Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc ban hành Nghị quyết 01-NQ/HU ngày 20/8/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vụ xuân 2021, 18 xã/thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện phá bờ vùng, bờ thửa trên tổng diện tích gần 930 ha, đạt 160% kế hoạch đề ra.
Cánh đồng 30 ha liên kết sản xuất của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hạ Vàng, xã Vượng Lộc.
Tuy nhiên, theo phân tích của Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh khi góp ý với huyện về đề án xây dựng huyện NTM nâng cao thì: “Phá bờ thửa mới chỉ là điều kiện cần. Để tạo kết quả về chiều sâu và bền vững, Can Lộc cần có giải pháp căn cơ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất quy mô lớn để thực hiện liên kết với doanh nghiệp”.
Vùng trồng lúa hơn 10 ngàn ha đang có những bước chuyển động mới theo hướng cơ giới hóa mạnh mẽ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Vụ xuân 2021, trên những cánh đồng “thẳng cánh cò bay”, 2 HTX nông nghiệp ở Vượng Lộc và Tùng Lộc triển khai tổ chức tập hợp các thành viên, sản xuất cùng một thời vụ, cùng một giống và một quy trình canh tác, liên kết sản xuất hàng hóa. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hạ Vàng (xã Vượng Lộc) cho biết, vụ xuân này, cơ giới hóa sản xuất được triển khai hết sức thuận lợi, chỉ 1 tuần, cả cánh đồng 30 ha đã hoàn thành việc làm đất, gieo cấy. Toàn bộ 70 thành viên sản xuất trên xứ đồng đã cùng triển khai sản xuất một quy trình, một loại giống LP5 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Lúa giống mới hiện phát triển tốt và HTX đang nhận được sự tiếp sức của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh để từng bước thực hiện quy trình sản xuất lúa VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hội tụ các điều kiện để liên kết với đối tác lớn trong vụ mùa tới.
Cánh đồng “thẳng cánh cò bay” sau khi phá bờ vùng, bờ thửa nhỏ.
Theo ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, trong tổng số hơn 10 ngàn ha đất trồng lúa, đề án xây dựng huyện NTM nâng cao xác định mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 có 5.000 ha đất lúa có quy mô cánh đồng lớn sản xuất liên kết. Trong đó, trước mắt sẽ tiến hành liên kết sản xuất trên diện tích 360 ha; xây dựng 3 loại gạo chất lượng cao mang thương hiệu đặc trưng của huyện Can Lộc, đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất 2 - 3 loại lúa giống tại các xã Vượng Lộc, Tùng Lộc, Kim Song Trường.
Hấp thu những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ trong phát triển sản xuất của 10 năm xây dựng NTM, các xã vùng trà sơn đã hình thành, phát triển vùng trồng cây ăn quả có múi, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Đến nay, Can Lộc đã mở rộng quy mô cây ăn quả ở các xã vùng núi, bán sơn địa với 1.000 ha, trong đó có hơn 800 ha cam, bưởi, giá trị kinh tế đạt 300 triệu đồng/ha.
Lãnh đạo HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Hạ Vàng, xã Vượng Lộc và lãnh Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc chia sẻ về hướng phát triển hàng hóa trên những cánh đồng lớn.
Năm 2021, kho bảo quản sản phẩm có tổng trị giá 1,5 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp tỉnh) đang được HTX Trà Sơn, xã Thượng Lộc đầu tư xây dựng. Với sức chứa 150 tấn, kho bảo quản sẽ giúp HTX chủ động trong thu mua sản phẩm của vùng trà sơn để cung ứng cho người tiêu dùng với chất lượng đảm bảo. Đây là bước tạo đà để HTX mở rộng liên kết với các hộ trồng cam trên địa bàn xã nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đồng nhất về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tạo cơ sở để tiếp cận với các thị trường lớn.
Cam giòn Thượng Lộc được thị trường ưa chuộng.
“Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng và phát triển thương hiệu cam giòn - một sản phẩm đặc trưng của vùng trà sơn đang được khách hàng ở các thành phố lớn ưa chuộng. Tuy nhiên, thị trường lớn đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo quy chuẩn, vì vậy, không phải vườn cam nào cũng tiếp cận được cơ hội mở rộng tiêu thụ. Năm ngoái, một kg cam giòn của HTX (với 15 ha, đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao) bán với giá 60 ngàn đồng, trong khi đó cam giòn của bà con (toàn huyện có khoảng 100 ha) chỉ bán được hơn 30 ngàn đồng. Rất mừng là dự định nâng cao chất lượng, từng bước phát triển thêm các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của chúng tôi đã nhận được sự tiếp sức về chính sách của các cấp chính quyền. Từ sự đầu tư về hạ tầng bảo quản sản phẩm, HTX đang kết nối và hướng dẫn nhiều chủ vườn về kỹ thuật chăm sóc để xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP” - ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc HTX Trà Sơn chia sẻ.
Sản phẩm cam nhà vườn Mai Trạch ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc đạt sản phẩm OCOP 3 sao
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Cao Kỳ cho biết, vùng cây ăn quả có múi trà sơn Can Lộc với 150 ha cam VietGap, 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là tiền đề để huyện thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường. Để vùng cây ăn quả có múi phát triển bền vững, giai đoạn 5 năm tới, huyện chủ trương giới hạn về số lượng (giới hạn trồng mới trong khoảng 200 ha) và chú trọng vào các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: bảo tồn nguồn gen, truy xuất nguồn gốc liên kết tiêu thụ; ứng dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết với doanh nghiệp.
Hiếm có nơi nào có tiểu khí hậu thuận lợi như vùng ven chân núi Hồng ở các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc, Thuần Thiện. Vậy nên, trong thế “chân kiềng” 3 vùng sản xuất ở Can Lộc, vùng rau, củ, quả dù diện tích không lớn (hơn 300 ha) nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị thu nhập lớn trên đơn vị sản xuất.
Hành tăm Thiên Lộc đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP
Theo ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, cùng với xây dựng một số sản phẩm OCOP (trước mắt là hành tăm ở xã Thiên Lộc), huyện đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển các nhà màng, nhà lưới sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, các loại hoa quả trái vụ theo hướng hữu cơ. Dự kiến, trong 5 năm tới, huyện sẽ phát triển khoảng 25 nhà màng có quy mô từ 1.000 m2 trở lên, sản xuất các loại rau, quả sạch trái mùa với mục tiêu bình quân thu nhập 1 nhà màng 1.000 m2/năm sản xuất 3 vụ, đạt lợi nhuận 240 triệu đồng.
Thiên Lộc là xã có diện tích trồng rau, củ, quả lớn nhất với gần 200 ha. Theo chị Võ Thị Mai Trang - công chức nông nghiệp xã Thiên Lộc, cùng với tập trung xây dựng sản phẩm hành tăm đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2021, xã đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trồng hoa, cây ăn quả với tổng diện tích khoảng 50 ha ngay dưới chân chùa Hương Tích. Ở đây, ngoài 5 ha trồng hoa tạo thành các điểm “check in”, diện tích còn lại sẽ trồng cây ăn quả an toàn để du khách sau khi vãn cảnh chùa Hương có thể ghé thăm, mua sắm.
Toàn huyện Can Lộc hiện có 8 nhà màng sản xuất các loại cây ăn quả, rau củ quả chất lượng cao.
Hệ thống giao thông thuận lợi với tuyến đường từ quốc lộ 1 đến chùa Hương Tích, kết nối đường 22/12 qua cầu Cửa Hội rất thuận lợi cho phát triển du lịch và cũng tạo thị trường rộng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp ở vùng ven chân núi Hồng. Bởi vậy, huyện đã định hướng rõ và sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, liên kết đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP ở vùng sinh thái đặc trưng này. Nhìn rộng hơn trong bức tranh kinh tế huyện Can Lộc giai đoạn 2021 - 2025, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch cũng chính là trụ cột vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao.
Nguồn đầu tư 130 tỷ của dự án ADB đã “thay áo” khu du lịch chùa Hương thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tham quan.
Thiết kế: Thành Nam