1. Đặc sản thưởng thức
Mực “nhảy” Vũng Áng
Đặc sản mực “nhảy” Vũng Áng (Ảnh: P.V).
Mực “nhảy” ở cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh gần như đã trở thành đặc sản riêng có của tỉnh Hà Tĩnh. Những con mực được ngư dân câu trong đêm, thả vào khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng. Mực sau đó được thả nuôi trong lồng lưới của các bè nổi. Thực khách muốn thưởng thức có thể trực tiếp dùng vợt lựa chọn theo ý.
Sở dĩ đặc sản này có tên gọi là mực “nhảy” vì khi vớt lên, những con mực vẫn bật tanh tách trong vợt, mình căng mẩy, tươi ngon.
Có nhiều cách để chế biến mực “nhảy”. Nhưng ưa chuộng nhất vẫn là món mực hấp nguyên con, cuốn lá lốt chấm với xì dầu mù tạt hoặc nước mắm nguyên chất thêm gừng và ớt. Ngoài ra, mực nhảy còn có thể làm gỏi bằng cách làm sạch nội tạng, thái miếng, để ráo nước rồi ngâm qua nước chanh, chấm với xì dầu hoặc nước mắm. Món này không tanh, trái lại có vị ngọt, dai, ăn rất mát.
Dê núi Hương Sơn
Đặc sản thịt dê Sơn Tiến luôn làm cho thực khách hài lòng (Ảnh minh họa: Internet).
Hầu như khách bình dân hay thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích thưởng thức món đặc sản thịt dê núi. Đặc biệt, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nổi tiếng với nghề nuôi dê truyền thống từ bao đời nay.
Với lợi thế địa hình nhiều đồi núi cùng hang động, khe suối... dê ở Sơn Tiến được người dân thả nuôi tự nhiên hoặc nuôi nhốt. Nếu nuôi dê trong chuồng, chủ nuôi vẫn thường xuyên vào rừng chặt đủ thứ lá cây dê ưa thích mang về để vỗ béo cho dê.
Người dân Sơn Tiến đặc biệt nói không với việc nuôi dê bằng cám công nghiệp hay chất tăng trọng. Cũng chính vì điều này mà thịt dê Sơn Tiến không nhầm lẫn với bất cứ một thứ thịt dê nào ở vùng khác.
Bún bò Đò Trai
Một suất bún bò Đò Trai “chuẩn”. Ảnh: Đặng Phương
Bún bò Đò Trai được người dân địa phương khuyên là món ăn bạn nhất định phải thử mỗi khi có cơ hội ghé qua vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu. Thịt bò được sử dụng để làm ra món bún cũng phải từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê Đức Thọ.
Bún được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo.
Bánh mướt cuốn ram
Bánh mướt tráng tay (Ảnh: Huy Tùng).
Bánh mướt cuốn ram (bánh cuốn nem rán) là món ăn sáng dân dã, đặc trưng của người dân Hà Tĩnh. Bánh mướt được làm từ gạo tẻ ngâm trong nước nhiều giờ sau đó đem nghiền thành bột rồi tráng mỏng bằng tay. Nguyên liệu làm món ram cầu kỳ hơn, gồm thịt, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành... cuộn chặt trong lá bánh mỏng rồi rán giòn. Ram nóng quấn trong lá bánh mướt mỏng tang ăn kèm với rau sống chấm nước mắm tỏi ớt mang đến hương vị khó cưỡng.
2. Đặc sản làm quà
Cu đơ Hà Tĩnh
“Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người” (Ảnh: Internet).
Người ở nơi khác lần đầu đến Hà Tĩnh có lẽ nên nếm thử cu đơ vì tên gọi lạ lẫm, gợi nhiều sự tò mò. Nhưng khi đã thử một lần thì sẽ nhớ mãi cái vị ngọt thơm, cay cay của mật mía, gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Người Hà Tĩnh coi cu đơ như linh hồn của quê hương, thường chọn làm quà biếu khách quý ở nơi khác đến, hay mang theo mỗi khi đi xa.
Bưởi Phúc Trạch
Những quả bưởi Phúc Trạch đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Thu Phương
Là giống bưởi quý được trồng tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, bưởi Phúc Trạch có màu vàng xanh, tép bưởi màu hồng nhạt, mọng nước, khi ăn có vị thanh chua, ngọt hậu và mùi thơm đặc trưng.
Vào thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch được thưởng Mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2002, giống bưởi này tiếp tục lọt vào danh sách 7 loại quả quý hiếm quốc gia, cấm xuất khẩu giống. Với người dân Hương Khê, bưởi Phúc Trạch là một niềm tự hào, một sản vật mang lại giá trị kinh tế cao.
Bánh gai làng Khóng
Bánh gai làng Khóng, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ (Ảnh: Đặng Phương)
Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.
Bánh đa vừng
Bánh đa vừng. (Ảnh minh họa: Internet)
Bánh đa Hà Tĩnh dày, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.
Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm có tỏi, ớt đậm hương vị dân giã. Miếng bánh giòn, thơm, béo và bùi, đã ăn một miếng thì muốn ăn mãi… Ở Hà Tĩnh, người dân còn ăn bánh tráng xúc bắp chuối, hến xào hoặc các loại gỏi.