.
Những cống hiến của cô Trần Thị Thủy Nga đã được các cấp, các ngành ghi nhận nhận với nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.