Phiên toà giả định tại Trường THPT Cẩm Xuyên thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Ngày 6/11, Trường THPT Cẩm Xuyên tổ chức phiên tòa giả định xét xử Phạm Hồng Hằng và các đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Làm nhục người khác” xảy ra vào ngày 10/9/2022.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân huyện A, xuất phát từ ghen tuông, nghi ngờ Dương Hải Hà cướp người yêu của mình nên Phạm Hồng Hằng đã rủ thêm hai người bạn của mình gọi Hà ra để nói chuyện.
Nhóm đối tượng này sau đó đã chặn đánh Hà trên đường đi học về và dùng điện thoại quay video để tung lên mạng. Trước áp lực lớn từ dư luận và những bình luận ác ý về mình, Hà vô cùng xấu hổ và đã uống thuốc tự tử, song, may mắn được phát hiện, cứu sống kịp thời.
Tình huống giả định được tái hiện tại phiên xử.
Gia đình Hà đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan CSĐT Công an huyện A. Viện Kiểm sát nhân dân huyện A. đã truy tố Phạm Hồng Hằng và đồng bọn về các tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”. Trong quá trình xét hỏi và tranh tụng, Hằng và các đồng phạm đã thành khẩn thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Các bị cáo đã phải trả giá cho hành vi bột phát, thiếu kiềm chế bằng bản án nghiêm minh mà Tòa án nhân dân huyện A. đưa ra.
Em Nguyễn Văn Thắng - lớp 10A6, Trường THPT Cẩm Xuyên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một phiên tòa giả định. Tình huống giả định được các bạn và anh chị lớp trên diễn rất chân thật, nội dung phiên tòa giúp em hiểu rõ hơn về quy trình tổ chức một phiên tòa. Đặc biệt, em thấy các kiến thức về pháp luật tại phiên tòa giả định rất dễ hiểu”.
Thầy Nguyễn Đình Nhâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Xuyên cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tổ chức các phiên tòa giả định hoặc linh động những hoạt động ngoại khóa bổ ích khác để nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh và giáo viên toàn trường”.
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) hào hứng tham gia phiên toà giả định.
Cũng trong ngày 6/11, tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã diễn ra phiên tòa giả định với sự tham gia của hơn 1.600 học sinh, giáo viên. Tình huống giả định được đưa ra dựa trên một câu chuyện có thật. Một thanh niên không có việc làm, nảy sinh ý định lợi dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua hình thức tư vấn vay tiền, thanh niên tự xưng là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn học sinh có nhu cầu vay tiền lập tài khoản (có số dư cao) để làm thủ tục rồi lừa đảo lấy mã OTP và chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa giả định tại Trường THPT Phan Đình Phùng được tổ chức như một phiên tòa thật, gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân, viện kiểm sát, thư ký, công an, người phạm tội... do các học sinh diễn xuất. Phiên tòa có sự tư vấn của các cơ quan chuyên môn; các nội dung trong phiên tòa giả định đã nêu bật được nội dung tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Các vụ việc được tái hiện trong phiên tòa giả định có tác dụng răn đe và giúp học sinh hiểu thêm các quy định của pháp luật.
Sau phiên tòa giả định, các em HS đã được tham gia tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc trả lời các câu hỏi liên quan đến phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Em Lê Công Nguyên - lớp 12A4, Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Trực tiếp xem phiên tòa giả định giúp chúng em hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Em mong nhà trường tiếp tục có thêm nhiều hoạt động tương tự để đưa pháp luật tới gần hơn với học sinh”.
Thời gian qua, phiên tòa giả định đã được tổ chức ở nhiều trường THPT. Các phiên tòa đã lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền khác thông qua việc trả lời câu hỏi của học sinh, từ đó, tạo điều kiện cho các em tham gia tìm hiểu pháp luật, rèn luyện các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử.
Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: “Phiên tòa giả định là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật được nhiều trường học trên địa bàn tổ chức trong thời gian qua. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, thu hút sự quan tâm theo dõi của giáo viên cũng như học sinh. Các vụ việc được tái hiện trong phiên tòa giả định vừa có tác dụng răn đe, vừa giúp người tham dự hiểu thêm các quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là các em học sinh”.