Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

(Baohatinh.vn) - Trong những năm gần đây, một số cá nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất an ninh trật tự tại cơ sở. Trong số các trường hợp bị khởi tố có những người ngoan cố, coi thường, thậm chí thách thức pháp luật, nhưng cũng có những người bị kích động bởi đám đông nên phạm sai lầm nghiêm trọng.

Với bản chất dân chủ của chế độ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt và đặt các quyền tự do dân chủ của công dân lên hàng đầu. Việc thực hiện các quyền này phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, những năm qua, một số công dân đã lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Đó là bài học cảnh tỉnh cho những công dân cố tình không hiểu, hoặc nhẹ dạ cả tin nghe theo xúi giục của kẻ xấu, của thế lực bên ngoài, bất tuân quy định của pháp luật.

Từ vượt ngưỡng “tự do” đến các vụ án

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn (bên phải) kể lại câu chuyện nhiều người dân bất chấp quy định của pháp luật thời điểm triển khai dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn (cũ).

Hẳn nhiều người chưa thể quên cách đây hơn 10 năm, khi các cấp triển khai chủ trương xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại địa bàn xã Bắc Sơn cũ (nay thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà), hàng trăm người dân đã phản đối quyết liệt. Vụ việc thời điểm ấy đã đi quá xa, khi nhiều người dân đã tấn công vào nhà của cán bộ địa phương.

Ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn (trước đây là Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn) cho hay: “Thời điểm đó, người dân tụ tập rất nhiều cuộc, có những cuộc hàng trăm phụ nữ tập trung ở sân UBND xã. Cán bộ xã thời điểm đó rất khó khăn để đến trụ sở làm việc. Mặc dù, anh em tìm đủ cách khuyên nhủ mọi người tuyệt đối không được vi phạm pháp luật, nhưng bà con không nghe. Sau vụ việc đáng tiếc đó, nhiều người đã phải chấp hành án phạt tù. Trong số đó, nay có một số người đang làm ăn tại địa phương tâm sự với tôi: do dại dột nên đã làm khổ bản thân, gia đình”.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Dự án Phúc Lạc Viên (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) ngày càng khẳng định được ý nghĩa thực tiễn, tính nhân văn, sự đúng đắn trong chủ trương của triển khai dự án.

Tương tự việc “bất tuân luật pháp” như trên, các vụ việc người dân tập trung đông người để phản đối cấp ủy, chính quyền, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật... xảy ra tại TX Kỳ Anh, Lộc Hà sau sự cố môi trường biển đều có cái kết là một vụ án hình sự, trong đó, nhiều cá nhân phải chấp hành án phạt tù sau phán quyết của tòa án.

Đã từng có nhiều bài học là vậy, song gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn có những đối tượng cố ý lợi dụng quyền tự do dân chủ để thực hiện các mưu đồ. Ngày 8/8/2023, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Hoàng Thị Sơn (SN 1958, trú tổ dân phố 11, thị trấn Hương Khê) và Thái Thị Bé (SN 1956, trú thôn 7, xã Phúc Trạch, Hương Khê) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tòa án nhân dân huyện Hương Khê đã tuyên phạt Hoàng Thị Sơn và Thái Thị Bé mỗi bị cáo 15 tháng tù giam.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Bị cáo Hoàng Thị Sơn (áo hoa) và bị cáo Thái Thị Bé tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 8/8/2023).

Trước đó, trong nhiều năm liên tục, Hoàng Thị Sơn và Thái Thị Bé đã khiếu kiện, tố cáo kéo dài, không chấp thuận nội dung trả lời của cơ quan có thẩm quyền; nhiều lần khiếu kiện trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thậm chí ra tận Trung ương. Các đối tượng còn mang theo băng rôn tố cáo và đăng phát, chia sẻ trên Facebook với nhiều nội dung sai sự thật. Ngày 17/4/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Thái Thị Bé và Hoàng Thị Sơn.

