Ông Biden tìm cách giải ngân nhanh 6 tỷ USD viện trợ cho Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến giải ngân hết quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine trước khi mãn nhiệm vào đầu năm tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Politico dẫn lời các quan chức Nhà Trắng ngày 6/11 cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện có 4,3 tỷ USD sử dụng để cung cấp vũ khí từ kho dự trữ của quân đội và 2,1 tỷ USD khác để mua vũ khí theo hợp đồng với các công ty quốc phòng Mỹ.

Nhà Trắng đang nỗ lực triển khai số tiền này nhanh nhất có thể để đảm bảo Ukraine có đủ vũ khí trong cuộc xung đột với Nga ngay cả khi chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump từ chối tiếp tục viện trợ cho Kiev.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Politico chỉ ra rằng "thông thường phải mất vài tháng" để gửi vũ khí do Mỹ phân bổ đến Ukraine. Do vậy bất kỳ gói viện trợ nào được công bố trong những tuần tới khó có thể được bàn giao đầy đủ trước cuối tháng 1/2025 và khi đó, ông Trump có thể đình chỉ các gói viện trợ này.

Một vấn đề khác là thiếu vũ khí trong kho dự trữ của quân đội Mỹ. Washington sẽ phải mất nhiều thời gian để lấp đầy kho.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trước ứng viên Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ và nhậm chức vào cuối tháng 1/2025 - thời điểm ông Biden hết nhiệm kỳ.

Trong khi chính quyền của ông Biden tích cực ủng hộ Ukraine, ông Trump nhiều lần cảnh báo cắt viện trợ cho Ukraine hoặc viện trợ dưới dạng khoản vay nếu tái đắc cử.

Đó là lý do ông Biden dường như đã tìm cách thúc đẩy sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine thậm chí trước cuộc bầu cử.

Hồi tháng 6, ông đã ký cam kết đảm bảo an ninh kéo dài 10 năm để viện trợ quân sự cho Kiev.

Ông Biden được cho là đang cố gắng sắp xếp "bộ bài" chính trị để có lợi cho Ukraine trước khi rời Nhà Trắng.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng muốn để lại một di sản. Ông đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để phấn đấu trở thành tổng thống và thành tích vào phút chót về vấn đề Ukraine sẽ là một chiến thắng cuối cùng đáng nhớ cho toàn bộ nhiệm kỳ của ông. Ông Biden hiện áp dụng cách tiếp cận 2 hướng đối với Ukraine.

Đầu tiên, ông đưa ra tuyên bố mạnh mẽ và công khai rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine. Nền tảng của điều này là cuộc họp cấp cao tại Nhà Trắng vào tuần trước giữa ông Biden, bà Harris và nhà lãnh đạo của Ukraine.

Ông Biden cố gắng chứng minh rằng Ukraine vẫn là "ưu tiên hàng đầu" đối với Mỹ, đồng thời, ông muốn tạo ra kỳ vọng về sự hỗ trợ của Mỹ trong tương lai theo cách mà ông Trump không thể xóa bỏ.

Thứ hai, lập trường công khai của ông Biden được chứng minh bằng các viện trợ. Ông gần đây đã công bố "một đợt tăng viện trợ an ninh" trị giá 8 tỷ USD cho Ukraine.

Khoản viện trợ này sẽ nhằm cung cấp vũ khí mới để tăng năng lực tấn công tầm xa của Ukraine. Điều này cũng cho thấy ông Biden bắt đầu cho phép Ukraine thực hiện chiến thuật tấn công đối với Nga, chứ không đơn thuần là phòng thủ thuần túy như trước, mặc dù hiện tại Washington không cho phép Ukraine bắn các tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga.

Gói này cũng bao gồm Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Chương trình này cho phép chính phủ Mỹ mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty bên ngoài mà không cần phải lấy chúng từ kho dự trữ quốc gia.

Ông Biden cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng toàn bộ tiền đã được phân bổ cho Ukraine cho tới cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nói cách khác, ông đang đảm bảo rằng số tiền này thực sự được chuyển đến Ukraine, phòng trường hợp người kế nhiệm cố gắng thay đổi việc phân bổ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Thực tế, sau khi cuộc bầu cử kết thúc, ông Biden vẫn còn chút thời gian tại nhiệm trước khi tổng thống mới nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong khoảng thời gian 2 tháng này, đôi khi các tổng thống vẫn có thể thúc đẩy phê duyệt các quyết định chính sách quan trọng.

Ông Biden có thể thành công với các chính sách đã có, như cung cấp viện trợ, nhưng ông sẽ không thể đưa ra bất kỳ giải pháp triệt để nào cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong khi đó, một giải pháp triệt để là điều đang cần thiết ở Ukraine.

Những nỗ lực về chính sách đối ngoại của ông Biden luôn được Ukraine hoan nghênh, nhưng chúng chưa bao giờ đủ để mang đến một giải pháp triệt để. Ukraine có thái độ tích cực về cam kết viện trợ mới của ông Biden, nhưng điều này vẫn sẽ không phải là "bức tường lửa" giúp chống lại những điều không mong muốn từ nhiệm kỳ của ông Trump.

Ông Trump là một nhà lãnh đạo có chính sách đối ngoại khó đoán và rất khó để nói chính xác ông ấy sẽ làm gì với Ukraine sau khi tái đắc cử.

Tuy vậy, những dấu hiệu hiện tại đều theo chiều hướng không tốt cho Ukraine bất chấp cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 9 có vẻ suôn sẻ.

Các quan chức Mỹ và EU đã bày tỏ lo ngại rằng ông Trump sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine và thậm chí buộc ông Zelensky phải chấp nhận lệnh ngừng bắn và nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

dantri.com.vn

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Thủ đô của Mỹ đang trải qua không khí bình lặng nhưng đầy căng thẳng với các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm phòng ngừa bạo loạn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Những ký ức từ cuộc bạo loạn tại toà nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 vẫn ám ảnh người dân, khiến nhiều cư dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất.