Từ núi lửa
Khoáng chất không giống bất kỳ tinh thể nào khác trên trái đất được phát hiện ở sâu trong núi đá lửa miền Tây Úc được các nhà nghiên cứu tình cờ tìm thấy.
Khoáng chất Putnisite - Ảnh: Ammrf.org |
Có màu tím tía, khoáng chất mới (được đặt tên là Putnisite) rất độc đáo trong cấu trúc và thành phần của nó. Có một sự kết hợp bất thường của các nguyên tố bao gồm stronti, calci, crom, lưu huỳnh, carbo, oxy và hydro. Tiến sĩ Peter Elliott, một nhà nghiên cứu khoáng vật tại Đại học Adelaide và Bảo tàng Nam Úc đã mô tả khá kỹ về mẫu khoáng chất được phát hiện ở phía nam hồ Cowan, gần thị trấn Norseman. Theo đó, Putnisite chẳng liên quan gì đến các họ hàng khoáng chất khác, trong khi theo thông thường thì hầu hết các khoáng chất phân thành từng nhóm có quan hệ gần gũi với nhau.
Putnisite hiển thị như những đốm màu hồng trong những tảng đá núi lửa xanh lá cây và trắng, được đặt theo tên của các nhà khoáng vật học Andrew và Chritinee Putnis.
Trong thiên thạch
Thiên thạch D’Orbigny là nơi ẩn chứa loại khoáng sản kuratite mới được công nhận. Tên của khoáng chất này được đặt nhằm vinh danh tiến sĩ Gero Kurat (1938 - 2009), nhà nghiên cứu thiên thạch nổi tiếng thế giới.
Thiên thạch D’Orbigny là khối đá nặng 16,55 kg được bao phủ bên ngoài một lớp vỏ màu xám sẫm. Hòn đá này do một nông dân phát hiện khi đang làm việc trên một cánh đồng ngô hồi tháng 7.1979 ở Buenos Aires, Argentina. Ban đầu nó được cho là một vật tạo tác của Ấn Độ, lưu lại ở trang trại gần hai thập niên trước khi được xác định là một thiên thạch, sau khi tiến sĩ Gero Kurat cùng các cộng sự phân tích vào năm 2000.
|
D’Orbigny được xác định là một achondrite rất hiếm được biết dưới tên andrite. Nó có đặc trưng là các khối lồi nổi bật trên nền vỏ ít gặp ở các thiên thạch khác.
Năm 2004, tiến sĩ Kurat cùng các cộng sự đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Geochimica et Cosmochimica Acta, trong đó có báo cáo về sự xuất hiện của một loại khoáng chất không được đồng nhất hóa gồm sắt, nhôm, titannium, silicate trong thiên thạch D’Orbigny. Dạng chất này chưa từng được biết trước đây.
Loại khoáng sản lạ này bao gồm các tinh thể rất nhỏ với đường kính trung bình chỉ khoảng 0,01 mm. Vì kích thước nhỏ nên rất khó để xác định tất cả các tính chất hóa học, vật lý có liên quan mà điều này rất cần thiết để công nhận là một khoáng chất mới.
Trang mạng Sci-News cho biết trong một nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị về mặt trăng và các hành tinh lần thứ 45 tổ chức ở Houston, Texas, các nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Shyh-Lung Hwang thuộc Đại học Dong Hwa (Đài Loan) đã có những bằng chứng xác nhận khoáng sản mới là Kuratite.