Cũng lợi dụng quyền tự do dân chủ, Hoàng Văn Luân (SN 1988, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam vào ngày 23/8/2023 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Đối tượng Hoàng Văn Luân (ngoài cùng bên trái) từng xúi giục, tổ chức cho người dân trên địa bàn Hà Tĩnh khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Năm 2018, từ chỗ kiến nghị bồi thường, hỗ trợ cho cá nhân, Hoàng Văn Luân dần trở thành đối tượng chủ mưu, thường xuyên xúi giục, lôi kéo, tổ chức cho nhiều người khiếu kiện đông người lên các cấp. Trong đó nổi lên là 3 đợt khiếu kiện đông người, kéo dài liên tục 97 ngày tại Hà Nội, sử dụng nhiều băng rôn kéo đến khu vực trung tâm Ba Đình, trước cổng Đại sứ quán Mỹ khiếu kiện, gây rối.

Theo thông tin từ Công an tỉnh, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có một số công dân cố tình khiếu kiện nhiều lần, vượt cấp, gây phức tạp tình hình ở cơ sở. Đáng nói, những nội dung công dân khiếu nại, tố cáo đã được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định, song những người này vẫn cố tình không chấp hành, thậm chí nhiều lần khiếu kiện vượt cấp, gây phức tạp tình hình, ảnh hưởng xấu đến công tác triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh.

Sự “thôi miên” của tâm lý đám đông

Trở lại câu chuyện xã Bắc Sơn ngày ấy, ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay: “Sau khi nhà đồng chí Bí thư Đảng ủy và nhà của tôi bị tấn công, chúng tôi rất khó khăn để khắc phục, buộc phải lánh tạm nhà người thân. Khi sự việc lắng xuống, chúng tôi gặp lại những người đã ném đá lên mái nhà của tôi và hỏi han thân tình. Nhiều người đã nói, do ở trong đám đông nên bị xúi giục, kích động. Thậm chí, có kẻ đã lên kế hoạch thời điểm nào hành động và bắt buộc những ai phải tham gia; nếu không tham gia thì dọa sẽ tấn công nhà người đó trước”.

Tương tự như trên, tâm lý đám đông cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc phức tạp trên địa bàn Hà Tĩnh trước đây tại Lộc Hà, TX Kỳ Anh, nhất là sau sự cố môi trường biển.

Mới đây, một vụ việc không lớn nhưng tiềm ẩn phức tạp cũng cho thấy điều tương tự. Trong những con ngõ quen thuộc của thôn Mỹ Yên cách đây ít tháng, ngày ngày, người dân bàn tán chuyện khai thác mỏ cát tại thôn. Một đồn hai, hai đồn ba, cứ thế, râm ran trong thôn xóm, hình thành tâm lý đám đông theo hướng khăng khăng phản đối. Tất cả những người mà chúng tôi gặp tại Mỹ Yên khi thâm nhập thực tế đều tỉ tê rằng: Thời điểm đó, không ủng hộ nhóm người kia cũng không được. Họ đến tận nhà vận động, rồi ký tá các giấy tờ, rậm rịch khắp thôn. Họ thúc giục phải hình thành cho được số đông để phản đối.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Dưới sự kích động của một số đối tượng, có thời điểm, nhiều người dân thôn Mỹ Yên bị tâm lý đám đông chi phối, làm xáo trộn sự bình yên của thôn. Nay, sự bình yên đã trở lại.

Ông L.H.X ở thôn 2 cũ (nay thuộc thôn Mỹ Yên) nói: “Tôi hiểu rất rõ chủ trương và các nội dung đối thoại từ cấp trên. Tôi cho rằng, lợi ích quốc gia phải là trên hết. Nhiều đêm trăn trở, không ngủ được, suy nghĩ và cân nhắc có nên trao đổi giữa các cuộc đối thoại hay không. Nếu tôi nói thì Nhà nước cũng có lợi và Nhân dân cũng có lợi; nhưng rồi, tôi không dám vì sợ nhiều người sẽ xa lánh gia đình tôi”. Bà N.T.T ở thôn 3 (cũ) cũng có chung nỗi niềm: “Trước đó, nhà tôi không đồng tình với số đông nhưng vẫn phải đi theo, không thì sợ lắm”.

Đáng nói hơn, tâm lý đám đông còn làm cho một số cá nhân có thời điểm không còn sáng suốt, nói như nhà tâm lý học nổi tiếng Gustave Le Bon: khi bị tác động bởi tâm lý đám đông, cá tính và suy nghĩ của cá nhân sẽ biến mất(1). Bởi vậy, rất nhiều người khăng khăng cự tuyệt, “che mắt, bịt tai” với những giải thích của các cấp, ngành dù bằng văn bản hay qua đối thoại.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Sau nhiều tháng trời, nụ cười đã trở lại tươi vui trên khuôn mặt Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Yên Nguyễn Trọng Hùng (người đứng giữa).

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Yên trò chuyện: “Mấy tháng trời, cán bộ thôn chúng tôi rất vất vả vì nói sao bà con cũng không chịu nghe, thậm chí một bộ phận gây sức ép, cố tình cô lập, nhất là khi gia đình có công chuyện. Chúng tôi thậm chí bị nhiều người chửi bới, xem là đã không bảo vệ thôn xóm”.

Mối nguy hiểm từ bên ngoài

Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam luôn là một trong những hoạt động nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong nhiều năm qua, các thế lực này luôn núp bóng với các chiêu bài: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”...

Các thế lực này thường xuyên lợi dụng các vấn đề, vụ việc còn tồn đọng, phức tạp tại các địa phương để tung tin bóp méo sự thật, nói xấu cấp ủy, chính quyền. Một số trang như: Việt Tân, Đài Châu Á tự do, RFA... và nhiều tài khoản Facebook trong nước và nước ngoài thường xuyên chực chờ những hành động quá khích, những vụ việc cản trở thi công công trình trọng điểm để lên tiếng “hùa theo” cái gọi là “bảo vệ nhân quyền” dù sai lệch và bất chấp luật pháp của nước sở tại.

Trong những vụ việc xảy ra tại Hà Tĩnh nhiều năm qua có nhiều vụ việc đã bị các thế lực thù địch, các trang tin phản động ở nước ngoài đăng tải thông tin, video, hình ảnh với ý đồ chống lại Đảng, Nhà nước ta. Mới đây, nhiều trang tin phản động cũng đã đăng tải hình ảnh Hoàng Văn Luân căng băng rôn khiếu kiện và cho rằng: Công an huyện Kỳ Anh bắt ông Hoàng Văn Luân vì dám khiếu kiện đông người.

Phòng ngừa lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân (bài 2): Những bài học giúp người dân cảnh tỉnh, tránh vi phạm pháp luật

Một số trang tin ở nước ngoài đã lợi dụng triệt để các vụ việc trong nước để kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước ta.

Cần biết, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch thay đổi chiêu thức rất tinh vi, thâm độc, theo các hình thức: gián tiếp, che giấu kín đáo, khoác cái vỏ “vì dân, vì nước”, “trắng - đen”, “thật - giả” lẫn lộn; khai thác sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, lợi dụng, khoét sâu vào các vấn đề nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo ngọn cờ, tạo điểm nóng”(2). Mục đích trước mắt của việc này là hạ thấp uy tín của cấp ủy, chính quyền, sâu xa hơn là thực hiện chiêu bài lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong hội nghị tập huấn về công tác nhân quyền tại Hà Tĩnh ngày 12/12/2023, Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ mà Hà Tĩnh sẽ tập trung thời gian tới: Triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, có nội dung xấu độc, vu cáo chính quyền, xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, chiêu bài dân chủ, nhân quyền vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

------

1. Gustave Le Bon (Nguyễn Xuân Khánh dịch), Tâm lý học đám đông, NXB Tri thức, 2014, tr.58.

2. Nguyễn Mạnh Hưởng, Phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số tháng 9/2023, tr.237.

(Còn nữa)

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm