Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII sẽ dành gần 1 ngày để thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung quan trọng, một trong những chức năng giám sát của HĐND, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Các nội dung được đưa ra chất vấn lần này có nội dung mới, có nội dung đã từng được chất vấn trong các kỳ họp trước. Trường hợp còn có vấn đề cần phải tranh luận, hoặc không hài lòng với câu trả lời của người được chất vấn thì đại biểu có thể tranh luận.
“Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành được phân công trả lời chuẩn bị chu đáo nội dung, tinh thần là “hỏi thẳng, trả lời thẳng”, rõ trách nhiệm, không đổ lỗi, đùn đẩy, né tránh; đồng thời cần làm rõ vì sao trong quá trình đã chất vấn và trả lời chất vấn nhưng đến nay giải quyết chưa xong, trách nhiệm thuộc về ai? sắp tới giải quyết thế nào? - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.
175 câu hỏi chất vấn HĐND tỉnh trong cả nhiệm kỳ
Bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trình bày báo cáo trả lời giải quyết các chất vấn của đại biểu trong cả nhiệm kỳ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện 175 câu hỏi chất vấn, nhóm vấn đề về các lĩnh vực như: tài nguyên môi trường; nông nghiệp; công thương, giao thông xây dựng; văn hoá, giáo dục, y tế; nội chính pháp chế; kế hoạch đầu tư và lĩnh vực tài chính ngân sách.
Các nội dung chất vấn đã được tập trung chỉ đạo, xử lý; cơ bản đáp ứng yêu cầu của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và nhân dân tỉnh nhà. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng hoặc đang trong quá trình xử lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thông tin, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các mặt; tập trung giải quyết, xử lý có hiệu quả các nội dung chất vấn của đại biểu; kiên quyết không để kéo dài các vấn đề tồn đọng, phức tạp mà đại biểu, cử tri đặt ra; gắn trách nhiệm địa phương, đơn vị, sở, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu.
Vấn đề ngập lụt, chất lượng giống cây trồng mở màn phiên chất vấn
Mở màn cho phiên làm việc buổi chiều, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trả lời các câu hỏi: Ngập lụt ở Hà Tĩnh vừa qua gây thiệt hại nặng ở nhiều địa bàn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục trước mắt và căn bản trong thời gian tới?
Việc chọn lựa, cải tạo, du nhập giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, có hiệu quả trong sản xuất nhưng chưa đạt hiệu quả; một số địa phương chưa có bộ giống cây trồng chủ lực. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, những giải pháp để nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới.
Trả lời cho câu hỏi đầu tiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn cực đoan cùng với ảnh hưởng của thủy triều; hệ thống tiêu thoát lũ chưa đáp ứng yêu cầu; hồ Kẻ Gỗ phải điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình khi mực nước hồ đang lên nhanh và ở thượng nguồn đang có mưa rất to.
“Tư lệnh” ngành nông nghiệp khẳng định, việc tổ chức vận hành điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ vừa qua là đúng quy định, có các kịch bản linh hoạt ứng phó phù hợp với mưa lũ. Quá trình chỉ đạo, điều hành có sự thống nhất từ Bộ NN&PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh. Tuy vậy, trước diễn biến bất thường của thời tiết cần phải soát xét lại các giải pháp an toàn hồ chứa, an toàn hạ du nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp được Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh nêu ra để khắc phục đó là: UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để sớm triển khai thực hiện Dự án tăng cường khả năng thoát lũ vùng hạ du Kẻ Gỗ (hiện Bộ NN&PTNT đã có quyết định chuẩn bị đầu tư dự án này). Dự án sẽ tăng khả năng phòng lũ cho hồ chứa, tăng cường tiêu thoát lũ và giảm ngập cho vùng hạ du; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo lũ sớm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân vùng hạ du.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xúc tiến sớm triển khai việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án phòng, chống lũ đảm bảo an toàn cho TP Hà Tĩnh trong điều kiện biến đổi khí hậu; rà soát, đánh giá lại quy trình vận hành hồ chứa trên cơ sở nhu cầu dùng nước hiện nay và tình hình khí tượng thủy văn cực đoan thời gian gần để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; bổ sung, hiện đại hóa hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du; thiết bị quan trắc chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa.
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn manh mún, phân tán
Trả lời câu hỏi về việc chọn lựa, cải tạo, du nhập giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao nhưng chưa đạt hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống để thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần 90% chủng loại giống lúa sản xuất được cả 2 vụ trong năm, khoảng 10% loại giống chỉ sản xuất vụ xuân cho các vùng đặc thù tập trung ở vùng không chủ động thủy lợi.
