Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Đại học Cambridge, Anh, dẫn đầu, được xuất bản thành hai bài báo trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience ngày 17/3. Họ phân tích dữ liệu của 181 người mắc Covid-19 và 185 tình nguyện viên thuộc nhóm đối chứng.
Những người này đến từ Anh, Ireland, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Nam Phi. Họ mắc Covid-19 trong thời gian tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, giai đoạn Delta và Omicron không phổ biến. Hầu hết tình nguyện viên đều khỏi Covid-19 khoảng 6 tháng trở lên, chỉ một số bị bệnh nặng đến mức phải nhập viện.
70% gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung
Đây là kết quả đầu tiên mà nhóm tác giả tại Anh đưa ra trong nghiên cứu mới được công bố. Trong số 181 F0 khỏi Covid-19, 70% gặp phải vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung sau vài tháng nhiễm bệnh. Ngoài ra, 75% F0 cho biết các triệu chứng dai dẳng đến mức họ không thể làm việc được như trước đây. 50% tình nguyện viên khác được bác sĩ riêng đánh giá là triệu chứng không nghiêm trọng.
Di chứng hậu Covid-19 có thể gây suy nhược, ảnh hưởng nhiều hệ thống cơ quan trong nhiều tháng. Ảnh: iStock.
Trong bài báo đầu tiên, nhóm tác giả phát hiện mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19 là yếu tố dự báo khá chính xác về sự xuất hiện, tình trạng của di chứng sau đó.
Sáu triệu chứng ban đầu có thể liên quan khả năng gặp di chứng hậu Covid-19 là yếu cơ, sương mù não, đau hoặc tức ngực, chóng mặt, ho và các vấn đề về hô hấp. Đặc biệt, những người bị mệt mỏi nặng và triệu chứng thần kinh như chóng mặt, đau đầu trong thời gian nhiễm virus có khả năng gặp di chứng nghiêm trọng hơn.
Trong số 126 người tham gia gặp phải di chứng hậu Covid-19, 77,8% báo cáo về tình trạng mất khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% hay quên, 59,5% khó tìm kiếm, 43,7% phải vật lộn để nói hoặc đánh vần từ đúng chính tả.
Ở những người gặp triệu chứng Covid-19 liên tục, chưa từng thuyên giảm, có tới 54,6% trải qua thời gian dài không thể làm việc. Đặc biệt, 34,5% bị mất việc do mắc Covid-19, 63,9% khó làm các công việc hàng ngày, 49,6% không muốn gặp bác sĩ, 17,6% gặp vấn đề về tài chính.
Nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu của 109 F0 phải chăm sóc y tế với chẩn đoán phổ biến nhất là thiếu oxy (14.7%), có cục máu đông (5,5%), viêm (4,6%). Số tuần gặp các triệu chứng kéo dài tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng ở tim, phổi, tình trạng mệt mỏi khi mắc Covid-19.
Trong khi chưa tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng này, các chuyên gia cho rằng chỉ một phản ứng miễn dịch quá mức cũng có thể gây viêm mạn tính và di chứng hậu Covid-19. Trên thực tế, các vấn đề về nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo ở nhóm gặp phải Long Covid.
Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh di chứng hậu Covid-19 có thể gây suy nhược, ảnh hưởng nhiều hệ thống cơ quan, trong đó có não. Nó gây ra các triệu chứng kéo dài nhiều tháng, trong đó, triệu chứng thần kinh có thể gồm “sương mù não”, mất phương hướng, đau đầu và hay quên.
Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng của Covid-19 không chỉ ở phổi mà còn gồm não và các cơ quan khác. Ảnh: Freepik.
Mất trí nhớ có thể là cảnh báo của chứng sa sút trí tuệ
Trong bài báo thứ hai, các nhà nghiên cứu đánh giá hiệu suất của những người tham gia khi thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng điều hành.
Từ đây, họ xác định được ảnh hưởng đáng kể của việc nhiễm nCoV với trí nhớ, ngay cả khi điều chỉnh các yếu tố về độ tuổi, giới tính, quốc gia, trình độ học vấn. Người từng mắc Covid-19 có khả năng xử lý kém, phản ứng chậm hơn khi làm bài kiểm tra trí nhớ. Ngoài ra, ở những người từng mắc Covid-19 nghiêm trọng trả lời sai nhiều hơn trong bài tập về độ trôi chảy. Chức năng điều hành của họ về cơ bản không khác biệt.
“Với những phát hiện này, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt về nhận thức ở những người từng và chưa mắc Covid-19”, các tác giả viết.
Khi kết hợp với các nghiên cứu trước đây về hiện tượng mất chất xám ở thùy thái dương của não, họ cảnh báo nguy cơ thoái hóa thần kinh và mất trí nhớ của F0 trong tương lai sẽ cao hơn nhiều. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo những nhà hoạch định chính sách, chăm sóc sức khỏe nên đánh giá thần kinh của bệnh nhân Covid-19 nhiều hơn để làm rõ về tình trạng suy giảm nhận thức. Họ nhấn mạnh các di chứng kéo dài về nhận thức cần phải được xem xét nghiêm túc.
“Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy khi F0 gặp khó khăn về nhận thức sau khi khỏi Covid-19, nó không nhất thiết phải là lo âu hay trầm cảm. Các tác động về thần kinh của nó còn nhiều, đa dạng hơn thế và có thể đo lường được”, TS Muzaffer Kaser, Đại học Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nhóm tác giả tại Đại học Cambridge nhấn mạnh di chứng về thần kinh ở F0 khỏi bệnh cần được xem xét một cách thận trọng. Ảnh: iStock.
Trước đó, nhiều công trình đã chỉ ra những ảnh hưởng của Covid-19 tới hệ thần kinh, trí tuệ của F0.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 7/3, nhóm chuyên gia của Đại học Oxford, Anh, phát hiện nCoV có thể gây mất chất xám, tổn thương mô trong não nhiều hơn ở người mắc Covid-19, ngay cả khi họ bị bệnh nhẹ.
Sau 4,5 tháng mắc Covid-19, độ dày chất xám ở các vùng não liên quan khứu giác giảm mạnh hơn. Vị trí này còn được gọi là vỏ não trước và hồi hải mã (parahippocampal gyrus). Phát hiện này được cho là có thể giúp giải thích tình trạng suy giảm khứu giác mà nhiều bệnh nhân Covid-19 gặp phải.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health ngày 15/3 chỉ ra cảm giác trầm cảm và lo lắng có thể kéo dài gần 1,5 năm sau khi F0 khỏi Covid-19.