Ngày 4/6/2018, Đội QLTT số 1 kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc bắc tại Chợ thành phố Hà Tĩnh, do bà Văn Thị Hiền làm chủ, qua đó phát hiện 217 kg dược liệu không rõ nguồn gốc đang được chuẩn bị bày bán cho khách hàng. Đội đã lập hồ sơ xử phạt hành chính 17 triệu đồng và tịch thu để tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Lực lượng QLTT Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh lành mạnh.
Sau đó, ngày 8/8, Đội QLTT số 7 kiểm tra cửa hàng kinh doanh của ông Ngô Hoàng Lợi (phường Sông Trí, TX Kỳ Anh), phát hiện cơ sở không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Đội đã lập hồ sơ, chuyển Chi cục QLTT xử phạt hành chính 11,5 triệu đồng, tiêu hủy 20 hộp mỹ phẩm có giá trị gần 20 triệu đồng.
Được biết, mới đây Cục QLTT Hà Tĩnh đã xây dựng và ban hành ban hành Kế hoạch số 420/KH-CCQLTT, qua đó chỉ đạo các Đội QLTT bám sát địa bàn được phân công, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm xách tay, hoạt động bán hàng qua mạng.
Từ khi triển khai thực hiện kế hoạch đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm, phạt hành chính 34 triệu đồng; tiêu hủy 217 kg dược liệu, 85 hộp mỹ phẩm các loại có tổng giá trị 56 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Cục QLTT Hà Tĩnh sẽ tiếp tục có các giải pháp để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong sản xuất; vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu…
Bà Nguyễn Thị Thư, Trưởng phòng Pháp chế - Kiểm tra, Cục QLTT Hà Tĩnh cho biết: “Hiện, nhu cầu sử dụng các loại hàng này ngày càng tăng. Tâm lý người tiêu dùng có xu hướng thích dùng đồ ngoại, nên nhiều cơ sở trong nước đã nhập hàng lậu, không rõ nguồn gốc... rồi bán chui, trà trộn với hàng thật.
Đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh, buôn bán qua mạng ngày càng phổ biến, không có địa chỉ, số điện thoại cụ thể nên việc phát hiện vi phạm gặp nhiều khó khăn, cản trở. Vì vậy, để kiểm soát, cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng như QLTT, công an, y tế…”.
Cục QLTT Hà Tĩnh cũng đã kiểm tra kết hợp với tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như nhận thức của người tiêu dùng.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, kịp thời đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng các vụ việc vi phạm điển hình để khuyến cáo người tiêu dùng và răn đe đối tượng vi phạm; tăng cường sự phối hợp và vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền như công an, ngành y tế… để siết chặt công tác quản lý đối với các mặt hàng này.