Kết quả đến năm 2020, có 40 giống được đưa vào cơ cấu sản xuất với phương án tổ chức khác nhau để các địa phương lựa chọn phù hợp với từng vùng sinh thái, theo 5 nhóm.
Bộ giống lúa hiện nay cơ bản đáp ứng với sản xuất toàn tỉnh, xét trên các tiêu chí về ứng phó với khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, thị trường tiêu thụ,… Đặc biệt, nhóm giống chất lượng giá bán cao hơn bình quân thị trường 20-30%, diện tích gieo cấy hàng năm đạt khoảng 30.000 ha, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất..
Ông Việt cũng thừa nhận, mặc dù đạt được kết quả quan trọng, nhưng hiện nay cơ cấu giống cây trồng đang đứng trước khó khăn, thách lớn.
Theo ông Việt, về nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó dự báo các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Về chủ quan, sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn manh mún, phân tán, sản xuất quy mô nhỏ, canh tác truyền thống nông hộ, tập quán dân tự để giống còn phổ biến. Hà Tĩnh có đa dạng các vùng sinh thái, việc bố trí cơ cấu giống không đồng nhất, một số giống lúa có tiềm năng năng suất cao (tập trung nhóm lúa lai trong và ngoài nước) nhưng khi vào sản xuất diện rộng gặp khó khăn do yếu tố giá giống và trình độ thâm canh, năng lực đầu tư thâm canh của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần
Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) chất vấn: “Chúng ta có bộ giống lúa là 40 giống nhưng vẫn có một số không đáp ứng. Trong số này vẫn đưa vào cơ cấu bộ giống những loại đã bị sâu bệnh nhiều lần hay loại chưa được sản xuất nhiều, chưa khẳng định hiệu quả. Vậy giống nào là chủ lực?
Đại biểu Trần Hậu Tám
Đại biểu Trần Hậu Tám (Tổ đại biểu huyện Thạch Hà) băn khoăn: Liệu có nguyên nhân chủ quan hay chỉ chủ yếu là khách quan trong vấn đề ngập lụt vừa qua. Trong các biện pháp để hạn chế tình trạng ngập lụt thì có một nội dung quan trọng là khơi thông hệ thống thoát lũ. Đặc biệt, một số cống hiện nay không đáp ứng chức năng tiêu thoát nước.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu huyện Can Lộc) cũng chất vấn vì sao không xả lũ sớm để giảm bớt áp lực ngập lụt cho vùng hạ du.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm
Liên quan đến vấn đề ngập lũ, “tư lệnh” ngành nông nghiệp mong cử tri, Nhân dân chia sẻ vì đợt mưa lũ vừa qua đặt trong tình huống khẩn cấp, nước lên quá nhanh và lớn. Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho biết việc xả lũ là đúng quy trình, công suất thiết kế…
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, bản đồ ngập của hạ du hiện nay chưa có nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong phòng chống lũ lụt trên địa bàn.
Về giống, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt thừa nhận ý kiến phản ánh của đại biểu, tuy nhiên qua thực tiễn, một số giống dễ bị nhiễm sâu bệnh nhưng năng suất chất lượng vẫn đạt khá nên người dân vẫn làm. Ngành nông nghiệp đang tập trung khuyến cáo, cảnh báo, đồng thời có hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Một số giống mới có triển vọng được tổ chức sản xuất nhưng có kiểm soát, bắt buộc các công ty cung cấp giống cam kết với người dân.
Về câu hỏi của đại biểu Bùi Nhân Sâm, làm thể nào để các địa phương không xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tràn lan, đảm bảo quy hoạch, đặc biệt gắn đầu ra thị trường, ông Nguyễn Văn Việt lý giải: Vai trò của ngành nông nghiệp và các cơ quan nhà nước liên quan là tổ chức các hội chợ quảng bá sản phẩm, lễ hội, xúc tiến đầu tư… để kích cầu sản xuất, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường. Vai trò chủ động vẫn là do người dân, phải căn cứ vào nhu cầu thị trường để quyết định sản xuất.
Sớm xây dựng bản bản đồ ngập lụt vùng hạ du Kẻ Gỗ
Đại biểu Trần Viết Hậu
Đại biểu Trần Viết Hậu (tổ đại biểu huyện Đức Thọ) đặt câu hỏi: Theo nhận định từ các chuyên gia, trận lũ lịch sử vừa qua “1000 năm mới xuất hiện” và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới. Vậy, có thể tính toán hạ mức cao trình xả từ 15m-20m thay vì ở mức 26,5m như hiện nay?
