Với phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là cuộc chiến “không khoan nhượng”, không được phép “chùn chân”, “mỏi gối”, chỉ có tiến, không có lùi, không thể đảo ngược như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở.
Việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, thành lập ban chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương, bộ, ngành góp phần đưa công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả, khơi dậy ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”1.
“Trong 10 năm (2012-2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên Trung ương, 27 nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”2.
Theo số liệu tại Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến ngày 1/2/2024, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 219.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân, phát hiện, chuyển đến cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật 660 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Đáng chú ý là nhiều vụ án khiến dư luận, Nhân dân bất bình như vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á là một vụ án hình sự điển hình về tham nhũng có hệ thống, đặc biệt nghiêm trọng về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, gây lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, thành, Bộ KH&CN, Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan. Vụ án chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19, hàng loạt quan chức cấp cao của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan đã bị khởi tố tội đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại tập đoàn FLC; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra trong các hội nghị, đó là: tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động khu vực Nhà nước mà cả khu vực ngoài Nhà nước, có tính quốc tế, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức và trong chính bản thân mỗi con người. Tác động của cơ chế thị trường thách thức bản lĩnh của cán bộ, đảng viên, những bất cập về chính sách chưa điều chỉnh kịp thời vấn đề thực tiễn lãnh đạo, quản lý nảy sinh. Một số tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức công tác giáo dục đạo đức. Mỗi cán bộ, đảng viên chưa có ý thức rèn luyện đạo đức, nhất là thực hành “liêm chính”, chưa nêu cao ý thức tự tôn, “tự trọng”. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, quản lý, cán bộ cao cấp suy thoái, có lối sống xa hoa, thờ ơ, vô cảm với Nhân dân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, cấu kết thâu tóm quyền lợi. Tình trạng tham nhũng, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lối sống trở nên nghiêm trọng, tinh vi nhiều lĩnh vực, thời điểm nhạy cảm...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: cán bộ là gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”. Đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...
Nhiều cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua như số liệu minh chứng ở trên là do bản thân không chịu tu dưỡng, rèn luyện. “Đây chính là bài học đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực”3.
Cùng với các giải pháp đồng bộ, toàn diện như huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh “không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, hoàn thiện cơ chế, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phải coi trọng xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để mỗi cán bộ “không thể, “không cần” tham nhũng. Muốn làm được điều này ngoài việc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu của tập thể, đòi hòi từng cá nhân ở từng vị trí công tác phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, khơi dậy ý thức tự trọng trong mỗi con người. Như lời căn dặn của Tổng Bí thư, đối với con người thì “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”, phải thực sự coi trọng danh dự, “dĩ công vi thượng” đặt việc công lên trước việc tư, thực hành văn hóa liêm chính.
Tổng Bí thư yêu cầu: “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”4. Sai phạm chính là tấm gương phản chiếu cho những ai lỡ “nhúng chàm” phải tự phê bình, tìm cách khắc phục, sửa chữa, cán bộ kế cận phải coi đó là bài học đắt giá phải khắc cốt, ghi tâm để không trượt ngã. Đấu tranh “tự gột rửa” bản thân mình là cuộc đấu tranh gian khổ, đòi hỏi bản lĩnh, quyết tâm, sự kiên cường, tự giác, bền bỉ của từng cá nhân với từng việc một. Trong đó, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu mới thuyết phục được người khác, không thể “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” thì không thể hiệu quả được.
Những lời di huấn của Tổng Bí thư trong công tác phòng, chống tham nhũng luôn thấm đẫm tính thời sự, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm chính trị của người đứng đầu trước Đảng, trước Nhân dân, sự tồn vong của chế độ. Đây cũng là cẩm nang quý báu cho mỗi đảng viên, tổ chức Đảng tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời về nhân cách, đạo đức của người cộng sản, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn sống mãi trong lòng Nhân dân, sẽ đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Phát biểu Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
2. Nguyễn Phú Trọng, "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.26
3. Nguyễn Phú Trọng, "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.38.
4. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 11/10/2017.