Rất nhiều hộp chữa cháy, bình chữa cháy tại chợ TP Hà Tĩnh nằm khuất sau hàng quần áo, nếu có sự cố, việc chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại chợ TP Hà Tĩnh - một trong những khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hóa lớn trên địa bàn, có hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán vàng mã, quần áo, giày dép và các mặt hàng dễ cháy. Vậy nhưng, tại đây, rất nhiều hộp chữa cháy (đựng cuộn vòi chữa cháy, van góc và lăng phun chữa cháy), bình chữa cháy xách tay bị “mắc kẹt” dưới các gian hàng cố định.
Ngoài ra, có không ít hộp chữa cháy do không được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ nên không thể đóng mở.
Chợ TP Hà Tĩnh là một trong những khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hoá lớn.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh cơi nới, lấn chiếm lối đi để bỏ hàng hóa. Dẫu biết việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi chung sẽ làm giảm khoảng cách an toàn và gây khó khăn trong việc chữa cháy, thoát nạn nhưng theo nhiều tiểu thương, do lượng hàng quá nhiều, trong khi không gian chật hẹp nên không còn cách nào khác đành phải bố trí gần hộp thiết bị cứu hỏa.
Khi được hỏi, không ít tiểu thương cho rằng, do lượng hàng hóa nhiều, nếu không cơi nới thì sẽ không biết để hàng ở đâu.
Khu vực kinh doanh vàng mã, hàng hóa chất cao, che khuất các vị trí đặt bình chữa cháy.
Đặc biệt, tại khu vực hàng mã, hàng hóa được bày bán kín ở cả không gian phía trên gian hàng. Đây được xem là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rất cao nhưng chỉ được bố trí một số bình cứu hỏa, lại bị hàng hóa che lấp, hoặc được đặt ở vị trí khó nhìn thấy.
Thường xuyên đến chợ TP Hà Tĩnh để mua sắm, chị Trần Kim Hoàn (phường Hà Huy Tập) không khỏi ái ngại bởi theo chị, công tác PCCC ở chợ vẫn chưa được các tiểu thương chú trọng. Chị Hoàn cho biết: “Khi đến mua hàng tại đây, ngoài 2 hộp đựng thiết bị PCCC ở trung tâm chợ và cổng ra vào thì rất khó để thấy các hộp thiết bị ở những địa điểm mua bán xung quanh. Phải thật để ý tôi mới thấy được bình cứu hỏa ẩn lấp trong các gian hàng. Tôi nghĩ để đảm bảo an toàn, các tiểu thương cần chấp hành nghiêm các quy định về PCCC”.
Cuộn vòi chữa cháy nằm ngổn ngang tại lối lên tầng hai chợ TP Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng Ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Với khối lượng hàng hóa lớn, khi không may xảy ra cháy nổ thì thiệt hại là rất lớn, các tiểu thương là người phải gánh chịu thiệt hại trực tiếp. Thế nhưng, nhiều tiểu thương vẫn không có ý thức tự bảo vệ mình, thường xuyên vi phạm PCCC. BQL chợ đã kiểm tra, xử lý nhưng rồi đâu lại vào đấy, tình trạng cơi nới bán hàng vẫn diễn ra.
Để khắc phục tình trạng này, tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể những hộp chữa cháy trong chợ bị mắc kẹt dưới các gian hàng hoặc không thể đóng mở để có phương án khắc phục sớm nhất. Đồng thời, sẽ mạnh tay xử lí các hộ kinh doanh vi phạm, cố tình chây ì”.
Cũng theo ông Long, việc tăng cường công tác PCCC mùa nắng nóng là vô cùng cần thiết và được thực hiện thường xuyên, nhưng điều mấu chốt vẫn nằm ở ý thức của bà con tiểu thương và người dân về thực hiện nội quy PCCC.
Bình chữa cháy bị che khuất tại khu vực bán quần áo ở chợ Hội (Cẩm Xuyên).
Không chỉ tại chợ TP Hà Tĩnh mà ở một số chợ trung tâm tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, công tác PCCC vẫn còn nhiều bất cập. Tại chợ Hội (Cẩm Xuyên), nhiều khu vực bày bán hàng hóa lấn chiếm cả lối đi lại, các thiết bị PCCC cũng bị che khuất bởi vô số mặt hàng.
Hàng hóa choán cả lối đi tại chợ Hội (Cẩm Xuyên).
Chị Nguyễn Thị Minh - tiểu thương bán quần áo tại chợ Hội lý giải, do chưa bố trí được thêm mặt bằng để chứa hàng hóa nên chị phải tận dụng mọi không gian xung quanh quầy, kể cả nơi lắp đặt thiết bị PCCC. Chị Minh cũng thừa nhận, bản thân cũng chưa quan tâm nhiều đến việc PCCC, vẫn còn sự chủ quan.
Hộp chữa cháy bị “mắc kẹt” dưới các gian hàng ở chợ Hội, rất khó để vận hành nếu cháy nổ bất ngờ xảy ra.
Thực tế cho thấy, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, công tác PCCC chưa được chú trọng, việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy còn mang tính hình thức, đối phó, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn luôn tiềm ẩn.
Để công tác PCCC tại các chợ được đảm bảo thì rất cần sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, ban quản lý chợ trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt răn đe. Đặc biệt, quan trọng hơn cả là các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, nhằm đảm bảo sự an toàn về người và tài sản, nhất là trong mùa nắng nóng.