Văn tự cổ bằng chữ Hán vừa được phát hiện |
Bản Chiếu cầu hiền viết bằng chữ Hán (gồm 15 hàng dọc, 300 chữ), trên nền giấy vàng thẫm (loại giấy viết sắc phong) có vẽ chìm họa tiết rồng cuộn. Do quá trình bảo lưu không đảm bảo nên Bản Chiếu cầu hiền không còn nguyên vẹn.
Qua lược dịch nội dung bức chiếu cầu hiền cho biết, năm Canh Thân (1800) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, vua Cảnh Thịnh sai quan đại thần là Đô Sát thự Đô ngự sử Hi quang hầu Hoàng Thạc Phụ mang Chiếu cầu hiền với quà (vải, vàng, bạc) đến Nghệ An tỏ lòng thành kính La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, mời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (tiên sinh) vào triều giúp việc nước.
Theo đánh giá ban đầu của nhóm khảo cứu, đây là văn bản cổ thuộc nhóm quý hiếm có nội dung liên quan đến La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và giai đoạn lịch sử vương triều Tây Sơn được phát hiện ở Hà Tĩnh cần được các nhà nghiên cứu chuyên ngành quan tâm, nghiên cứu.
Nguyễn Thiếp (1723-1804), thường gọi là La Sơn Phu Tử, tự là Khải Xuyên, biệt hiệu là Hạnh Am, cũng thường được gọi là Lục Niên tiên sinh, quê ở làng Nguyệt Ao, nay thuộc xã Kim Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh.
Năm 1773, ông thi đỗ Hương giải. Ham mê đọc sách, chuyên về tính lý, thích ngao du sơn thủy. Năm 1748, theo lời khuyên của thầy là Nguyễn Nghiễm, tham dự thi Hội, nhưng chỉ đỗ Tam trường. Năm 1756, được bổ nhiệm làm quan Huấn đạo Anh Đô (tỉnh Nghệ An), rồi bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Chương. Năm 1768, ông từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn.
Khi Nguyễn Huệ ra Bắc năm 1786, sai người đem lễ vật mời ông ra làm quan cộng tác với triều Tây Sơn, song ông từ chối. Nhưng sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, ông chấp nhận ra giúp vua Quang Trung, làm Viện trưởng Viện Sùng Chính để truyền bá việc chính học theo phép của Chu Hy và dịch nhiều sách, kinh truyện Nho giáo ra chữ Nôm.
Ông còn giúp Quang Trung tìm đất và xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại Núi Quyết (thành phố Vinh hiện nay).
Sau khi vua Quang Trung mất, ông từ chối cộng tác với nhà Tây Sơn và cả nhà Nguyễn sau này. Ông đã để lại nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm như tập Hạnh Am Thi cảo và Bức thư tấu gửi vua Quang Trung.
Sau khi qua đời, thi hài ông được an táng trên núi Bùi Phong, nơi đương thời ông ở ẩn.