Sáng 24/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh có buổi làm việc với Đoàn công tác Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) về phối hợp triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cùng chủ trì buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cùng chủ trì buổi làm việc.
Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021) và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991-2021), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức triển lãm “Lịch sử hình thành và phát triển Hà Tĩnh qua tài liệu lưu trữ”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Trường Sinh: Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) đã tổng hợp danh mục tài liệu tại Hà Tĩnh gửi Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để lựa chọn tài liệu triển lãm phù hợp với chủ đề.
Theo đó, triển lãm dự kiến trưng bày khoảng 150 đến 250 phiên bản tài liệu, hình ảnh tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
Các tài liệu trưng bày gồm: Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Triều Nguyễn, Địa bạ và Sổ bộ Hán - Nôm, tài liệu từ năm 1945 đến nay, hiện đang được bảo quản tại 4 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Nguyễn Trí Sơn góp ý tên gọi của triển lãm và các mốc thời gian trong nội dung triển lãm.
Nội dung trưng bày dự kiến chia thành 3 phần: Từ trấn Nghệ An đến Hà Tĩnh ngày nay; Hà Tĩnh kiên cường trong kháng chiến; Những người con ưu tú.
Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thúy: Thư viện tỉnh sẽ tích cực phối hợp cung cấp tư liệu khi đơn vị tổ chức cần.
Tại hội nghị, đại biểu đồng tình cao với việc tổ chức triển lãm ảnh, tài liệu nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh.
Bà Mai Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý tài liệu lưu trữ nhà nước (Cục Văn thư - lưu trữ nhà nước): Trên cơ sở đề cương được hoàn thiện, chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt tài liệu; mong muốn Sở Nội vụ Hà Tĩnh phối hợp khai thác thêm các tư liệu, tài liệu ở Bảo tàng Nghệ An, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Nghệ An.
Đại biểu góp ý chi tiết nội dung tư liệu, tài liệu sử dụng triển lãm, tên gọi triển lãm; cách khai thác, tìm kiếm nguồn tư liệu ở các đơn vị, tỉnh bạn...
Đại biểu cũng cho rằng, quá trình phân chia nội dung triển lãm theo từng mốc thời gian cần phân định rõ hơn; việc lựa chọn hình ảnh cần đảm bảo chặt chẽ, tính chính xác cao.
Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định: với vai trò của mình, Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước sẽ dồn sức, tập trung cao nhất để triển lãm nhằm tạo được dấu ấn tốt đẹp, giới thiệu đầy đủ nhất về lịch sử hình thành và phát triển của Hà Tĩnh. Đồng thời mong muốn tỉnh hỗ trợ tối đa trong việc cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu và kinh phí tổ chức nhằm triển khai tốt triển lãm.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh xem xét lại bố cục triển lãm, các mốc thời gian lịch sử; tập trung triển khai hiệu quả các phần việc đảm bảo theo đúng tiến độ, chất lượng, sẵn sàng cho cuộc triển lãm trước thềm sự kiện chính trị lớn của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kết luận buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và truyền thông sớm chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về sự kiện kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh nói chung và sự kiện triển lãm tư liệu lưu trữ nói riêng.
Hai đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện triển lãm.
Trước đó, Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước đã tiến hành khảo sát địa điểm tổ chức triển lãm.