Những ngón tay “xúc xích” trong phim không cần dùng đến hiệu ứng đặc biệt. Ảnh: A24 . |
Everything Everywhere All at Once (EEAAO) là tác phẩm được xướng tên ở hạng mục Phim Xuất sắc tại Oscar 2023. Đây cũng là cái tên giành được nhiều chiến thắng nhất với 7 cúp vàng trên 11 đề cử tại giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ
Everything Everywhere All at Once là một bộ phim gia đình, xây dựng câu chuyện dựa trên lý thuyết về đa vũ trụ. Tuy nhiên, khác với một phim về đa vũ trụ khác là Doctor Strange in the Multiverse of Madness, với ngân sách khổng lồ cho hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, EEAAO chỉ dùng 9 nhân viên hoạt họa, trong đó có 2 đạo diễn.
Nhóm 5 người làm hầu hết cảnh kỹ xảo
Digital Trend gọi đây là bộ phim có ngân sách cho VFX hạn hẹp nhất mà trang này từng phỏng vấn. Thực tế, nhóm nòng cốt gồm 5 thành viên thực hiện đến 80% các cảnh phim hiệu ứng của tác phẩm thắng giải Oscar. Trưởng nhóm này là Zak Stoltz, bạn thân của cặp đôi đạo diễn, vốn chỉ từng thực hiện kỹ xảo cho các MV ca nhạc, phim quảng cáo.
Trả lời IndiaWire, Stoltz cho biết Daniels (bộ đôi đạo diễn) không thích kiểu làm việc xa cách của đội quay phim, hiệu ứng truyền thống. Họ muốn các bộ phận trong đoàn phim được kết nối cùng nhau, nói chuyện thân mật. Đây là một tác phẩm độc lập, với ngân sách hạn chế. Việc tối ưu quy trình sản xuất là cần thiết.
Thực tế, có một khoản kinh phí dự phòng khi việc sản xuất chệch hướng. Nếu việc đó xảy ra, họ có thể tìm thuê công ty bên ngoài. Tuy nhiên, đội ngũ nhỏ đã hoàn thành tốt công việc được giao.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 kéo dài thời gian sản xuất, khiến các thành viên trong đoàn phim không thể gặp nhau. Mặt khác, giai đoạn này cho đội ngũ kỹ xảo thêm thời gian làm quen với công việc.
Công nghệ cũng góp phần giúp đoàn làm phim “nhà nghèo” này hoàn thiện tác phẩm. Theo Feldbau, một thành viên trong đội ngũ VFX, các hệ thống máy tính đời mới, với hiệu suất tốt đã giúp render nhiều cảnh phim 4K tại nhà. Đây là điều không thể thực hiện với cấu hình PC của 10 năm trước.
Tận dụng giải pháp sẵn có
Hậu trường bộ phim cho thấy những giải pháp được sử dụng khá sơ sài. Ảnh: A24.
Theo đội ngũ sản xuất, họ chủ yếu sử dụng After Effect cho việc tạo ra các cảnh hiệu ứng. Đây là một phần mềm nổi tiếng, nhưng không nhiều studio chọn nó cho các bộ phim điện ảnh. Những giải pháp 3D chuyên nghiệp như Nuke, Maya được sử dụng nhiều hơn trong các dự án đồ sộ.
Để phù hợp hơn với quy mô của đoàn phim, Stoltz cho biết họ cố gắng tận dụng giải pháp 2D thay vì 3D cho các cảnh phim. Đây là cách tiết kiệm chi phí và phù hợp với kỹ năng của nhân viên.
“Ví dụ, tôi đã làm một lớp phủ mờ không gian ở dạng 2D. Thông thường, họ sẽ làm cảnh này ở chế độ 3D. Nhưng chúng tôi rất chú ý đến ngân sách và cố gắng tiết kiệm tối đa. Tôi đã thử làm nó 2D, như một hình thức vẽ tay”, Feldbau nói.
Ngoài ra, các đạo diễn cố gắng xây dựng không khí của thập niên 80 cho tác phẩm. Họ kết hợp kiểu thẩm mỹ cũ với đồ họa chuyển động đương đại. “Chúng tôi dùng CGI rất ít. Thứ nhất vì bọn tôi không phải giỏi nhất. Đồng thời, nó cũng không thật sự cần thiết”, Stoltz nói.
Phương châm của đoạn phim này là “bớt kiểu Marvel, theo kiểu Ghost Buster hơn”. Họ cho biết bản thân không cố gắng bắt chước vũ trụ điện ảnh Marvel bởi không sở hữu đội ngũ, ngân sách và sức mạnh phần cứng đủ để làm vậy. Bằng cách tận dụng những phương pháp kiểu cũ, Zak Stoltz và cộng sự đã tạo ra chất riêng cho tác phẩm.
Ví dụ, cảnh phim nữ chính Evelyn (Dương Tử Quỳnh đóng) bị đẩy vào nhiều phần thực tại liên tiếp, với những thế giới khác, đạo diễn Daniel Kwan đã dùng một chiếc máy quay nhỏ và ghi lại mọi nơi mà ông tới. Sau đó, cảnh này được ghép lại với phông xanh quay nữ diễn viên.
Hay cảnh phim ở vũ trụ có những ngón tay xúc xích, các diễn viên đã sử dụng một chiếc găng tay tự chế thay vì phải dùng đến kỹ xảo đặc biệt.