Đèn chiếu sáng LED
Công nghệ đèn chiếu sáng LED lần đầu được giới thiệu trên một mẫu ô tô sản xuất thương mại vào năm 2006. Đây là quãng thời gian phần lớn dòng xe trên thị trường đang sử dụng đèn halogen, hoặc cao cấp hơn là xenon.
Toyota Wigo thuộc phân khúc xe hạng A đã có đèn pha LED trên tất cả phiên bản.
Giai đoạn này, đèn pha LED thường chỉ được trang bị trên các xe thuộc thương hiệu hạng sang như Audi, Lexus do là công nghệ mới, giá thành đắt đỏ. Tuy nhiên đến hiện tại, đây đã là trang bị xuất hiện ở mọi phân khúc ô tô.
Đơn cử như Wuling Hongguang MiniEV, mẫu xe hiện có giá rẻ nhất thị trường thuộc phân khúc ô tô điện mini, đã có đèn pha và đèn định vị LED trên phiên bản cao.
So với đèn halogen và xenon, đèn LED có những ưu điểm như tuổi thọ cao hơn đáng kể, tiêu thụ năng lượng ít hơn, khả năng chiếu sáng tốt và dễ dàng trong việc thiết kế, tạo dáng.
Bảng đồng hồ kỹ thuật số
Xuất hiện từ những năm 1970 trên mẫu xe Aston Martin Lagonda song phải đến sau năm 2000, bảng đồng hồ kỹ thuật số mới dần phổ biến hơn, tuy nhiên chủ yếu dưới dạng tùy chọn trên các dòng ô tô hạng sang.
Bảng đồng hồ của Hyundai Accent.
Đến nay, trang bị này đã có mặt trên đa số phân khúc ô tô phổ thông tại Việt Nam. Ví dụ như ở nhóm xe gầm thấp hạng B, mẫu Hyundai Accent hiện hành ra mắt từ cuối năm 2020 đã có cụm đồng hồ kỹ thuật số.
Ở các phân khúc cao hơn như xe gầm thấp hạng C, D hay SUV hạng B, C, D, hàng loạt mẫu xe có bảng đồng hồ kỹ thuật số như Toyota Corolla Altis, Kia K5, Honda HR-V, Kia Sportage hay Hyundai SantaFe.
So với đồng hồ dạng kim - số truyền thống, bảng đồng hồ kỹ thuật số có thể hiển thị thông tin nhiều và linh hoạt hơn. Cùng đó là khả năng tùy biến, cá nhân hóa giao diện theo sở thích người dùng.
Camera 360 độ
Nếu trước kia camera 360 độ chỉ xuất hiện phổ biến trên các dòng ô tô hạng sang, đắt tiền tại Việt Nam thì giờ đây, nhiều mẫu xe phổ thông đã được trang bị chính hãng option này.
Camera 360 độ đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên hàng loạt mẫu xe tại Việt Nam.
Không riêng các dòng xe gầm cao hạng C, D hay bán tải, hiện tại không ít mẫu sedan hạng B, SUV đô thị hay MPV giá rẻ cũng đã được hãng bổ sung camera 360 độ, tiêu biểu có thể kể đến Nissan Almera, MG ZS hay Toyota Veloz Cross.
Ngoài tác dụng chính là tăng khả năng quan sát xung quanh xe và tránh điểm mù, một số mẫu camera 360 độ còn có thể ghi lại hành trình, tự động bật khi đi ở tốc độ chậm, tự động tắt khi điện áp thấp, cảnh báo va chạm...
Với mật độ phương tiện ngày càng dày đặc, giao thông phức tạp hơn, quan sát quanh xe trở thành nhu cầu tất yếu, qua đó càng cho thấy tính hữu dụng của camera 360 độ, dù tài xế có là lái mới hay người giàu kinh nghiệm.
Gói ADAS
Từ năm 2020 đến nay, gói tính năng hỗ trợ lái nâng cao (Advanced Driver Assistance System - ADAS) dần trở thành trang bị an toàn được hàng loạt hãng phổ thông đưa lên các dòng xe bán ở Việt Nam. Có thể kể đến như Toyota, Hyundai, Mitsubishi, Ford, Mazda, Kia, Subaru...
Những tính năng phổ biến, xuất hiện trong đa số gói ADAS của các hãng gồm kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ giữ làn, đèn pha thích ứng, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, phanh tự động khẩn cấp...
Đến nay, ADAS dần trở thành tiêu chuẩn mới về an toàn của phần lớn phân khúc ô tô, cũng như là một yếu tố được nhiều hãng xe tập trung nhấn mạnh khi giới thiệu sản phẩm mới.
Hiện tại ở thị trường Việt, ngay cả các mẫu xe cỡ nhỏ, giá chỉ từ vài trăm triệu đồng cũng có một số tính năng ADAS. Tiêu biểu như Hyundai Creta, Toyota Veloz Cross, Mazda2, Toyota Vios, Honda City, Honda HR-V...