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch thực hiện dự án tổng thể nhằm xem xét, đánh giá lại các công trình thủy lợi. Theo đó, sẽ có đội ngũ chuyên gia đảm nhận việc phân tích, tính toán dựa trên kỹ thuật, chuyên môn để đưa ra giải pháp thích hợp và Sở NN&PTNT sẽ có trách nhiệm phối hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hổ (tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) về việc khi tăng mức độ xả, các cơ quan Nhà nước có thể tính toán mực nước tại vùng hạ du sẽ dâng cao bao nhiêu để có thể thông báo đến người dân hay không, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nhấn mạnh: “Đây là sự việc ở mức độ khẩn cấp, từ trước đến nay chưa từng xảy ra”. Do vậy, nếu chậm trễ trong quá trình xả lũ, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Giám đốc Việt cũng nhấn mạnh, khi xả lũ, mực nước ở vùng hạ du thường xuyên được ngành chức năng cập nhật để điều chỉnh. Tuy nhiên, do thiếu bản đồ ngập lụt nên chưa thể tính toán được mức lũ vùng hạ du trong quá trình xả, vì vậy việc xây dựng bản đồ ngập lụt trong thời gian tới là vô cùng cần thiết, để tính toán chủ động hơn trong vấn đề điều tiết.
Ngoài ra, “tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng thông tin thêm, về tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP. Hà Tĩnh, ngành đã mời các chuyên gia của Bộ NN& PTNT để xây dựng 5 kịch bản ứng phó trong quá trình điều tiết mưa lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.
Phân tích, giải trình thêm về việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, chất vấn của đại biểu là rất cần thiết, qua đây để thông tin rõ hơn với đại biểu, cử tri và Nhân dân được biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ diễn biến và cốt nước của hồ Kẻ Gỗ trong những ngày mưa lũ cao điểm; UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, bám sát diễn biến mưa lũ và lượng nước ở công trình thủy lợi Kẻ Gỗ; huy động những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm nhất, cùng tranh thủ sự chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT để vận hành xả lũ. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn, chưa từng có trong lịch sử đã dẫn đến tình trạng ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề đến người dân.
Trong quá trình vận hành xả lũ, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông liên tục thông báo cho 1,3 triệu thuê bao về chi tiết lượng xả lũ trong từng thời điểm. Sau lũ, đã tổ chức họp báo thông tin về quy trình xả lũ cũng như làm rõ vai trò cắt lũ của hồ Kẻ Gỗ.
Sau vấn đề ngập lụt, chất lượng giống cây trồng, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành trả lời câu hỏi: Một số địa phương phản ánh việc tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng thông thường chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và kế hoạch trong thời gian tới?
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành thừa nhận, sở chưa tập trung cao trong việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện của các khu vực mỏ trong quy hoạch khoáng sản của tỉnh để tham mưu kịp thời việc lựa chọn các khu vực đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong khi đó, một số chính quyền địa phương chậm triển khai thực hiện việc khảo sát, đánh giá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong diện tích khu vực dự kiến để đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu….
Để đẩy nhanh tiến độ đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu đất, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, sở sẽ tập trung triển khai các nội dung như: hoàn thiện hồ sơ mời tham gia đấu giá, yêu cầu, đôn đốc tổ chức đấu giá tài sản khẩn trương thực hiện đấu giá trong tháng 12/2020 đối với 17 khu vực mỏ; tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 2 năm 2020 và các năm tiếp theo trong tháng 12/2020…
Trước khi kết thúc phiên chất vấn buổi chiều, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng thông báo một số vấn đề cử tri quan tâm, gửi qua đường dây nóng gồm: Kiến nghị việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng dịch Covid-19 theo quyết định của Chính phủ tại huyện Nghi Xuân không đồng đều, sai đối tượng.
Kiến nghị về dự án công viên trung tâm thành phố Hà Tĩnh (đường 26/3), đất nằm trong quy hoạch từ năm 1990 đến nay đã gần 30 năm nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc.
Kiến nghị về việc các cơ quan chức năng chậm thực hiện văn bản số 2173/STNMT ngày 25/6/2017 của Sở Tài nguyên & Môi trường, trong đó chậm giải quyết đền bù 68 lô đất trước cổng Trường Đại học Hà Tĩnh. Mặc dù đã hứa với dân thực hiện từ năm 2016 nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Việc thực hiện Nghị định số 34 sửa đổi, Điều 14a tại Thị xã Hồng Lĩnh: Giảm tổ phố tổ dân phố nhưng tiền nhà nước cấp cho tổ dân phố loại 1 là 24 triệu đồng, loại 2: 22 triệu, loại 3: 20 triệu đồng/năm thì chia cho các chi đoàn, chi hội, tổ dân phố không được nhận. Như vậy đúng hay sai? Nếu sai thì ai chịu trách nhiệm, hướng giải quyết như thế nào?
Đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan lưu tâm, trả lời cử tri.