Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhìn lại 30 năm tái lập tỉnh, định hướng cho toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Điện - Tổ trưởng Tổ biên tập văn kiện trình bày khái quát nội dung bản dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX
Theo dự thảo, Đại hội xác định chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sức mạnh văn hóa, khát vọng của người Hà Tĩnh; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng - an ninh để phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại, đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người bằng bình quân cả nước và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nghiêm Sỹ Đống đóng góp ý kiến chi tiết về chủ đề đại hội và một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, hoạt động thông tin, báo chí.
Nội dung dự thảo báo cáo được xây dựng với 2 phần. Ở phần 1 - đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XVIII, nhìn lại 30 năm Hà Tĩnh tái lập tỉnh, báo cáo tập trung làm rõ kết quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kết quả sau 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2020). Đồng thời, đánh giá tổng quát kết quả; phân tích nguyên nhân và nêu bài học kinh nghiệm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh: Phần xây dựng các giải pháp cần gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ; trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng giải pháp sát đúng
Phần 2 - phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự thảo báo cáo xác định phương hướng chung; mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đối với từng lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; định hướng đến năm 2030. Dự thảo cũng chỉ ra 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng điểm, 7 nhiệm vụ trọng tâm cũng như xây dựng nhóm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Tổ biên tập văn kiện và tổ biên tập các chuyên đề chuyên sâu phục vụ văn kiện cần phối hợp chặt chẽ với nhau để chuyển tải được nội dung trọng tâm vào văn kiện đại hội.
Tại cuộc họp, đại biểu đồng tình với bố cục của báo cáo và tập trung phân tích kỹ các nội dung; đóng góp chi tiết chủ đề đại hội, từng phần, tiểu mục của bản dự thảo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Các bài học kinh nghiệm trong báo cáo cần được đúc kết ngắn gọn hơn
Đại biểu cho rằng, trong xây dựng phương hướng phát triển du lịch, ngoài phát triển hạ tầng, cần bổ sung phát triển nguồn nhân lực du lịch; nội dung đánh giá kết quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cần cụ thể hơn; nội dung báo cáo kết quả 30 năm tái lập tỉnh cần đánh giá sâu hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Chủ đề đại hội cần có nội dung về chương trình xây dựng nông thôn mới
Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nội dung các chương trình trọng điểm, bước đột phá. Trong xây dựng các giải pháp cần gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ; nên kế thừa nội dung từ các chuyên đề chuyên sâu đưa vào nội dung văn kiện; cách dùng từ, cụm từ ở từng nội dung cần chặt chẽ, chắt lọc hơn; báo cáo cần cô đọng hơn...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Báo cáo cần làm rõ hơn nội dung về khát vọng của người Hà Tĩnh, đó là khát vọng về đổi mới, sáng tạo
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Cách dùng từ, cụm từ ở từng nội dung báo cáo cần chặt chẽ, chắt lọc hơn
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổ biên tập Văn kiện Đại hội.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nội dung báo cáo 30 năm tái lập tỉnh cần đánh giá sâu hơn; chủ đề đại hội cần chỉnh sửa phù hợp trên cơ sở đảm bảo các thành tố về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của nhân dân, động lực phát triển và mục tiêu đại hội.
Vì vậy, đề nghị tổ trưởng các tổ chuyên đề cần phát huy trách nhiệm, đưa nội dung cốt lõi từ chuyên đề vào Báo cáo chính trị Đại hội; các thành viên Tiểu ban Văn kiện phát huy tối đa dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng báo cáo; Tổ Biên tập văn kiện gấp rút bổ sung các ý kiến dự thảo, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.