Được xem là một trong những trường thực hiện tốt công tác phân luồng trên địa bàn Can Lộc, nhiều năm qua trường THCS Vũ Diệm (Can Lộc) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp đến tất cả các bậc phụ huynh, học sinh; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại các trường nghề. Nhờ đó học sinh hướng theo con đường nghề nghiệp ngay sau khi kết thúc THCS ngày một tăng.
Trường THCS Vũ Diệm mời các giáo viên trường nghề về tuyên truyền, tư vấn tại trường cho học sinh
"Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường nghề của chúng tôi là 40/174 em, chiếm tỷ lệ trên 20%” - thầy Nguyễn Tuấn Lĩnh - Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Diệm cho biết. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu về lộ trình phân luồng mà ngành giáo dục đề ra.
Cô Nguyễn Thị Hường- Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Thời gian qua, công tác phân luồng được các nhà trường hết sức quan tâm, nhưng bởi nhiều lý do như các địa bàn ở xã xa trường nghề nên khó khăn trong việc đi lại, ăn ở cho các em.
Ngoài ra, trong chỉ tiêu tuyển sinh trước đây, một số trường THPT lấy gần hết thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi nên công tác phân luồng vẫn chưa đạt yêu cầu. Dù đã cố gắng nhưng nhiều năm liền, tỷ lệ phân luồng ở Can Lộc vẫn duy trì ở mức 15- 18%. Năm học 2019- 2020, Can Lộc cũng có hơn 85% học sinh đăng ký thi vào các trường THPT công lập”.
... và đưa học sinh đi tham quan tại trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh
Tại thành phố Hà Tĩnh, dù có lợi thế là địa bàn tập trung nhiều trường nghề, nhưng hầu hết phụ huynh lại đặt mục tiêu cho con vào các trường THPT công lập.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Phó trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Năm nay, thành phố có 1.430 học sinh lớp 9, trong số đó có 1.329 em đăng ký thi THPT, chiếm tỷ lệ gần 93%. Số học sinh đăng ký học nghề chỉ có 101 em, chiếm tỷ lệ hơn 7%”.
Dù được tuyên truyền, trải nghiệm tại trường nghề nhưng phần lớn học sinh lại chưa muốn lựa chọn các trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS
Không riêng ở thành phố mà tâm nguyện cho con vào các trường THPT công lập rồi sau đó mới định hướng nghề nghiệp vẫn tồn tại trong suy nghĩ của hầu hết phụ huynh.
Chị Lê Thị Hoa (ở xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Học lực của cháu nhà tôi cũng xếp vào loại trung bình, nhưng tôi cũng mong muốn cháu vào được trường công lập bởi tuổi của cháu còn nhỏ, việc học nghề có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp THPT. Thêm vào đó, tôi cũng rất băn khoăn bởi chất lượng giáo dục và công tác quản lý học sinh tại các trường nghề”.
Dù đã tập trung nhiều giải pháp, đến nay, kết quả phân luồng học sinh sau THCS ở Hà Tĩnh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi hiện nay, con đường vào giảng đường đại học, cao đẳng ngày càng rộng mở với việc xét tuyển bằng học bạ THPT. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến nhiều học sinh không muốn lựa chọn con đường vào các trường nghề ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông.